Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011, trong đó,
khoản 3 Điều 84
của
Luật quy định:
“kể từ ngày Luật này có hiệu lực, tổ
chức, cá nhân đang thực hiện theo giấy phép khai thác được cấp trước ngày Luật
này có hiệu lực phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ
lượng khoáng sản chưa khai thác”. Để có thể thực hiện việc thu tiền
cấp quyền khai thác khoáng sản thì khoản 3 Điều 77 của Luật quy định “Chính phủ quy định cụ thể phương pháp tính, mức thu tiền cấp
quyền khai thác khoáng sản”. Như vậy, để thực hiện quy định tại khoản 3
Điều 84 Luật
khoáng sản năm 2010 thì Chính phủ phải ban hành nghị định để hướng dẫn về phương pháp tính, mức thu
tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Theo quy định của khoản 2 Điều 8
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể phương pháp
tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phải được ban hành để có
hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Luật Khoáng sản vào ngày 01/7/2011.
Tuy nhiên, đến ngày 28/11/2013, Chính phủ mới ban hành
Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp
quyền khai thác khoáng sản. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
20/01/2014. Việc chậm ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã làm
cho quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật khoáng sản năm 2010 thành “quy định treo” trong khoáng thời gian từ ngày 01/7/2011 đến ngày
20/01/2014. Mặt khác, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản
thì doanh nghiệp đã quyết toán năm, công bố lỗ - lãi, nộp các khoản thuế và đã
phân chia lợi nhuận của các năm 2011, 2012 và 2013. Do đó, việc truy thu tiền
cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng khoáng sản chưa khai thác
trước ngày 20/01/2014 là khó khả thi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt
trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng
đang trong giai đoạn suy thoái.
Thiết nghĩ, về nguyên tắc các doanh nghiệp khai thác
khoáng sản phải
biết và dự liệu việc thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 84 Luật khoáng sản năm
2010. Nghĩa vụ thực hiệc việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của doanh
nghiệp khai thác khoáng sản đã phát sinh kể từ thời điểm Luật khoáng sản năm
2010 có hiệu lực thi hành là ngày 01/7/2011. Trong khoảng thời gian kể từ ngày
01/7/2011 đến ngày 20/01/2014, vì chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nên việc
thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng khoáng
sản chưa khai thác chưa được thực hiện. Việc chưa thực hiện việc thu tiền cấp
quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng khoáng sản chưa khai thác do
chưa có văn bản quy định chi tiết chỉ là tạm thời chưa thực hiện chứ không phải
là không thực hiện. Song việc tự tính toán để lại khoản tiền nộp thuế dự phòng
khi chưa có hướng dẫn của Chính phủ sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp vì không có
cơ sở cho việc dự liệu này. Việc chậm ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của
Chính phủ đã tạo khoảng trống pháp luật và điều kiện cho tổ chức, cá nhân không
có cơ sở đầy đủ để thi hành pháp luật, khó đảm bảo tính nghiêm minh của pháp
luật, trách nhiệm này thuộc về Chính phủ mà không riêng gì tổ chức, cá nhân thi
hành pháp luật.
Từ chậm trễ trong việc ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy
định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (văn bản
quy định chi tiết Luật Khoáng sản năm 2010), dẫn đến lúng túng của cơ quan có
thẩm quyền trong việc áp dụng cũng như sự thiếu tự giác của tổ chức, cá nhân
trong chấp hành pháp luật, tác giả thiết nghĩ đến vấn đề hiệu lực từng phần của
văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tính khả thi của quy định trong dự án
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất đang được Bộ Tư pháp chủ trì
soạn thảo. Ví dụ, đối với một luật khi được Quốc hội thông qua sẽ có một thời
gian để chuẩn bị các điều kiện bảo đảm đến ngày luật có hiệu lực thi hành
(thường là 06 tháng hoặc một năm). Tuy nhiên, đối với một số quy định nếu phức
tạp và cần nhiều thời gian chuẩn bị hơn thì có thể quy định hiệu lực chậm hơn
so với thời điểm có hiệu lực của luật đó. Điều này sẽ giúp cho cơ quan chủ trì
soạn thảo văn bản quy định chi tiết không quá bị áp lực về tiến độ mà xây dựng
những văn bản kém chất lượng hay chậm trễ ban hành văn bản, dẫn đến quy định
của luật thành “quy định treo” khi
phải chờ văn bản quy định chi tiết để thực hiện.
Ngọc
Phượng, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật