Việt Nam-Campuchia: Phấn đấu ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại vào cuối năm 2010
Thưa Bộ trưởng, là vị Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của Việt Nam sang thăm Campuchia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1967, Bộ trưởng cảm nhận như thế nào sau chuyến thăm này?
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Chuyến thăm đã rất thành công. Chuyến đi này có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Campuchia bởi hai khía cạnh. Thứ nhất, mặc dù hai nước đã có 42 năm quan hệ ngoại giao, là hai nước láng giềng hữu nghị truyền thống, thậm chí cùng cội nguồn là Đảng Cộng sản Đông Dương, có thời gian dài trên cùng một chiến hào chống quân xâm lược, có chung đường biên giới dài với rất nhiều vấn đề pháp lý phát sinh, nhưng hai Bộ Tư pháp chưa sang thăm chính thức lẫn nhau là việc không bình thường. Rất mừng là năm ngoái, Bộ trưởng Tư pháp Campuchia Ang Vong Vathana đã nhận lời mời sang thăm Việt Nam – một bước đi có ý nghĩa hết sức quan trọng, và lần này mời Đoàn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam sang thăm Campuchia, đã khép lại bước đi ban đầu có tính lịch sử đó. Thứ hai, trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, hai Bộ Tư pháp đã chính thức ký kết Thoả thuận hợp tác đầu tiên, một bộ phận hợp thành trong khuôn khổ hợp tác của Chính phủ hai nước. Thoả thuận này có giá trị trong thời hạn không xác định, tạo khuôn khổ pháp lý cho sự hợp tác giữa hai Bộ và cơ quan tư pháp của hai nước. Trước mắt, hiện nay, có những vấn đề về pháp luật và tư pháp mà hai nước đang phải giải quyết có nhiều điểm tương đồng, vì vậy việc trao đổi kinh nghiệm là hết sức cần thiết và bổ ích. Tôi tin rằng, tới đây, khi hai bên trao đổi thêm thông tin với nhau, chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm của nhau hơn. Tiếp theo, Việt Nam sẽ tăng cường giúp Campuchia đào tạo các chuyên gia pháp luật ở các cấp bậc khác nhau, từ trung cấp luật đến đại học, sau đại học và đào tạo nghề, giúp cho Campuchia bổ sung nguồn nhân lực còn đang rất thiếu hiện nay. Một điều cũng không kém phần quan trọng là hai Bộ đã thống nhất tăng cường phối hợp với nhau trên các diễn đàn quốc tế, khu vực mà hai bên đều là thành viên. Và, điều có ý nghĩa rộng lớn hơn là hai Bộ sẽ phối hợp tham mưu cho hai Nhà nước, hai Chính phủ tăng cường và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho hợp tác về mọi mặt giữa hai nước.
Ngoài ra, cuộc tiếp kiến Thủ tướng Hun Sen hôm 22/12 cũng để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc. Phát biểu của Thủ tướng Hun Sen đã thể hiện tầm nhìn xa đối với lĩnh vực tư pháp và pháp luật. Thủ tướng Hunsen đích thân đứng đầu nhiều tổ chức trong khối tư pháp, chỉ đạo các vấn đề thuộc về tư pháp. Thủ tướng rất ủng hộ sự phát triển quan hệ giữa hai Bộ Tư pháp, trao đổi kinh nghiệm giữa hai hệ thống tư pháp. Thủ tướng rất quan tâm đến việc hai nước sớm ký kết một hiệp định để giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình giao lưu kinh tế, quan hệ láng giềng thân thiết giữa người dân hai nước ở khu vực biên giới mà hiện chưa có cơ chế giải quyết chung. Việt Nam chủ động về Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Phía bạn thì chủ động đặt ra vấn đề rộng hơn, đó là Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, mà trước mắt bạn cho rằng cần thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định về dẫn độ tội phạm - vốn là mặt trái phát sinh trong quá trình giao lưu các mặt.
undefined undefined
Còn cảm nhận về những vấn đề khác, thưa Bộ trưởng?
- Trong chuyến thăm, các bạn Campuchia đã dành cho Đoàn những tình cảm nồng hậu. Đặc biệt, Thủ tướng Hun Sen đãdành thời gian hơn một tiếng đồng hồ để tiếp Đoàn Cán bộ cao cấp của Bộ Tư pháp Việt Nam, mà theo như các bạn Campuchia nói thì hiếm khi Thủ tướng làm như vậy (thông thường Thủ tướng Hun Sen chỉ dành khoảng 30 phút để tiếp xã giao một vị bộ trưởng nước ngoài). Bên cạnh những ý kiến chỉ đạo về tư pháp, Thủ tướng đã tâm sự những câu chuyện cảm động về sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Cách mạng Campuchia và sự tri ân của Campuchia đối với sự giúp đỡ quý báu đó để Campuchia có ngày hôm nay, cũng như về hoàn cảnh gia đình của Thủ tướng vào thời điểm khó khăn trong những năm 1977-1779...
Ngoài ra, các lãnh đạo và cán bộ Bộ Tư pháp mà Đoàn đã gặp từ Phnom Penh đến Xiêm Riệp, kể cả Chánh án và Viện trưởng Viện Công tố Phnom Penh, đều thể hiện sự thân thiện, cởi mở khi đề cập tới quan hệ hữu nghị, hợp tác với cơ quan tư pháp Việt Nam. Tôi nhận thấy có không khí gia đình, anh em trong đó. Rất cảm động! Một số người đã được đào tạo tại Việt Nam cũng bày tỏ sự tri ân đối với thày cô, nhà trường Việt Nam để bây giờ họ trở thành các thẩm phán, chánh án, công tố viên của Campuchia.
Và tôi cũng muốn nói rằng, Xiêm Riệp cho thấy sự vĩ đại của nền văn hoá, văn minh Khmer cổ. Những công trình văn hoá, kiến trúc trong tỉnh Xiêm Riệp từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 13 cho thấy rõ điều đó, mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Đó là điều rất đặc biệt, rất đáng kính trọng!
Là hai nước láng giềng gần gũi nhưng chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp nào, hai nước có gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh?
- Chúng ta có thể thấy rõ, quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước đang chuyển bước sang giai đoạn phát triển nhanh chóng, toàn diện về chính trị, quân sự, an ninh, đối ngoại, … song cũng tập trung sâu vào lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hoá, du lịch và quan hệ láng giềng. Những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình giao lưu, làm ăn kinh tế … được giải quyết theo pháp luật của mỗi nước hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Nhưng điều đó chưa đủ, chưa xứng tầm quan hệ giữa hai nước và cũng không phù hợp với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền ở mỗi nước, làm cho quan hệ về các mặt thiếu tính bền vững. Vì có những lúc pháp luật hai nước vênh nhau và không đảm bảo được lợi ích của người dân cũng như các doanh nghiệp có liên quan, thậm chí có những việc rất khó thi hành. Chẳng hạn như trong lĩnh vực thi hành án dân sự, ở các tỉnh biên giới Việt Nam có rất nhiều vụ việc liên quan tới Campuchia, nhưng khi hai bên chưa có hiệp định tương trợ tư pháp nên không thể uỷ thác hay biện pháp chung nào để giải quyết được. Đó là chưa kể đến công tác phòng chống tội phạm, xét xử của Toà án. Chính vì vậy, việc ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại, tiến tới ký kết cả Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự nói chung và dẫn độ nói riêng sẽ bổ sung cho khuôn khổ pháp lý hiện hành điều chỉnh quan hệ giữa hai nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để giải quyết các vấn đề vướng mắc một cách triệt để hơn.
Bộ trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước trong thời gian tới?
- Tới đây, hai nước sẽ triển khai những bước đi cụ thể hơn. Đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại sẽ là cuộc đàm phán liên ngành, dự kiến sẽ được gói gọn trong nửa đầu năm 2010 để làm sao nửa cuối năm 2010 sẽ hoàn tất thủ tục trong nước. Hy vọng Hiệp định này có thể được ký kết nhân dịp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Campuchia Ang Vong Vathana sang thăm Việt Nam vào cuối năm tới.
Tôi thấy rõ, quan hệ hợp tác về tư pháp và pháp luật giữa hai nước có triển vọng phát triển nhanh chóng, bền vững trong thời gian tới và sẽ đi vào những việc thiết thực để làm sao góp phần cụ thể, tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi nước, cũng như thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!