MỘT SỐ THÔNG TIN CHUNG VỀ ỦY BAN NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC

MỘT SỐ THÔNG TIN CHUNG VỀ ỦY BAN NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC

1. Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (sau đây gọi tắt là Ủy ban) gồm các chuyên gia độc lập giám sát việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của các quốc gia thành viên.
Tất cả các quốc gia thành viên có nghĩa vụ nộp báo cáo cho Ủy ban về cách thức thực thi các quyền. Các quốc gia thành viên phải nộp báo cáo ban đầu một năm sau khi gia nhập Công ước và sau đó khi nào Ủy ban yêu cầu (thường là bốn năm một lần). Ủy ban xem xét từng báo cáo và nêu các vấn đề quan tâm và khuyến nghị của mình cho các quốc gia thành viên dưới hình thức "Kết luận quan sát”.
 Nghị định thư không bắt buộc đầu tiên đối với Công ước quy định cho Ủy ban thẩm quyền xem xét các khiếu nại của cá nhân đối với quốc gia thành viên được cho là vi phạm Công ước nếu quốc gia đó là thành viên của Nghị định thư.
Toàn bộ thẩm quyền của Ủy ban cũng được mở rộng đến Nghị định thư không bắt buộc thứ hai của Công ước về việc bãi bỏ án tử hình đối với các quốc gia là thành viên của Nghị định thư này.
Ủy ban họp tại Geneva và thường tổ chức ba phiên mỗi năm.
Ủy ban cũng công bố giải thích nội dung của các điều khoản của Công ước, được gọi là Bình luận chung về các vấn đề chuyên đề hoặc phương pháp làm việc của Ủy ban.
2. Hiến chương Liên hợp quốc (1945) tuyên bố rằng một trong những mục tiêu của Liên hợp quốc là thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng đối với quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người. Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1948 là nỗ lực đầu tiên của tất cả các quốc gia trong việc tập hợp toàn diện về các quyền của con người trong một tài liệu duy nhất. Do đó, mục đích của nó là để thiết lập một tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia. Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền đặt ra hai phạm trù rộng lớn của các quyền và tự do - quyền dân sự ở cả phương diện chính trị cũng như phương diện về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.  Vào thời điểm thông qua Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền, đã có sự đồng ý rộng rãi rằng nhân quyền nên được xây dựng dưới hình thức pháp lý như một công ước quốc tế, sẽ ràng buộc trực tiếp với các quốc gia đồng ý gia nhập. Năm 1966, Đại hội đồng thông qua Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Hai Công ước quốc tế về nhân quyền đã tạo nền tảng của cho các công ước mang tính ràng buộc quốc tế bao gồm nhiều vấn đề khác nhau trong lĩnh vực nhân quyền.
Bên cạnh 02 Công ước nêu trên là 05 Công ước quốc tế cơ bản của Liên hợp quốc hơn về nhân quyền: Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (năm 1965); Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (1979); Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (1984); Công ước về quyền trẻ em (1989); và Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên của gia đình họ (1990).
3. Bốn chức năng giám sát của Ủy ban
Nhiệm vụ của Ủy ban là giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước của các quốc gia thành viên. Khi thực hiện các chức năng giám sát của mình, Ủy ban có bốn trách nhiệm chính. Đầu tiên, Ủy ban nhận và xem xét các báo cáo từ các quốc gia thành viên về các bước họ đã thực hiện để đảm bảo các quyền được nêu trong Công ước. Thứ hai, Ủy ban xây dựng các Bình luận ​​chung, cung cấp chi tiết hơn về nghĩa vụ thực chất và yêu cầu đối với các quốc gia thành viên. Thứ ba, Ủy ban tiếp nhận và xem xét các khiếu nại cá nhân đối với quốc gia thành viên vi phạm các quyền theo Công ước, theo quy định của Nghị định thư không bắt buộc của Công ước. Thứ tư, Ủy ban có thẩm quyền xem xét một số khiếu nại nhất định của một quốc gia thành viên rằng một quốc gia khác không tuân thủ các nghĩa vụ được thừa nhận theo Công ước.
Xem xét các báo cáo được gửi bởi các quốc gia thành viên
Tất cả các quốc gia đã phê chuẩn hoặc tham gia vào Công ước cam kết nộp báo cáo lên Ủy ban về các biện pháp mà họ đã áp dụng để có đảm bảo các quyền mà Công ước quy định và lộ trình thực hiện các quyền đó. Nghĩa vụ này quy định tại Điều 40 của Công ước.
Báo cáo ban đầu của quốc gia thành viên được nộp trong vòng một năm kể từ khi Công ước có hiệu lực đối với quốc gia thành viên. Các báo cáo tiếp theo được gọi là báo cáo định kỳ. Năm 1997, Ủy ban đã thay đổi quy tắc trước đây liên quan đến các báo cáo định kỳ tiếp theo, theo đó các quốc gia thành viên thường được yêu cầu nộp báo cáo sau mỗi năm năm. Do sự gia tăng số lượng các quốc gia tham gia Công ước và thời gian họp hạn chế, việc có một khoảng thời gian báo cáo cố định cho tất cả các quốc gia thành viên ngày càng trở nên khó khăn. Hiện tại, Ủy ban chỉ ra trong phần cuối của các kết luận quan sát của mình về ngày phải nộp báo cáo định kỳ tiếp theo. Thông thường, khung thời gian này là từ bốn đến năm năm, mặc dù có những trường hợp thời gian ngắn hơn cũng đã được thiết lập.
Một báo cáo của quốc gia thành viên nên bao gồm những gì khi báo cáo với Ủy ban?
Ủy ban cung cấp các Hướng dẫn chung để giúp các quốc gia thành viên chuẩn bị báo cáo. Ngay từ đầu, các quốc gia nên nộp tài liệu cốt lõi. Tài liệu này nêu chi tiết thông tin cơ bản về một quốc gia, nhân khẩu học và địa lý, cũng như các thông tin về hiến pháp, pháp lý và chính trị và các thông tin chung khác. Bởi vì thông tin này là mối quan tâm chung cho tất cả các cơ quan công ước, nên được cung cấp trong một tài liệu duy nhất có sẵn cho tất cả các cơ quan công ước khi xem xét báo cáo của một quốc gia cụ thể. Do đó, quốc gia thành viên sử dụng không cần phải cung cấp thông tin tương tự khi nộp báo cáo cho mỗi cơ quan công ước. Khi những thay đổi quan trọng ở một quốc gia thành viên diễn ra, tài liệu cốt lõi cần được cập nhật để các cơ quan công ước vẫn có thể được thông báo về những sự phát triển mới có lợi cho họ.
Các báo cáo ban đầu được các quốc gia nộp Ủy ban phải bao quát toàn diện tất cả các điều khoản thực chất của Công ước, bao gồm thông tin về khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của quốc gia thành viên mà không được nêu trong tài liệu cốt lõi và các biện pháp pháp lý và thực tế thực hiện Công ước. Điều quan trọng là các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng cung cấp các thông tin thực tế về việc thực thi và thụ hưởng các quyền của Công ước, thay vì trình bày các quy định trong pháp luật và chính sách của Nhà nước. Những yêu cầu này được nêu chi tiết hơn trong các Hướng dẫn báo cáo do Ủy ban công bố, cũng như trong Hướng dẫn về Báo cáo Nhân quyền do Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền xuất bản.
Sau đó, các quốc gia thành viên được khuyến nghị nộp các báo cáo định kỳ ngắn hơn, tập trung vào các vấn đề được đưa ra bởi Ủy ban trong các Kết luận quan sát trước đó và về những bước phát triển quan trọng kể từ báo cáo trước đó.
Báo cáo của quốc gia thành viên nên được biên soạn như thế nào?
Không có một phương pháp cố định nào để biên soạn báo cáo của quốc gia thành viên. Vì việc thực thi các quyền theo Công ước ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, nhiều cơ quan sẽ quan tâm đến việc trình bày luật, chương trình và chính sách cho Ủy ban thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ. Ngoài ra, ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có cấu trúc liên bang, chính quyền bang và khu vực có thể có những thẩm quyền đặc biệt trong một số lĩnh vực nhất định và sẽ đóng góp cho báo cáo những nội dung được yêu cầu. Do đó, điều quan trọng là cơ chế phối hợp, theo đó các cơ quan khác nhau được thông báo và giao nhiệm vụ với các yêu cầu của báo cáo. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các tổ chức có liên quan khác đảm nhận vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình báo cáo, bao gồm cả việc biên soạn báo cáo. Ủy ban coi sự tham gia của các thành viên này là thực tiễn tốt nhất trong việc chuẩn bị báo cáo.
Sau khi nộp, báo cáo được dịch sang các ngôn ngữ chính thức của Liên hợp quốc và được đăng công khai trên trang web của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc. Tốt nhất là trước đó, nhưng muộn nhất là vào thời điểm này, các tổ chức xã hội đưa ra một quan điểm khác về các vấn đề được nêu trong báo cáo hoặc đối với những vấn đề không được đề cập tại báo cáo, có thể cung cấp báo cáo riêng của họ cho Ủy ban. Tổ chức xã hội được khuyến khích, trong phạm vi có thể, gửi một báo cáo chung phản ánh quan điểm đã thống nhất của một loạt các nhóm hoặc tổ chức. Một báo cáo như vậy, thường được biết đến như là một báo cáo bóng.
Làm thế nào để Ủy ban xem xét một báo cáo của quốc gia thành viên?
Quá trình xem xét một báo cáo thông qua hai phiên họp Ủy ban liên tiếp. Một nhóm gồm bốn đến sáu thành viên Ủy ban được chỉ định là Nhóm chuyên trách báo cáo quốc gia (Country Report Task Force - CRTF). Ít nhất một thành viên CRTF phải đến từ cùng khu vực với quốc gia thành viên. Với sự hỗ trợ của Ban thư ký Ủy ban, CRTF lập ra một Danh sách các vấn đề quan tâm từ các báo cáo liên quan và các thông tin khác được cung cấp cho Ủy ban. Danh sách các vấn đề quan tâm giải quyết các vấn đề quan trọng nhất liên quan đến việc thụ hưởng các quyền của Công ước tại quốc gia thành viên và thường tìm kiếm thông tin bổ sung liên quan đến các câu hỏi chính. Danh sách các vấn đề được gửi trước cho các quốc gia thành viên - trước ít nhất một phiên mà báo cáo sẽ được xem xét với sự có mặt của đại diện của quốc gia thành viên. Các quốc gia cung cấp câu trả lời bằng văn bản (lý tưởng là ba ngôn ngữ làm việc của Ủy ban là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha) cho Danh sách các vấn đề quan tâm trước hoặc khi bắt đầu xem xét công khai báo cáo của Ủy ban.
Điều gì xảy ra trong phiên họp khi Ủy ban xem xét báo cáo của quốc gia thành viên?
Ủy ban tiến hành kiểm tra từng báo cáo trong một cuộc đối thoại mang tính xây dựng công khai với một phái đoàn của các quốc gia thành viên có liên quan. Phái đoàn này thường bao gồm đại sứ của quốc gia thành viên tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva và các thành viên khác của nhóm nhân viên ngoại giao, cũng như đại diện của các cơ quan chính phủ và cơ quan có chuyên môn về các vấn đề được giải quyết trong Công ước. Bộ trưởng của các cơ quan Chính phủ, các thành viên một số tổ chức và các nhóm thiểu số cũng là một phần của phái đoàn. Thông thường phải mất một ngày rưỡi để Ủy ban kiểm tra một báo cáo ban đầu, với hai cuộc họp nửa ngày nói chung được dành cho các báo cáo định kỳ tiếp theo.
Cuộc đối thoại bắt đầu bằng phần trình bày mở đầu báo cáo của phái đoàn quốc gia thành viên, thường bao gồm phản hồi về Danh sách các vấn đề. Sau đó, các thành viên Ủy ban đặt câu hỏi, tìm cách làm rõ hoặc hiểu sâu hơn về các vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực thi và thụ hưởng các quyền của Công ước tại quốc gia thành viên. Điều này thường bao gồm các câu hỏi chưa được làm rõ hoàn toàn qua các câu trả lời cho Danh sách các vấn đề quan tâm. Các thành viên của CRTF có trách nhiệm chính trong việc đặt câu hỏi cho các đại diện của quốc gia thành viên. Có thể có một vài vòng trao đổi giữa Ủy ban và phái đoàn của quốc gia thành viên về các vấn đề khác nhau. Nếu có thể, cuộc đối thoại cũng được tạo điều kiện theo hướng cuộc họp ban đầu vào buổi chiều và cuộc họp thứ hai vào sáng hôm sau, để cho phép phái đoàn có cơ hội cung cấp thông tin nhận được từ chính quyền quốc gia thành viên. Sau khi kết thúc cuộc đối thoại, thường cũng có một thời gian ngắn để phái đoàn cung cấp thêm thông tin cho Ủy ban.
Sau khi kết thúc cuộc đối thoại này, Ủy ban soạn thảo các kết luận chi tiết bằng văn bản về báo cáo được đề cập. Việc đưa ra các kết luận quan sát, đã được thông qua từ năm 1992, nêu kết quả của cuộc đối thoại với các kết luận của Ủy ban và do đó là một cách rất hữu ích để theo dõi hồ sơ nhân quyền của quốc gia thành viên. Báo cáo viên quốc gia cho báo cáo được đề cập, với sự hỗ trợ của các thành viên CRTF có liên quan, có trách nhiệm ban đầu trong việc soạn thảo các kết luận quan sát, được gửi tới tất cả các thành viên của Ủy ban để bình luận và sau đó được thảo luận và thông qua toàn thể Ủy ban. Kết luận quan sát là những nhận xét đồng thuận về các khía cạnh tích cực và tiêu cực của việc thực hiện Công ước của quốc gia thành viên. Kết luận quan sát thường được chia thành các phần sau: Giới thiệu, các yếu tố tích cực, các chủ đề quan tâm và khuyến nghị chính. Phần lớn các quan sát kết luận thường được dành cho nhóm cuối cùng, trong đó các vấn đề còn tồn tại được kết hợp với các khuyến nghị của Ủy ban cho hành động khắc phục. Đoạn cuối cùng nêu ra ngày mà báo cáo định kỳ tiếp theo phải được nộp Ủy ban. Các kết luận quan sát có chức năng kép là giúp các quốc gia chuẩn bị các báo cáo và giúp Ủy ban tập trung vào vấn đề quan trọng nhất trong các cuộc đối thoại về các báo cáo trong tương lai. Tất cả các kết luận quan sát đều có sẵn và công khai thông qua cơ sở dữ liệu của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền./.
           
              Nguyễn Thị Tuyết Giang, Phòng Công pháp và Nhân quyền quốc tế