Thẩm định dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật

25/12/2013

Chiều ngày 08/11/2013, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp thẩm định đối với dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP).

 

Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì cuộc họp. Thành phần dự họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế; Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Kiểm tra VBQPPL, Cục Công nghệ thông tin, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính và Viện Khoa học pháp lý). 

Thay mặt đơn vị chủ trì soạn thảo, đồng chí Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ VĐCXDPL đã  báo cáo quá trình chuẩn bị dự thảo Thông tư, và trình bày Tờ trình, Bản tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, Báo cáo giải trình về việc tiếp thu ý kiến góp ý và các vấn đề khác có liên quan đến dự thảo Thông tư.

Theo đơn vị chủ trì soạn thảo, ngày 23/7/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012. Nghị định số 59/2012/NĐ-CP đã quy định tương đối cụ thể về nội dung, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác này ở một số Bộ, ngành, địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, hiệu quả còn hạn chế. Vì vậy, mặc dù Nghị định số 59/2012/NĐ-CP không có điều, khoản quy định việc giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành thông tư quy định chi tiết Nghị định, nhưng căn cứ yêu cầu thực tiễn và để tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện công tác thi hành pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giao Vụ VĐCXDPL xây dựng Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định này. Trong quá trình soạn thảo Thông tư, Bộ Tư pháp tiếp nhận nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 921/QĐ-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển giao trách nhiệm từ Văn phòng Chính phủ sang cho Bộ Tư pháp thực hiện từ ngày 01/7/2013 để theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiêt thi hành luật, pháp lệnh, đây là một nội dung quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Các thành viên tham dự phiên họp thẩm định đều cho rằng, việc xây dựng dự thảo Thông tư đã được thực hiện công phu, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL. Quá trình xây dựng dự thảo Thông tư đã huy động được sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức. Trong quá trình chuẩn bị, đơn vị soạn thảo đã tiến hành nhiều hoạt động như: rà soát các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan; tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức có liên quan; tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan v.v…. Các thành viên cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Thông tư, đồng thời có ý kiến về từng vấn đề cụ thể.

Ông Nguyễn Trọng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ cho rằng, dự thảo Thông tư cần quy định cụ thể hơn về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó kế thừa các quy định của Thông tư số 03/2012/TT-BTP ngày 03/3/21010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện công tác thi hành pháp luật. Bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị làm rõ hơn về vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác theo dõi thi hành pháp luật và cơ chế cộng tác viên trong theo dõi thi hành pháp luật.

Về vấn đề bảo đảm kinh phí và các điều khoản cần thiết khác cho công tác thi hành pháp luật, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính cho rằng, nội dung quy phạm này không thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và nếu quy định thì phải bằng một Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp với Bộ Tài chính. Ngoài ra, các đại biểu tham dự cuộc họp thẩm định còn cho rằng, nội dung quy định về xem xét, đánh giá về tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành VBQPPL như trong dự thảo Thông tư đưa ra là tăng thêm thủ tục hành chính và không thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp.

Kết luận phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư và cơ bản nhất trí với các nội dung của Dự thảo. Thứ trưởng yêu cầu Vụ VĐCXDPL tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên cuộc họp thẩm định, đồng thời, giải trình cụ thể về từng vấn đề mà các đại biểu đã nêu, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư, trình Bộ trưởng xem xét, ký ban hành theo quy định.