Giới thiệu sơ lược về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2015

Giới thiệu sơ lược về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2015

Thực hiện vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp, theo quy định của Điều 62 Luật TTTP và Điều 6 Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTP và thực hiện yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Công văn số 2269/VPQH-TH ngày 18/9/2015 của Văn phòng Quốc hội phục vụ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành, Chính phủ báo cáo Quốc hội về hoạt động tương trợ tư pháp năm 2015. Vụ Pháp luật quốc tế xin được lần lượt thông tin về những kết quả tổng kết thi hành Luật Tương trợ tư pháp với loạt bài như sau:Phần thứ nhất: Tình hình và kết quả hoạt động tương trợ tư pháp và hoàn thiện thể chế; Phần thứ hai: Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp; Phần thứ ba: Thực hiện ủy thác tư pháp; Phần thứ tư: Nhận xét, đánh giá chung; Phần thứ năm: Nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu năm 2016 và kiến nghị

         Phần thứ nhất, tình hình kết quả hoạt động tương trợ tư pháp

Năm 2015 là năm các đạo luật lớn về tố tụng như Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS), Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS), Luật tố tụng hành chính được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành tập trung sửa đổi, bổ sung để ban hành. Đồng thời, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức Tòa án nhân dân cũng bắt đầu có hiệu lực. Những đạo luật này đều có quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động tương trợ tư pháp (TTTP). Bên cạnh đó, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng có bước tiến quan trọng đó là sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào 31/12/2015, kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện xuyên Châu Á-Thái Bình Dương (TPP), triển khai các thủ tục gia nhập các điều ước quốc tế đa phương như Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế, điều ước đa phương trực tiếp về TTTP như Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ). Trong những năm gần đây, yêu cầu TTTP giữa Việt Nam và nước ngoài có xu hướng tăng lên về số lượng và đa dạng, phức tạp hơn về nội dung. Các vấn đề này đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động TTTP năm 2015.

I. công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp

            1. Công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động TTTP

            Trong năm 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã quan tâm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP), từ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ký kết các điều ước quốc tế về TTTP, thực hiện ủy thác tư pháp (UTTP) đến tiến hành các hoạt động quản lý nhà nước khác.

Trên cơ sở kết quả tổng kết 6 năm thi hành Luật TTTP, tổng kết 20 năm thi hành Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam (Công ước New York 1958)[1], Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ có liên quan và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) phối hợp chặt chẽ để triển khai các giải pháp toàn diện nâng cao hiệu quả công tác TTTP và công nhận, thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài (CN và THQĐTTNN)[2]. Về hoàn thiện thể chế, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật TTTP trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến hoạt động TTTP trong BLTTDS, BLTTHS bảo đảm tính khả thi và phù hợp với đặc thù của hoạt động TTTP và CN và THQĐTTNN; sớm hoàn thiện các quy định về cơ chế thu, nộp chi phí thực hiện UTTP về dân sự. Về công tác điều ước quốc tế, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành tích cực đẩy mạnh gia nhập các điều ước quốc tế đa phương và ký kết các hiệp định song phương về TTTP[3]. Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp làm cơ quan đầu mối quốc gia trong thực hiện Công ước New York 1958.

Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về TTTP, Bộ Tư pháp tích cực chủ trì, phối hợp với các Bộ, TANDTC, VKSNDTC triển khai các hoạt động quản lý nhà nước chung về TTTP theo quy định của Luật TTTP và Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTP, cụ thể như phổ biến và chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kết quả tổng kết 6 năm thi hành Luật TTTP, kết quả tổng kết 20 năm thi hành Công ước New York 1958; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất xử lý các vấn đề phức tạp về TTTP và CN và THQĐTTNN[4]; chủ trì, phối hợp với các Bộ, TANDTC, VKSNDTC thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm theo quy định.

             2. Công tác tổ chức, thực hiện hoạt động TTTP

Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, TANDTC và Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước tiến hành tổng kết tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT/BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự của Luật TTTP (Thông tư liên tịch số 15) để đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện UTTP trong lĩnh vực dân sự, đồng thời là cơ sở xây dựng Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 15. Bộ Tư pháp thường xuyên trao đổi với Bộ Ngoại giao và TANDTC về những vướng mắc mà các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gặp phải trong thực hiện UTTP và xử lý các yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài để kịp thời có hướng dẫn, chỉ đạo. Trong năm 2015, Bộ Tư pháp cũng tăng cường đôn đốc tiến độ thực hiện yêu cầu UTTP dân sự của phía nước ngoài đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như các cam kết quốc tế.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BCA-BTP-BNG-VKSNDTC-TANDTC ngày 22/02/2013 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, TANDTC và VKSNDTC hướng dẫn việc tiếp nhận, chuyển giao, tiếp tục thi hành án đối với người đang chấp hành hình phạt tù (NĐCHHPT).

TANDTC cũng tăng cường chỉ đạo các Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo về kết quả thực hiện công tác TTTP định kỳ 6 tháng, cả năm để phục vụ công tác tổng kết thực tiễn, xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan.

Bên cạnh các hoạt động chỉ đạo, điều hành, nhằm hỗ trợ cho các cán bộ trực tiếp làm UTTP ở địa phương, các cơ quan đầu mối về TTTP cũng tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo về các chủ đề TTTP trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao NĐCHHPT; đăng tải các thông tin về TTTP trên báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử của ngành[5]. Đồng thời, hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan trực tiếp xử lý các yêu cầu TTTP được triển khai ở cả bốn lĩnh vực thông qua việc các Cơ quan trung ương có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, biên soạn các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hoặc hỗ trợ trực tiếp cho địa phương trong quá trình thực hiện các yêu cầu TTTP cụ thể[6]. Việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác TTTP cũng được các Bộ, ngành đẩy mạnh.

           3. Xây dựng và hoàn thiện thể chế

Tại Báo cáo hoạt động TTTP năm 2014, Chính phủ và các Bộ, ngành đã xác định, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về TTTP là sửa đổi, bổ sung quy định thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài trong BLTTDS, BLTTHS có tính đến những yêu cầu đặc thù của các vụ việc có yêu cầu UTTP để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ về pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với thực tiễn quốc tế và khả thi trong điều kiện Việt Nam. Triển khai nhiệm vụ trọng tâm này, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tổ chức tổng kết, rà soát, đánh giá toàn diện và chi tiết những hạn chế bất cập về mặt pháp luật cũng như thực tiễn giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, thực hiện TTTP để có giải pháp phù hợp. Kết quả rà soát phân loại rõ những vướng mắc trong thực hiện UTTP để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về TTTP; những vướng mắc trong quá trình tố tụng có liên quan đến kết quả UTTP để đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật về tố tụng.

Về pháp luật tố tụng, trên cơ sở kết quả tổng kết 6 năm thi hành Luật TTTP và kết quả tổng kết 20 năm thi hành Công ước New York 1958, các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật tố tụng là TANDTC, VKSNDTC đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đề xuất sửa đổi, bổ sung, quy định mới nhiều nội dung về thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính có yếu tố nước ngoài để khắc phục được cơ bản những hạn chế, bất cập của các đạo luật hiện hành liên quan đến quy trình xử lý các vụ việc có yêu cầu UTTP.

Cụ thể như dự thảo BLTTDS (sửa đổi) đã được xây dựng theo hướng quy định thêm các phương thức tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài phù hợp với Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ mà Việt Nam chuẩn bị gia nhập; sửa đổi bổ sung các quy định về CN và THQĐTTNN theo hướng phù hợp hơn với quy định của Công ước New York 1958 và xu hướng thế giới. Dự thảo BLTTDS, BLTTHS đều sửa đổi quy định thời hạn giải quyết vụ án dân sự, hình sự có yếu tố nước ngoài dài hơn so với thời hạn giải quyết vụ án, vụ việc thông thường để phù hợp với đặc thù của các vụ việc có yếu tố nước ngoài cần thời gian thực hiện UTTP. Dự thảo Luật tố tụng hành chính cũng được sửa đổi, bổ sung với một chương riêng về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài trong đó có những quy định cụ thể về TTTP trong lĩnh vực hành chính như mở rộng hơn phạm vi cũng như hình thức thực hiện UTTP để phù hợp với thực tiễn[7].

Về pháp luật TTTP, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với TANDTC, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 15 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết những bất cập trong hoạt động UTTP về dân sự cụ thể như: quy định cơ chế thu nộp chi phí thực tế thực hiện UTTP[8]; sửa đổi rút gọn và đơn giản hóa quy trình ủy thác tống đạt và thu thập chứng cứ đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài; sửa đổi các biểu mẫu UTTP trên cơ sở tiếp thu các quy định của Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ; sửa đổi quy định về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong thực hiện UTTP về dân sự đảm bảo khả thi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, trong năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với TANDTC, Bộ Ngoại giao tiến hành rà soát 07 thủ tục hành chính trong lĩnh vực TTTP và công nhận, thi hành quyết định của tòa án nước ngoài, trọng tài nước ngoài và đề xuất phương án đơn giản hóa 5/7 thủ tục.

(Còn nữa – xem tiếp kỳ sau)

 

[1]Báo cáo số 14/BC-BTP ngày 20/01/2015 về kết quả tổng kết 6 năm thi hành Luật TTTP; Báo cáo số 88/BC-BTP-m ngày 03/4/2015 về tổng kết 20 năm thực hiện Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

[2]Công văn số 1049/VPCP-PL ngày 10/02/2015 của Văn phòng Chính phủ về kết quả tổng kết 6 năm thi hành Luật TTTP; Công văn số 1001/VPCP-PL ngày 20/5/2015 của Văn phòng Chính phủ về báo cáo tổng kết thực hiện Công ước New York 1958.

[3]Công văn số 4914/VPCP-QHQT ngày 29/6/2015 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ về việc gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại để trình Quốc hội, phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước sớm tiến hành các thủ tục trong nước để gia nhập Công ước; chỉ đạo Bộ Ngoại giao sớm hoàn tất hồ sơ trình về việc gia nhập Công ước La Hay năm 1961 về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài (Công ước Apostille).

[4]Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của cơ quan đại diện của các nước Hoa Kỳ, Thụy sỹ, Anh về vấn đề công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài hiệp hội Bông quốc tế tại Việt Nam.

[5]http://www.vksndtc.gov.vn/tin-chi-tiet-5293; Bộ Tư pháp đã tổ chức 03 Hội thảo, hội nghị trên toàn quốc phổ biến kết quả tổng kết 6 năm thi hành Luật TTTP và kết quả tổng kết 20 thi hành Công ước New York 1958.

[6]Bộ Công an đã biên soạn Sổ tay về công tác TTTP hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù trong ASEAN cho lực lượng công an nhân dân; VKSNDTC phát hành Sổ tay hướng dẫn công tác TTTP về hình sự; Bộ Ngoại giao tăng cường hướng dẫn, đào tạo công tác TTTP thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ lãnh sự đối với các cán bộ ngoại giao, lãnh sự đi công tác nhiệm kỳ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

[7]Luật tố tụng hành chính hiện hành chỉ có một điều khoản quy định về việcthu thập chứng cứ ở nước ngoài.

[8]Tại Báo cáo 6 năm thi hành Luật TTTP đã xác định việc thiếu cơ chế thu nộp chi phí thực tế phát sinh liên quan đến UTTP về dân sự, trong đó đặc biệt phải kể đến là việc nộp chi phí theo yêu cầu của phía nước ngoài nên nhiều hồ sơ UTTP của Việt Nam gửi đi không được phía nước ngoài thực hiện do chưa nộp phí theo quy định của pháp luật nước ngoài.