Tương tự như các Hiệp định tương trợ tư pháp ký kết với các nước xã hội chủ nghĩa những năm 1980 - 1990, Hiệp định 1985 với 4 phần và 98 Điều khoản có phạm vi điều chỉnh rộng bao gồm cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù. Nội dung Hiệp định điều chỉnh tổng thể cả hai mảng quan hệ là tương trợ tư pháp giữa các cơ quan tư pháp hai nước và quy tắc chọn pháp luật để áp dụng giải quyết xung đột pháp luật cũng như quy tắc xác định thẩm quyền của cơ quan tư pháp trong giải quyết vác vấn đề dân sự, lao động, hôn nhân gia đình và hình sự.
Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và gia đình trước hết được điều chỉnh bởi các quy định tại Phần I – Các quy định chung bao gồm các quy định về vấn đề bảo hộ pháp lý, cơ quan thực hiện và cơ quan đầu mối tương trợ tư pháp, cách thức liên hệ, phạm vi vấn đề tương trợ tư pháp, ngôn ngữ trong tương trợ tư pháp, thực hiện uỷ thác tư pháp, triệu tập người làm chứng, người giám định, cách thức tống đạt giấy tờ, quy định về từ chối tương trợ tư pháp, chi phí tương trợ tư pháp.
Phần II của Hiệp định gồm 5 chương bao gồm các quy định lựa chọn pháp luật để giải quyết các xung đột pháp luật trong lĩnh vực nhân thân, hôn nhân gia đình, thừa kế. Ngoài ra, phần này có chương quy định chi tiết về điều kiện và thủ tục miễn giảm án phí, thi hành quyết định về án phí của toà án, gửi các văn bản giấy tờ về hộ tịch và chương quy định về vấn đề công nhận và cho thi hành quyết của Toà án và cơ quan có thẩm quyền khác, trình tự thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành.
Để giải quyết các xung đột pháp luật trong xác định năng lực pháp luật và năng lực hành vi, Hiệp định dùng hệ thuộc luật quốc tịch theo đó năng lực pháp luật và năng lực hành vi của cá nhân được xác định theo pháp luât bên ký kết mà người đó là công dân, đối với pháp nhân được xác định theo pháp luật của bên ký kết thành lập pháp nhân đó.
Về vấn đề hôn nhân, gia đình Hiệp định quy định về việc áp dụng pháp luật để giải quyết việc kết hôn, ly hôn, quan hệ nhân thân và tài sản giữa vợ chồng, quan hệ pháp lý giữa cha mẹ và con, nuôi con nuôi, giám hộ và trợ tá cũng như xác định thẩm quyền cơ quan tư pháp trong việc giải quyết các vấn đề này. Nhìn chung trong lĩnh vực hôn nhân gia đình hệ thuộc luật quốc tịch và luật nơi cư trú được áp dụng để giải quyết các xung đột pháp luật.
Về quan hệ thừa kế, Hiệp định khẳng định nguyên tắc bình đẳng đối với công dân của mỗi bên trong việc hưởng di sản thừa kế trên lãnh thổ của bên kia. Pháp luật giải quyết thừa kế động sản là pháp luật của bên mà người để lại thừa kế là công dân đối với bất động sản thì áp dụng pháp luật của bên có bất động sản đó. Tại chương này, Hiệp định còn điều chỉnh vấn đề di chúc, thẩm quyền giải quyết thừa kế, bảo quản, chuyển giao tài sản thừa kế.
Sau 26 năm thực hiện, đây là lần đầu tiên hai Bên ký kết cùng tiến hành rà soát và đánh giá tình hình triển khai thực hiện Hiệp định 1985. Hai Bên đều thống nhất nhận định các quy định về tương trợ tư pháp cũng như về xử lý xung đột pháp luật, thẩm quyền về tố tụng khá chi tiết, hợp lý và chặt chẽ. Tuy nhiên, một số quy định cụ thể về dân sự, hôn nhân gia đình không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay trong bối cảnh kinh tế - xã hội, pháp luật hai nước đã phát triển, đặc biệt chế độ chính trị của Hung-ga-ri thay đổi gây không ít khó khăn cho việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp và áp dụng để giải quyết các vụ việc phát sinh giữa công dân hai nước. Chính vì vậy, hai nước cần sớm xúc tiến việc đàm phán tiến tới ký kết mới Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự thay thế các quy định liên quan của Hiệp định 1985.
Sau khi thảo luận, hai Bên thống nhất sẽ tham vấn với các cơ quan có liên quan trong nước, báo cáo lên cấp có thẩm quyền đề xuất việc đàm phán Hiệp định vào năm 2014, sau khi Bộ Hành chính công và Tư pháp Hung-ga-ri hoàn tất các thủ tục theo quy định của Liên minh Châu Âu còn phía Việt Nam hoàn tất các thủ tục báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong nước.
Để chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo Hiệp định mới phù hợp với pháp luật hai nước, hai Bên đã dành thời gian giới thiệu và tìm hiểu khung pháp lý của Liên minh Châu Âu về hợp tác song phương trong lĩnh vực dân sự, quy định về đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế song phương và các văn bản quy phạm pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Việt Nam, cũng như về thực tiễn thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp của các Bộ, ngành có liên quan.
Bên cạnh nội dung rà soát Hiệp định tương trợ tư pháp nêu trên, Đoàn công tác cũng đã dành thời gian tìm hiểu về kinh nghiệm và thực tiễn của Hung-ga-ri trong việc gia nhập và thực thi các Công ước La hay về tư pháp quốc tế mà Hung-ga-ri đã tham gia. Bộ Hành chính công và Tư pháp Hung-ga-ri là Cơ quan đầu mối quốc gia của Hung-ga-ri về Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế, Hung-ga-ri đã tham gia 8 Công ước của Hội nghị La Hay trong đó có những công ước mà Việt Nam đang nghiên cứu để gia nhập như Công ước về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài, Công ước về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp. Theo phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp là Cơ quan quốc gia và là cơ quan chủ trì triển khai Kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế. Vì vậy, những thông tin, kinh nghiệm của Hung-ga-ri trong khuôn khổ Hội nghị La Hay sẽ hỗ trợ cho Bộ Tư pháp cũng như các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam trong việc thực thi các quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay cũng như nghiên cứu, gia nhập các công ước về tư pháp quốc tế của Hội nghị này.
Phòng Tương trợ tư pháp-Vụ PLQT