Tăng cường tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN: nâng tầm hợp tác khu vực với vai trò quan trọng của Việt Nam trong đề xuất Sáng kiến và điều phối triển khai
Đây là lần đầu tiên Nhóm công tác ASEAN về Tương trợ tư pháp được thành lập và nhóm họp theo đề xuất của Việt Nam nhằm triển khai các Sáng kiến của ta về tăng cường tương trợ tư pháp ASEAN đã được Bộ trưởng tư pháp các nước ASEAN thông qua tại ALAWMM 6 diễn ra tại Hà Nội năm 2005. Tại cuộc họp, đại diện đoàn Việt Nam – Bà Đặng Hoàng Oanh đã thông tin cho các nước thành viên những hoạt động mà nước ta đã thực hiện nhằm triển khai Sáng kiến nêu trên của Việt Nam, trong đó có việc tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN về tương trợ tư pháp lần thứ 4 (tháng 5.2008)[i]. Đại diện Đoàn Việt Nam cũng chia sẻ với các nước ASEAN những bước tiến mới của nước ta về hoàn thiện và tăng cường tương trợ tư pháp trong mọi lĩnh vực nói chung và tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại nói riêng. Đó là việc hoàn thiện thể chế trong nước và quốc tế về tương trợ tư pháp (Luật Tương trợ tư pháp, các văn bản hướng dẫn thi hành luật; đàm phán, ký kết mới nhiều Hiệp định song phương về Tương trợ tư pháp; rà soát, sửa đổi, hiện đại hóa các Hiệp định đã ký, đặc biệt là Hiệp định với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây; tiến hành các cuộc họp, thảo luận giữa Việt Nam và các nước ký kết Hiệp định nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường cơ chế phối hợp và thực thi các điều ước quốc tế về Tương trợ tư pháp…). Đặc biệt, đoàn Việt Nam nhấn mạnh đến nhu cầu hợp tác đa phương về tương trợ tư pháp, trong đó có hợp tác ở tầm khu vực và toàn cầu. Liên quan đến cơ chế hợp tác toàn cầu về Tương trợ tư pháp, đoàn Việt Nam nhấn mạnh sự tham gia tích cực của nước ta trong thời gian gần đây vào việc đàm phán xây dựng các Công ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế[ii], việc Việt Nam đang nghiên cứu, chuẩn bị gia nhập các thiết chế đa phương về Tương trợ tư pháp[iii] (Hội nghị[iv] La hay về tư pháp quốc tế và các Công ước của Hôị nghị này). Đoàn Việt Nam cũng chia sẻ kiến thức về các công cụ pháp lý quốc tế đa phương về Tương trợ tư pháp, những thành tựu mà các thiết chế và điều ước đa phương mang lại cho các quốc gia, những thuận lợi, khó khăn cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của một quốc gia khi trở thành thành viên của các thiết chế/điều ước đó. Liên quan đến 2 điều ước quốc tế đa phương là Công ước La hay ngày 05/10/1961 về xoá bỏ các yêu cầu về hợp pháp hóa giấy tờ tài liệu công vụ (Công ước Apostille) và (ii) Công ước La Hay ngày 15/11/1965 về Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mạị (Công ước về Tống đạt giấy tờ), đoàn Việt Nam đã chia sẻ sự cần thiết phải thiết lập và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia (ở tầm quốc tế và khu vực), những nội dung cơ bản và đề xuất kiến nghị về việc gia nhập và/ hoặc tham khảo những nội dung tiến bộ để xây dựng công cụ quốc tế ở tầm khu vực về lĩnh vực này.
Với tư cách là quốc gia chủ trì Nhóm công tác, Việt Nam chủ động đưa ra các phương án để các thành viên ASEAN thảo luận, đó là 1) Xây dựng cơ chế hợp tác khu vực và 2) Gia nhập thiết chế hợp tác toàn cầu về TTTP (Hội nghị La Hay) và các Công ước của Hội nghị này, trong đó có Công ước Apostille và Công ước về Tống đạt giấy tờ. Bên cạnh các phương án hợp tác khu vực và toàn cầu, Đề xuất truyền thống về tăng cường hợp tác song phương giữa các nước cũng được các nước thảo luận và khuyến khích triển khai. Với mỗi phương án, Việt Nam và các quốc gia đều nghiên cứu và cân nhắc kỹ những mặt thuận lợi và khó khăn để lựa chọn bước đi phù hợp nhất với khả năng và hoàn cảnh hiện tại. Đại diện các nước ASEAN đã thảo luận và thống nhất các nội dung dưới đây:
Cho đến nay, đối với Việt Nam và các nước, đặc biệt là các nước ASEAN, cơ chế hợp tác về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Hiện hầu hết các nước trong khối vẫn chỉ tiến hành triển khai hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại với nhau trên cơ sở của nguyên tắc có đi có lại đối với từng vấn đề cụ thể. Nhiều nước ASEAN vẫn chưa sẵn sàng với cơ chế hợp tác đa phương. Thông qua nhiều cuộc thảo luận cởi mở, tích cực tại các Diễn đàn pháp luật, các hội nghị, hội thảo khu vực và quốc tế, trong đó có Diễn đàn Pháp luật ASEAN lần thứ 4 được tổ chức tại Hà Nội tháng 4.2008 về tăng cường công tác TTTP, Việt Nam và nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực, các nước ASEAN đã nhận thức rõ:
- Tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại là nhu cầu khách quan, bức xúc đặt ra, đòi hỏi phải có sự hợp tác xuyên quốc gia mới có thể giải quyết đươc.
- Trong điều kiện toàn cầu hoá, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và các Công ước (mang tính toàn cầu) của Hội nghị có vai trò to lớn, góp phần quan trọng vào việc giải quyết hiệu quả nhất nhu cầu hợp tác tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại.
- Trên tầm quốc tế, về lĩnh vực tương trợ tư pháp đã có gần 40 Công ước khác nhau trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Các điều ước quốc tế này là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc giải quyết các vấn đề tư pháp quốc tế trên toàn cầu. Nếu cách đây 5 năm, vào thời điểm Việt Nam tổ chức Hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội, các Công ước này chủ yếu vẫn là những nội dung đang được nghiên cứu, xem xét của các nước ASEAN, thì cho tới thời điểm hiện tại, đã có 6/10 nước trong Hiệp hội ASEAN đã trở thành thành viên của một hoặc nhiều công cụ pháp lý của thiết chế La Hay. Có thể kể tới sự hiện diện tích cực của Malaysia, Brunei, Singapore, Thái Lan, Philippine, Campuchia trong Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Do vậy, việc các nước ASEAN chia sẻ thông tin nghiên cứu kinh nghiệm, thuận lợi cũng như những khó khăn vướng mắc trong việc thực thi các thiết chế đa phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại là rất cần thiết. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, việc hợp tác đa phương là nhu cầu tất yếu. Các quốc gia đều nhận thức rằng, sẽ rất thuận lợi khi cộng đồng ASEAN và quốc tế đều sử dụng chung một công cụ pháp lý đa phương. Điều quan trọng ở đây là các nước ASSEAN phải hài hoà được những mục tiêu đa phương và những mục tiêu khu vực, tạo lập được một khuôn khổ hỗ trợ, bổ sung cho nhau để cùng phát triển.
Việt Nam cũng như các nước ASEAN đều nhất trí rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để thấy hết giá trị thực tế của Hội nghị La Hay, cũng như các Công ước của tổ chức này. Các nước cũng đã nhận thấy việc tiến tới gia nhập các điều ước quốc tế La Hay về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại là nhu cầu đặt ra đối với các nước ASEAN và là con đường đúng trong sự lựa chọn lâu dài của Việt Nam và các nước trong Hiệp hội.
Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Nhóm công tác cũng đã phân tích và đưa ra một số khó khăn tại thời điểm hiện tại:
Đối với các nước ASEAN, cơ chế hợp tác về tương trợ tư pháp vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Hiện hầu hết các nước trong khối vẫn chỉ tiến hành triển khai hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại với nhau trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại đối với từng vấn đề cụ thể. Nhiều nước ASEAN vẫn chưa sẵn sàng với cơ chế hợp tác đa phương do một số nguyên nhân sau:
· Thứ nhất, có thể thấy hầu hết các điều ước đa phương về tương trợ tư pháp có các yêu cầu, mục đích, quy phạm dựa trên tiêu chí của nền tư pháp phát triển. Do đó, đối với một số nước ở khu vực Đông Nam á còn có khoảng cách nhất định, khiến cho nhiều nước còn e ngại tiếp cận.
· Thứ hai, mặc dù hoạt động tương trợ tư pháp là một trong những hoạt động hợp tác được hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới, nhưng đối với nhiều nước ASEAN thì vẫn còn mới mẻ. Thời gian vừa qua hầu hết các nước trong khối còn đang tập trung vào các hoạt động hợp tác về kinh tế, về an ninh khu vực, chống khủng bố quốc tế mà chưa thực sự chú trọng đến hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại nên nhu cầu tham gia vào cơ chế hợp tác đa phương về tư pháp quốc tế chưa thực sự bức xúc.
· Thứ ba, nhiều nước chưa sẵn sàng để tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương vì lo ngại phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý với số lượng lớn các quốc gia thành viên, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm hợp tác trong lĩnh vực này.
Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu là các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác với nhau bằng các hình thức thiết thực để vượt qua các khó khăn hiện có. Việc trợ giúp kỹ thuật từ Hội nghị La Hay là rất cần thiết, giúp các nước ASEAN sớm khắc phục được những khó khăn đã nêu ở trên.
Để có đầy đủ cơ sở nghiên cứu xây dựng thể chế hợp tác khu vực hay tiến tới gia nhập cơ chế hợp tác đa phương trong khuôn khổ Hội nghị La Hay, tại thời điểm trước mắt, Nhóm công tác đề xuất các nước ASEAN cần phối hợp triển khai các hoạt động sau đây[v]:
1. Nhóm Công tác sẽ tập trung thảo luận vấn đề miễn hợp pháp hóa giấy tờ dùng trong tuơng trợ tư pháp giữa các nước ASEAN dựa trên mô hình Công ước La Hay về miễn hợp pháp hóa giấy tờ (Công ước Apostille)[vi];
2. Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về nội luật của từng nước liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại, đặc biệt là liên quan đến nội dung miễn hợp pháp hóa giấy tờ. Ngoài ra, các thành viên ASEAN cũng cần tiến hành nghiên cứu tác động/ ảnh hưởng của vấn đề miễn hợp pháp hóa giấy tờ. Các hoạt động nêu trên có thể được tiến hành thông qua hình thức tổ chức hội thảo, hội nghị…
Thành viên tham dự các hội thảo, hội nghị cần đến từ các cơ quan có thẩm quyền về nội dung liên quan .
3. Nhóm Công tác sẽ nỗ lực tổ chức ít nhất 1 cuộc họp trong thời gian từ nay đến trước Hội nghị tiếp theo của các quan chức pháp luật cao cấp các nước ASEAN[vii], ưu tiên tiến hành ngay sau hội thảo/ hội nghị được nhắc tới tại điểm 2 nêu trên.
4. Đề nghị Việt Nam chủ trì tiến hành việc soạn thảo Hiệp định song phương (Mẫu) về miễn hợp pháp hóa giấy tờ dùng trong tương trợ tư pháp, là cơ sở để Nhóm Công tác cân nhắc soạn thảo Công ước khu vực vè vấn đề này.
Như vây, với đề xuất của các nước ASEAN, Việt Nam sẽ giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc điều phối cơ chế hợp tác khu vực về tương trợ tư pháp. Nhiệm vụ này là vinh dự, đồng thời là cũng là trách nhiệm lớn lao của nước ta, đòi hỏi cần có sự nỗ lực đồng bộ từ các cấp, các ngành, đặc biệt cần có sự tăng cường phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các Cơ quan Nội chính Trung ương và các cơ quan đối ngoại nhằm giải quyết tốt các vấn đề vĩ mô cơ bản, hoàn thiện khung pháp luật về tương trợ tư pháp, tổ chức tốt và chủ động hơn các hoạt động đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các hoạt động tố tụng dân sự - kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Thực tiễn cho thấy ASEAN là một tổ chức hợp tác khu vực có sức sống mạnh mẽ và khả năng thích ứng nhanh chóng với tiến trình hội nhập. ASEAN xét cả về hợp tác đa phương và quan hệ song phương, luôn được xác định là một bộ phận quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của khu vực Đông Nam Á, do vậy một ASEAN liên kết chặt chẽ, đoàn kết và thống nhất, có vai trò và vị thế quốc tế quan trọng là hoàn toàn phù hợp với lợi ích cơ bản và lâu dài của chúng ta. Thời gian Việt Nam nói chung và các cơ quan tư pháp Việt Nam nói riêng tham gia ASEAN tuy chưa phải là dài, song chúng ta có thể tự hào về những đóng góp quan trọng và dấu ấn Việt Nam. Trong 15 năm qua, Việt Nam đã đóng góp quan trọng trong việc xác định các phương hướng hợp tác và tương lai phát triển cũng như trong các quyết sách lớn của ASEAN, góp phần tăng cường đoàn kết và hợp tác cũng như nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Hiệp hội. Các nước ASEAN khác và các đối tác bên ngoài đều nhìn nhận Việt Nam là một thành viên tích cực và có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển và trưởng thành của ASEAN. Hy vọng rằng việc Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN, trong đó có hợp tác về tương trợ tư pháp một cách tích cực, chủ động và có trách nhiệm sẽ đóng góp xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trở thành một tổ chức liên kết chặt chẽ, đoàn kết và vững mạnh, đồng thời mang lại cho nước ta nhiều lợi ích quan trọng và thiết thực, hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu an ninh và phát triển cũng như nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam./.
DANH SÁCH THÀNH VIÊN CUỘC HỌP LẦN THỨ NHÂT
NHÓM CÔNG TÁC ASEAN VỀ TĂNG CƯỜNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ - THƯƠNG MẠI
27 tháng 4 năm 2010 - Ba-li, In-đô-nê-xia.
Trưởng Nhóm/Chủ trì cuộc họp: Bà Đặng Hoàng Oanh - Bộ Tư pháp Việt Nam
Thư ký: Ông. Harminder Singh Jaila Singh – Ban Thư ký ASEAN
BRUNEI DARUSSALAM
Bà Dk Rosanidah Pg Idris Luật sư, Văn phòng Tổng công tố
Bà. Riana Dewi Aji Luật sư, Văn phòng Tổng công tố
Bà Lim Siew Yen Thẩm phán Tòa Đệ nhị
Tòa án tối cao
CAMPUCHIA
Ông. CHAN Satha Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp
Ông. SING Sarath Chuyên gia pháp lý, Bộ Tư pháp
INDONESIA
Bà. Chairijah Vụ trưởng Vụ Xây dựng pháp luật
Bộ Pháp luật và nhân quyền
LÀO
Ông Norasing Nalonglith Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý và Hợp tác quốc tế
Bộ Tư pháp
MALAYXIA
Ông Mohd Radzi Harun Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế
Văn phòng Tổng công tố Malayxia
Ông. Alfian Yang Amri Trưởng Bộ phận Hàng hải, hàng không dân dụng và các vấn đề về lãnh thổ,
Văn phòng Tổng công tố
Ông.Muhammad Rushdan Mohamed Luật sư nhà nước cao cấp,
Vụ Tổ chức quốc tế và nhân quyền
Văn phòng Tổng công tố
MYANMAR
Ông. Kyai Kyaw Naing Phó Vụ trưởng
Văn phòng Tổng công tố
PHILIPPINES
Bà. Maria Laureen D. Suan Luật sư nhà nước cao cấp
Văn phòng Chủ tịch Luật sư nhà nước
Bộ Tư pháp
Bà Marlyn Laurino Angeles Luật sư nhà nước cao cấp
Văn phòng Chủ tịch Luật sư nhà nước
Bộ Tư pháp
SINGAPORE
Ông. Jeffrey Chan Wah Teck, Phó Tổng trưởng lý
Văn phòng Tổng công tố
Ms. Diane Tan Yi-Lui Luật sư nhà nước
Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng Tổng công tố
THÁI LAN
Ông Wisit Wisitsora-at Phó Chánh Văn phòng, Bộ Tư pháp
Ông Chunchay Rochanasaroj Thẩm phán Văn phòng Chánh án Tòa án Tối cao
Bà Nawarat Narkvichit Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp
VIETNAM
Bà Đặng Hoàng Oanh Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,
Bộ Tư pháp
Bà Dương Thiên Hương Phó Trưởng phòng Phòng Tương trợ tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp
BAN THƯ KÝ ASEAN
Ông. Harminder Singh Jaila Singh Chuyên gia pháp luật, Ban Thư ký ASEAN
[i] Diễn đàn được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam với sự tham dự của 10 nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, các chuyên gia pháp luật cao cấp đến từ Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế và một số nước thành viên của Hội nghị này như Úc, Trung quốc, Trung quốc Ma cao, Trung Quốc Hồng Kông….Theo diễn tiến và những nội dung đã thảo luận và thống nhất tại Diễn đàn thì hầu hết các nước ASEAN và các chuyên gia quốc tế tham dự đều nhận thấy trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại, cách thức ngắn nhất, thuận tiện và hiệu quả nhất là tham gia các Công ước đa phương La-hay về các hình thức tương trợ khác nhau, trong đó có Công ước La Hay ngày 05/10/1961 về xoá bỏ các yêu cầu về hợp pháp hóa giấy tờ tài liệu công vụ và (ii) Công ước La Hay ngày 15/11/1965 về Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mạị. Hội nghị đã thống nhất ghi nhận các nội dung đã thảo luận tại Diễn đàn pháp luật ASEAN lần thứ 4, phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, các nước thành viên và Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế tiếp tục triển khai những kết luận của Hội nghị; cập nhật và thông tin thường xuyên tiến độ hoạt động mà các nước thành viên đang tiến hành nhằm hoàn thiện và phát triển cơ chế tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại; khuyến khích việc tổ chức các diễn đàn pháp luật ASEAN chuyên sâu về tư pháp quốc tế, thúc đẩy việc hài hoà hoá pháp luật thương mại, dân sự, tố tụng quốc tế giữa các nước thành viên, tiến tới hình thành thể chế và thiết chế tương trợ tư pháp giữa các nước ASEAN với nhau và với thế giới, góp phần trực tiếp thúc đẩy thương mại trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn cầu.
[ii] Theo lời mời của Hội nghị La hay về tư pháp quốc tế, từ năm 2007, Việt Nam đã nhiều lần cử chuyên gia pháp lý (Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp) tham gia trực tiếp đàm phán, xây dựng Công ước La hay về cấp dưỡng con và cấp dưỡng gia đình, Nghị định thư về áp dụng pháp luật trong việc công nhận và thi hành các quyết định về cấp dưỡng con và cấp dưỡng gia đình, các Hội nghị quốc tế về tương trợ tư pháp khu vực Châu Ấ - Thái Bình dương. Những đóng góp tích cực và hiệu quả của chuyên gia Việt Nam vào việc hoàn thiện khung khổ pháp lý quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp đã được Ủy Ban thường trực Hội nghị La hay về tư pháp quốc tế, các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế đánh giá cao tại các diễn đàn quốc tế mà ta đã tham dự.
[iii] Sau khi tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật các nước ASEAN lần thứ tư tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả của Hội nghị cùng những kiến nghị về việc tăng cường hợp tác đa phương về TTTP. Các kiến nghị trong báo cáo nêu trên của Bộ Tư pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành các họat động nhằm tăng cường hợp tác đa phương về TTTP, trong đó có việc nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và một số Công ước của tổ chức này, trước mắt là xem xét việc gia nhập (i) Công ước La hay ngày 05/10/1961 về xoá bỏ các yêu cầu về hợp pháp hóa giấy tờ tài liệu công vụ; và (ii) Công ước La Hay ngày 15/11/1965 về Tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mạị; Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, xây dựng và trình Đề án việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế và một số Công ước quan trọng của tổ chức này.
[iv] “Hội nghị/ Conference” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là một thiết chế/ tổ chức quốc tế.
[v] Các kiến nghị này được trích nguyên văn từ Báo cáo và Biên bản kết quả cuộc họp Nhóm công tác (dịch từ bản gốc tiếng Anh)
[vi] Tại Hội nghị ALAWMM 6 trước đây, Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN đã nhất trí thành lập Nhóm Công tác nghiên cứu xây dựng 2 Hiệp định khu vực: 1) Hiệp định về miễn hợp pháp hóa giấy tờ dùng trong tương trợ tư pháp và 2) Hiệp định về tống đạt giấy tờ dùng trong tương trợ tư pháp. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, sau khi cân nhắc các nguồn lực, tiến độ và sự cần thiết, Nhóm Công tác thống nhất trước mắt sẽ ưu tiên tiến hành nghiên cứu xây dựng 1 Hịêp định về miễn hợp pháp hóa giẫy tờ, sau đó mới tiến hành xây dưng Hiệp định còn lại.
[vi] Hội nghị ASLOM tiếp theo dự kiến được tổ chức tại Cam-pu-chia vào cuối năm 2011, cùng thời điểm của Hội nghị Bộ trưởng tư pháp các nước ASEAN