Thông báo về tình hình thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 62 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, hàng năm Bộ Tư pháp phải báo cáo Chính phủ về hoạt động tương trợ tư pháp.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp (Nghị định 92), chậm nhất là ngày 30/6 và 31/12 hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao gửi thông báo cho Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp về lĩnh vực thuộc thẩm quyền của mình theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp (từ Điều 63 đến Điều 67) để Bộ Tư pháp xây dựng Báo cáo hoạt động công tác tương trợ tư pháp hàng năm trình Chính phủ. Theo đó, các cơ quan sẽ thông báo về các nội dung cụ thể sau:
- Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao thông báo về việc xem xét, giải quyết các vụ việc về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo thẩm quyền; tình hình thực hiện tương trợ tư pháp của Tòa án nhân dân các cấp; công tác đào tạo, tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ về tương trợ tư pháp trong ngành Tòa án.
- Đối với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thông báo về việc tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc và thực hiện các ủy thác tư pháp về hình sự; việc đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự; tình hình thực hiện tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp; công tác đào tạo, tập huấn và hướng dẫn nghiệp vụ về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự; kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp.
- Đối với Bộ Công an, Bộ Công an thông báo về việc tiếp nhận, chuyển giao, tình hình giải quyết các yêu cầu của nước ngoài về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; việc đề xuất đàm phán, đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp
- Đối với Bộ Ngoại giao, Bộ Ngoại giao thông báo việc xem xét, giải quyết việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài đó chưa có điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp; việc đề xuất đàm phán, đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp; tình hình thực hiện các ủy thác tư pháp về dân sự của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp.
Để hướng dẫn các Bộ, Ngành có liên quan trong công tác tương trợ tư pháp, Nghị định 92 tại khoản 2 Điều 7 đã có những quy định cụ thể về nội dung trong các thông báo hàng năm của các cơ quan, theo đó, thông báo của các cơ quan phải bao gồm những nội dung chính sau:
- Đánh giá chung về tình hình hoạt động tương trợ tư pháp: phần này các cơ quan sẽ thông báo về kết quả công tác tương trợ tư pháp trong đó nêu rõ số liệu yêu cầu tương trợ tư pháp, kết quả thực hiện các yêu cầu, những khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các yêu cầu.
- Đánh giá hiệu quả của sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện tương trợ tư pháp: phần này nêu rõ thực trạng phối hợp giữa các cơ quan trong các hoạt động cụ thể của công tác tương trợ tư pháp như tiến độ và hiệu quả trong việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ tư pháp hoặc văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của các Bộ, Ngành; việc đàm phán, ký kết, gia nhập và triển khai thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp; tiến độ và hiệu quả giải quyết các vụ việc tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
- Đánh giá về tình hình thực hiện nguyên tắc có đi có lại: phần này chủ yếu sẽ thông báo về thực trạng việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài trong trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài đó chưa có điều ước quốc tế song phương về tương trợ tư pháp, chưa tham gia các công ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp hoặc chưa có tiền lệ áp dụng nguyên tắc có đi có lại; phần này cũng có những đánh giá hai chiều đối với việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại của Việt Nam cũng như của nước ngoài trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp của nhau.
- Kiến nghị về sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp: để tăng cường và nâng cao hiệu quả của sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong công tác tương trợ tư pháp, phần này không chỉ đưa ra các kiến nghị về sự phối hợp giữa các các cơ quan trung ương mà còn kiến nghị về sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương với các cơ quan có liên quan khác trong quá trình triển khai hoạt động tương trợ tư pháp; giữa các Bộ/ngành với các cơ quan điều tra, với cơ quan đại diện Việt Nam, cơ quan lãnh sự, cơ quan thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài; giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương…
- Kiến nghị về sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tương trợ tư pháp và nhu cầu về ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế liên quan đến tương trợ tư pháp: nội dung kiến nghị không chỉ bao gồm việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp mà còn kiến nghị việc sửa đổi hoặc ban hành mới những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của các Bộ/ngành trong công tác tương trợ tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tương trợ tư pháp thuộc lĩnh vực, thẩm quyền của Bộ/ngành. Đối với nhu cầu về ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế liên quan đến tương trợ tư pháp, bên cạnh việc kiến nghị ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế song phương, điều ước quốc tế khu vực và điều ước quốc tế đa phương, các Bộ/ngành có thể kiến nghị cả việc sửa đổi, hủy bỏ các điều ước quốc tế không còn phù hợp với Việt Nam hoặc có khả năng gây ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao, chính trị của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển sâu rộng của đất nước.
Báo cáo Chính phủ, Quốc hội về hoạt động tương trợ tư pháp
Thực hiện quy định của Luật Tương trợ tư pháp về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp các thông báo của các Bộ/Ngành để xây dựng Báo cáo Chính phủ về hoạt động tương trợ tư pháp. Theo quy định của Nghị định 92, Báo cáo Chính phủ về hoạt động tương trợ tư pháp của Bộ Tư pháp phải được gửi Chính phủ trước ngày 31 tháng 01 năm sau của năm xây dựng báo cáo.
Trong trường hợp Quốc hội yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện pháp luật thuộc lĩnh vực tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội.