I. Các quy định cơ bản của Thông tư 18
Thông tư 18 gồm 06 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2014.
1. Về phạm vi áp dụng của Thông tư 18:
Theo Điều 1 thì Thông tư 18 quy định mức phí, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí UTTP về dân sự.
So với quy định tại đoạn 2 khoản 1 Nghị định 92, Thông tư 18 có phạm vi điều chỉnh hẹp mới chỉ dừng lại ở việc quy định về mức phí UTTP về dân sự mà chưa quy định các nội dung liên quan đến chi phí thực tế.
Theo định nghĩa phí tại Pháp lệnh phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành thì Phí thực hiện UTTP về dân sự theo quy định tại Thông tư 18 phải được hiểu là khoản tiền quy định chung cho mỗi một yêu cầu, khoản tiền này được tính trên cơ sở tổng hợp khoản chi cho việc thực hiện UTTP tại các cơ quan có thẩm quyền mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trả khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền Việt Nam thực hiện UTTP về dân sự. Hiểu một cách chi tiết thì khoản tiền phí này được chi cho các hoạt động thực hiện UTTP tại các cơ quan Tòa án/Cơ quan thi hành án, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao… Phí UTTP về dân sự không bao gồm các khoản chi phí thực tế khác phát sinh trong quá trình cơ quan có thẩm quyền Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện UTTP, ví dụ: cước phí bưu điện gửi đi nước ngoài, chi phí dịch hồ sơ, phí giám định, phí thực hiện UTTP theo quy định của pháp luật nước được yêu cầu ….
2. Về đối tượng phải nộp phí UTTP về dân sự
Điều 2 Thông tư 18 quy định Tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự mà làm phát sinh thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài có yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài tại Việt Nam thì phải nộp phí thực hiện uỷ thác tư pháp về dân sự theo quy định tại Thông tư này khi nộp hồ sơ yêu cầu thực hiện ủy thác tư pháp.
Như vậy Điều 2 quy định đối tượng phải chịu phí ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam ra nước ngoài (UTTP ra) và phí UTTP của nước ngoài tại Việt Nam (UTTP vào).
Thực tế thực hiện UTTP về dân sự tại Việt Nam hiện nay cho thấy yêu cầu thực hiện UTTP phát sinh từ việc gải quyết các vụ việc dân sự (bao gồm dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh doanh thương mại), hành chính và thi hành án dân sự. Cho nên, cần phải xác định đối tượng phải chịu phí UTTP về dân sự là:
- Đối với thực hiện UTTP ra là: Nguyên đơn khởi kiện, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, người yêu cầu thi hành án dân sự
- Đối với UTTP vào là Cá nhân, tổ chức nước ngoài có ủy thác tư pháp về dân sự với Việt Nam.
3. Mức phí thực hiện UTTP về dân sự: theo quy định tại Điều 4 Thông tư 18
- Phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của Việt Nam ra nước ngoài 150.000 đồng/hồ sơ.
- Phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự của nước ngoài tại Việt Nam 1.000.000 đồng/hồ sơ.
Như đã đề cập ở trên mức phí này được tính trên cơ sở tổng hợp khoản chi cho việc thực hiện UTTP tại các cơ quan có thẩm quyền.
Mức phí đối với UTTP ra và UTTP vào có sự khác biệt lớn. Thực tế số tiền đảm bảo cho các hoạt động của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam từ giai đoạn tiếp nhận, chuyển, theo dõi, thực hiện, trả kết quả đối với một hồ sơ UTTP ra và UTTP vào là như nhau. Tuy nhiên, trên thực tiễn, theo quy định của pháp luật để giải quyết một vụ việc dân sự có yêu cầu UTTP, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự ứng với mỗi một giai đoạn tố tụng (thụ lý, chuẩn bị xét xử, xét xử) cơ quan tiến hành tố tụng trong nước đều phải gửi các văn bản, thông báo cho đương sự và tính trung bình một vụ việc cần UTTP từ 7-8 lần. Như vậy, tổng số tiền phí UTTP cho một vụ việc có thể lên đến 7.000.000-8.000.000đ. Trong khi đó, đối tượng phải nộp phí UTTP chủ yếu là cá nhân, công dân Việt Nam có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, việc nộp mức phí UTTP như trên sẽ tạo gánh nặng kinh tế cho người dân trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Vì vậy, để đảm bảo các cơ quan tố tụng trong nước thực hiện đúng quy định pháp luật, đồng thời hỗ trợ cho người dân trong việc bảo về quyền lợi hợp pháp khi tham gia giải quyết các vụ việc dân sự, có tính đến yếu tố khả thi, phù hợp với khả năng, điều kiện chi trả của đối tượng phải nộp phí trong bối cảnh điều kiện kinh tế chung của Việt Nam, mức phí UTTP ra được quy định là 150.000đ/1 hồ sơ.
4. Về cơ quan thu phí
Theo quy định tại Điều 5 của Thông tư 18, các cơ quan có trách nhiệm thi phí UTTP về dân sự cụ thể như sau:
- Thu phí UTTP của Việt Nam gửi ra nước ngoài: Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
- Thu phí UTTP của nước ngoài vào Việt Nam:
+ Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thu phí đối với các UTTP được thực hiện thông qua kênh ngoại giao .
+ Bộ Tư pháp có trách nhiệm thi phí UTTP được gửi thẳng qua cơ quan trung ương là Bộ Tư pháp.
II. Tình hình thực hiện và một số vướng mắc khi thực hiện Thông tư 18
1 Tình hình thực hiện
Thông tư 18 có hiệu lực từ 01/4/2014 nhưng thực tế việc thu, nộp phí UTTP về dân sự mới được các Tòa án, cơ quan thi hành án triển khai thực hiện đầy đủ và đồng bộ từ tháng 10/2014 sau khi Bộ Tư pháp có công văn thông báo gửi đến tòa án, cơ quan thi hành án 63 tỉnh/thành (Công văn số 3950/BTP-PLQT ngày 17/9/2014).
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn tình trạng một số hồ sơ chưa nộp phí UTTP nên Bộ Tư pháp đã phải trả lại và hướng dẫn thực hiện. Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với các Tòa án có số lượng hồ sơ UTTP ít hoặc các cơ quan thi hành án dân sự mà còn gặp ở các Tòa án có số lượng hồ sơ UTTP lớn như Hà Nộị, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Đồng Nai … Thực tế này cho thấy các Tòa án chưa quan tâm đến việc phổ biến Thông tư 18 cũng như thông báo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại đơn vị mình.
2. Một số vướng mắc
Trong hoạt động tiếp nhận và chuyển giao hồ sơ UTTP, Bộ Tư pháp thường xuyên nhận được những thắc mắc liên quan đến thực hiện Thông tư 18, chủ yếu từ cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Các thắc mắc liên quan đến việc nộp phí UTTP trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự thì đối tượng phải nộp phí là ai? Trường hợp cơ quant hi hành án phải nộp thì thu như thế nào vì theo Thông tư 18 thì phí UTTP nộp tại cơ quan thi hành án dân sự? có ý kiến còn cho rằng trong trường hợp này thì không phải nộp phí UTTP. Để trả lời được câu hỏi này cần xác định việc ủy thác tư pháp trong trường hợp này phát sinh từ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án và Điều 2 Thông tư 18 quy định đối tượng phải nộp phí không chỉ có cá nhân mà bao gồm cả tổ chức nên đối tượng phải nộp phí UTTP sẽ là cơ quan thi hành án lập hồ sơ UTTP. Về việc nộp phí UTTP, cơ quan thi hành án dân sự vẫn tiến hành thu nộp bình thường như đối với trường hợp đương sự nộp, phí UTTP được lấy từ kinh phí của đơn vị để nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, mục của Mục lục ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư. Do Điều 4 Nghị định 92 không có quy định về miễn nộp chi phí thực hiện UTTP đối với tổ chức nên không có cơ sở để không thu phí trong trường hợp này.
Bên cạnh đó, một số Tòa án có nêu vướng mắc về trường hợp đương sự không nộp phí UTTP về dân sự dẫn đến Tòa án không thể hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp. Liên quan đến vướng mắc này, Bộ Tư pháp đề nghị TAND tối cao cần có hướng dẫn cụ thể để có thể đề ra hướng xử lý cho các Tòa án.
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 92 quy định “Cá nhân, tổ chức yêu cầu giải quyết các vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp dân sự ra nước ngoài thì phải nộp chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự theo quy định của pháp luật nước ngoài. Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp nêu trong nghị định này bao gồm phí và các chi phí thực tế theo quy định của pháp luật”.