Sự cần thiết của tương trợ
tư pháp trong hợp tác giữa Chính phủ Trung Quốc và nước ngoài
Trong giai đoạn nửa
sau những năm 90 với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và sự tăng trưởng
của đầu tư nước ngoài, nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt
bậc. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường toàn cầu dẫn đến sự nở rộ của các
tranh chấp kinh tế trong đó có các tranh chấp trong lĩnh vực dân sự và thương mại
có liên quan đến cá nhân và tổ chức nước ngoài. Theo Báo cáo thường niên của
Tòa án nhân dân tối cao nước CHND Trung Hoa tại các kỳ họp Quốc hội, số vụ việc
dân sự có yếu tố nước ngoài mà các Tòa án có thẩm quyền giải quyết tăng cao
trong các năm (Giai đoạn 5 năm từ 1996 đến 2001: 55,000 vụ;
giai đoạn 2002-2007: 64,558 vụ, vượt 15% so với giai đoạn 1996-2001;
năm 2009: 19,621 vụ;
năm 2010: 20,258 vụ;
2011: 22,000 vụ).
Để giải quyết các vụ việc dân sự và thương mại có yếu tố nước ngoài này, việc
tương trợ tư pháp để thu thập chứng cứ và tống đạt giấy tờ ra nước ngoài là hết
sức cần thiết, giúp cho quá trình tố tụng của các Tòa án ở trong nước được hiệu
quả và nhanh chóng.
Bên cạnh số lượng các
vụ việc dân sự và thương mại có yếu tố nước ngoài tăng đều hàng năm như đã nêu ở
trên, Chính phủ Trung Quốc cũng có những động thái mạnh tay để giảm số lượng
các vụ án về tham nhũng và khủng bố, những thành quả này của Chính phủ Trung Quốc
có sự đóng góp không nhỏ của sự hợp tác về tương trợ tư pháp giữa Chính phủ
Trung Quốc và nước ngoài. Theo một báo cáo nghiên cứu của Học viện Khoa học xã
hội CHND Trung Hoa vào tháng 6 năm 2008, có khoảng 16,000 đến 18,000 viên chức
Chính phủ tham nhũng với số tiền hơn 80 tỉ đô la Mỹ đã trốn ra nước ngoài. Phần
lớn số viên chức này đang ẩn náu tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, Ca-na-đa
và các nước thuộc liên minh châu Âu-EU. Trong số những nước này, một số nước đã
ký với Trung Quốc điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp. Để có thể kết án những
đối tượng tham nhũng này, Chính phủ Trung Quốc cần yêu cầu Chính phủ nước ngoài
hỗ trợ tương trợ tư pháp thông qua việc điều tra, xác minh nơi ẩn náu, bắt giữ,
thu hồi tài sản tham nhũng… Do vậy, có thể khẳng định rằng, tương trợ tư pháp
là sự cần thiết tất yếu cho sự hợp tác của Chính phủ Trung Quốc và nước ngoài
trong giai đoạn hiện nay.
Hệ thống pháp luật về tương
trợ tư pháp
Hệ thống pháp luật về
tương trợ tư pháp của Trung Quốc được điều chỉnh bởi hai loại văn bản là: (i)
Hiệp định tương trợ tư pháp song phương được ký kết giữa Chính phủ Trung Quốc
và nước ngoài, các Công ước quốc tế đa phương mà Trung Quốc ký, gia nhập và phê
chuẩn; (ii) hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước.
Từ năm 1985 Trung Quốc
đã bắt đầu xây dựng hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tương trợ
tư pháp. Điển hình của việc này là việc Trung Quốc bắt đầu tiến hành đàm phán
và ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại với Cộng
hòa Pháp.
Sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định đầu tiên này, Trung Quốc tiến hành việc soạn
thảo, đàm phán, ký và phê chuẩn một loạt các điều ước quốc tế song phương và đa
phương trong lĩnh vực này.
Theo Bộ Tư pháp nước
CHND Trung Hoa, sau khi phê chuẩn điều ước quốc tế đa phương đầu tiên vào năm
1991 là Công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế ngày 15/11/1965 về tống
đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại,
Trung Quốc tiếp tục phê chuẩn 28 điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp (trong
đó bao gồm cả hai Công ước lớn của Liên hợp Quốc là Công ước chống tham nhũng
và Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia).
Kể từ khi ký Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại đầu
tiên với Cộng hòa Pháp vào năm 1987, đến năm 2009, Trung Quốc đã ký tổng cộng
107 Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp với nước ngoài.
Trong tổng số 107 Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp giữa Trung Quốc và
nước ngoài, 75 Hiệp định hiện đang có hiệu lực. Trong số 75 Hiệp định song
phương này, có 19 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, 19 Hiệp định tương trợ
tư pháp về dân sự và hình sự, 11 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và
thương mại, 22 Hiệp định về dẫn độ và 4 Hiệp định về chuyển giao người đang chấp
hành hình phạt tù. Nhìn vào số 107 Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp
đã được ký kết, có thể nhận thấy Trung Quốc đã thiết lập quan hệ hợp tác về
tương trợ tư pháp với gần một nửa tổng số quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn
thế giới. Hơn thế nữa, phần lớn các Hiệp định song phương này được Trung Quốc
ký với các nước đang phát triển (các nước Trung Á). Rào cản pháp lý lớn nhất
trong việc đàm phán và ký các Hiệp định song phương về tương trợ tư pháp giữa
Trung Quốc và nước ngoài là quy định liên quan đến án tử hình và sự minh bạch
hóa của hệ thống pháp luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của các quốc
gia.
Để tạo thuận lợi
trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài cũng như triển
khai thi hành các Hiệp định tương trợ tư pháp, Trung Quốc đã từng bước gỡ bỏ
các rào cản pháp lý cũng như đưa ra các điều kiện thuận lợi để thực hiện các
yêu cầu tương trợ tư pháp. Một ví dụ điển hình của việc này là sửa đổi Luật
Hình sự năm 1997, theo đó loại bỏ án tử hình ra khỏi 13 tội danh và không áp dụng
án tử hình đối với tội phạm trên 75 tuổi. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang chuẩn
bị những thủ tục để phê chuẩn Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Việc phê chuẩn Công ước sẽ đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải tiến hành sửa đổi
một loạt các văn bản quy phạm pháp luật trong nước để phù hợp với các cam kết
quốc tế cũng như rút ngắn khoảng cách giữa hệ thống pháp luật của Trung Quốc và
nước ngoài.
Xuất phát từ thực tiễn
nhu cầu tương trợ tư pháp với nước ngoài, song song với việc đàm phán, ký và
phê chuẩn các điều ước quốc tế song phương và đa phương, Chính phủ Trung Quốc rất
quan tâm và chú trọng đến việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều
chỉnh hoạt động tương trợ tư pháp. Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định chung về tương trợ tư pháp trong
các đạo luật như Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng Hình sự. Trung Quốc cũng soạn
thảo và ban hành những văn bản đặc thù của hoạt động tương trợ tư pháp như Luật
Dẫn độ;
vào năm 2009, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền ban
hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình
sự nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả, các nhà làm luật và đặc biệt là
những người đang hoạt động trong lĩnh vực tương trợ tư pháp.
Bên cạnh việc ban
hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp,
để nâng hiệu quả của hoạt động tương trợ tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền thực
hiện tương trợ tư pháp của Trung Quốc như Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành
những văn bản hướng dẫn chi tiết và thi hành công tác tương trợ tư pháp. Ví dụ
như: (i) Văn bản của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc thực hiện tương trợ
tư pháp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ban hành năm 1982; (ii) Văn bản liên tịch
giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc tống đạt giấy tờ
thông qua Bộ Tư pháp theo yêu cầu của Tòa án nhân dân tối cao, ban hành năm
1986. Trên thực tế, hai văn bản này đóng vai trò quan trọng cũng như phát huy
hiệu quả cao trong việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp giữa Trung Quốc
và nước ngoài.
Trình tự, thủ tục thực hiện
tương trợ tư pháp
Hoạt động tương trợ
tư pháp của Trung Quốc liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau. Ví dụ, đối với một
yêu cầu về dẫn độ, các cơ quan có thẩm quyền phối hợp thực hiện yêu cầu này gồm
có: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Quốc
Vụ viện.
Theo quy định của Luật
Dẫn độ năm 2000, khi nhận được yêu cầu dẫn độ của cơ quan có thẩm quyền của Nước
yêu cầu, Bộ Ngoại giao sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định của văn
bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế về dẫn độ mà Trung Quốc
là thành viên. Nếu hồ sơ hợp lệ, Bộ Ngoại giao sẽ chuyển hồ sơ tới Tòa án nhân
dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để giải quyết theo thẩm quyền.
Trường hợp người bị bắt
để dẫn độ trước khi có yêu cầu dẫn độ chính thức của phía nước ngoài, Tòa án
nhân dân tối cao sẽ đề nghị Tòa án cấp cao có thẩm quyền xác minh nhân than của
người bị bắt. Trường hợp đối tượng tình nghi chưa bị bắt, nếu nhận được yêu cầu
dẫn độ của phía nước ngoài về đối tượng đó, Tòa án nhân tối cao sẽ thông báo với
Bộ Công an để phát lệnh truy nã đối tượng.
Theo chỉ định của Tòa
án nhân dân tối cao, Tòa án cấp cao có thẩm quyền sẽ kiểm tra các điều kiện hợp
lệ của yêu cầu dẫn độ với các quy định của pháp luật có liên quan và ra quyết định
yêu cầu dẫn độ hợp lệ hay không hợp lệ. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan có
thẩm quyền rà soát quyết định này của Tòa án cấp cao có thẩm quyền và ra quyết
định thi hành hoặc không thi hành yêu cầu dẫn độ.
Trường hợp Tòa án
nhân dân tối cao ra quyết định không thi hành yêu cầu dẫn độ, Tòa án nhân dân tối
cao gửi quyết định cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của
Nước yêu cầu dẫn độ biết.
Trường hợp Tòa án
nhân dân tối cao ra quyết định yêu cầu dẫn độ không đáp ứng các điều kiện theo
quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao sẽ gửi quyết định tới Bộ Ngoại
giao để đệ trình Quốc Vụ viện quyết định việc dẫn độ.
Trường hợp Quốc Vụ viện
quyết định không thi hành yêu cầu dẫn độ, Bộ Ngoại giao sẽ thông báo cho cơ quan
có thẩm quyền của Nước yêu cầu dẫn độ biết. Tòa án có thẩm quyền sẽ thông báo
cho cơ quan công an có thẩm quyền hủy bỏ quyết định cưỡng chế đối với người bị
bắt.
So sánh với trình tự
và thủ tục thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển
giao người đang chấp hành hình phạt tù thì trình tự, tủ tục và thời hạn thực hiện
yêu cầu tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại được thực hiện
đơn giản và nhanh chóng hơn.
Ví dụ thực tiễn liên quan đến
công tác tương trợ tư pháp
Trong những năm gần
đây, Trung Quốc được biết đến là quốc gia có nhiều vụ tương trợ tư pháp nổi cộm.
Có thể nói đến một số vụ điển hình như:
(i) Vụ trùm buôn lậu
Lai Changxing
Lai Changxing là ông
trùm của tổ chức buôn lậu rất nhiều mặt hàng khác nhau từ thuốc lá, xe hơi đến
dầu hỏa, với lợi nhuận lên đến 10 tỷ USD. Vào những năm 1990, tổ chức của Lai Changxing
đã nhập khẩu đến 1/6 lượng dầu hỏa vào Trung Quốc. Lai Changxing còn bị buộc tội
hối lộ hàng chục nhân viên Chính phủ Trung Quốc từ năm 1996 đến 1999 với tổng số
tiền lên đến 39,1 triệu nhân dân tệ. Lai Changxing đã sống lưu vong ở Canada trong suốt 12 năm nhưng vào tháng
7/2011, sau một quá trình đàm phán kéo dài, Lai Changxing bị dẫn độ về Trung Quốc,
sau khi Bắc Kinh đảm bảo với Ottawa rằng Lai Changxing sẽ không đối mặt với án
tử hình. Tháng 5/2012 Tòa án nhân
dân thành phố Hạ Môn, miền Đông Trung Quốc bắt đầu các phiên xét xử Lai
Changxing và đồng bọn. Theo cáo trạng của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Môn, Lai
Changxing và đồng bọn đã thành lập các mạng lưới tinh vi để trốn và gian lận
thuế nhập khẩu lên tới 14 tỷ nhân dân tệ trong giai đoạn từ 1991-1999. Liên
quan đến vụ án buôn lậu và hối lộ này của Lai Changxing, đã có khoảng 300 quan
chức Chính phủ Trung Quốc bị xét xử và kết án, trong đó có nhiều quan chức
Chính phủ cấp cao như Thiếu tướng
tình báo quân sự quân đội Trung Quốc, Phó Thị trưởng thành phố Hạ Môn, Phó Giám
đốc lực lượng đặc nhiệm chống buôn lậu… Có ít nhất 14 người thuộc đường dây của
Lai Changxing bị tuyên án tử hình, gần 1000 người bị cơ quan điều tra xét hỏi. Tòa
án nhân dân thành phố Hạ Môn đã kết. án chung thân đối với Lai Changxing.
(ii) Tương trợ tư pháp giữa Trung Quốc và Thái Lan
Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, Trung Quốc và Thái Lan đã ký Hiệp định
tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định về dẫn độ và Hiệp định về chuyển giao
người đang chấp hành hình phạt tù. Theo
thông tin từ Bộ Công an nước CHND Trung Hoa, từ tháng 9/2008 đến những năm gần
đây, Trung Quốc đã chuyển giao cho Thái Lan 56 đối tượng bị tình nghi trong các
vụ án về công nghệ thông tin. Lần gần đây nhất là vào tháng 11/2012, cảnh sát
Trung Quốc đã bắt 6 đối tượng tình nghi trong các vụ án hình sự để chuyển giao
cho cảnh sát Thái Lan.
Theo
thông tin từ Bộ Tư pháp nước CHND Trung Hoa, trong giai đoạn 1980-1990, các cơ
quan có thẩm quyền của Trung Quốc tiếp nhận và giải quyết gần 100 yêu cầu tương
trợ tư pháp theo yêu cầu của các cơ quan trong nước và cơ quan có thẩm quyền của
nước ngoài. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên một cách nhanh chóng là hơn 1,500
yêu cầu vào những năm đầu của thế kỷ 21. Đặc biệt là riêng trong năm 2008, các
cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đã tiếp nhận và giải quyết hơn 3,000 yêu cầu
tương trợ tư pháp. Không chỉ riêng yêu cầu tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân
sự và thương mại, các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển
giao người đang chấp hành hình phạt tù cũng tăng nhanh. Năm 2012, Bộ Tư pháp nước
CHND Trung Hoa đã tiếp nhận và giải quyết 198 yêu cầu về chuyển giao người đang
chấp hành hình phạt tù của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và cơ quan có
thẩm quyền của Trung Quốc; tiếp nhận và giải quyết 251 yêu cầu tương trợ tư
pháp về hình sự, tăng gần 50% so với năm 2011.
Thực
tiễn công tác tương trợ tư pháp của Trung Quốc cho thấy, hệ thống pháp luật
Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều rào cản pháp lý. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã rất
cố gắng trong việc triển khai một cách có hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp
thông qua một loạt các giải pháp như: áp dụng pháp luật nước ngoài, phê chuẩn
các điều ước quốc tế… Trong một xã hội toàn cầu hóa sôi động hiện nay, các tội
phạm liên quan đến khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người đặc
biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em, tội liên quan đến môi trường, tham nhũng, buôn
lậu, hối lộ phát triển theo chiều hướng gia tăng về số lượng và tinh vi về hành
vi phạm tội thì việc các quốc gia hợp tác chặt chẽ với nhau thông qua hoạt động
tương trợ tư pháp sẽ tác động không nhỏ đến việc giảm thiểu các loại tội phạm
này.
Tài liệu
tham khảo:
- Luật Dẫn độ
nước CHND Trung Hoa ngày 28/12/2000
- Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao nước CHND Trung Hoa tại
kỳ họp thứ 11 Quốc hội nước CHND Trung Hoa
- Báo cáo của Bộ Tư
pháp nước CHND Trung Hoa về ký và phê chuẩn điều ước quốc tế trong lĩnh vực
tương trợ tư pháp (www.legalinfo.gov.cn)