Tập huấn nghiệp vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 cho các tỉnh miền Trung và miền Nam

22/07/2014

Thực hiện Kế hoạch triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2014 của Bộ Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 624/QĐ-BTP ngày 21/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), nhằm giúp cán bộ, công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại địa phương nắm rõ về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc tham mưu, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, từ ngày 14 - 18/7/2014, Bộ Tư pháp phối hợp với Dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” (GIG) tổ chức 02 Hội nghị tập huấn nghiệp vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 cho các tỉnh thuộc khu vực miền Trung (tại Huế từ ngày 14 - 15/7/2014) và các tỉnh thuộc khu vực miền Nam (tại Bình Dương từ ngày 17 - 18/7/2014).

 

Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu là cán bộ, công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Phòng Tư pháp cấp huyện thuộc các địa phương ở khu vực miền Trung và miền Nam.

   
Hội nghị đã tập trung giới thiệu, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về các nội dung sau:

 1. Giới thiệu khái quát về vị trí, vai trò của công tác thi hành pháp luật, cũng như vị trí, vai trò của công tác theo dõi thi hành pháp luật; các quy định của pháp luật về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 để bảo đảm phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp.

2. Hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó tập trung vào các nghiệp vụ sau:

- Xây dựng kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

- Thu thập, tiếp nhận, phân loại và xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật;

- Phối hợp và huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật;

- Xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết; tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản quy định chi tiết; tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; tình hình tuân thủ pháp luật;

- Điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật;

- Báo cáo tình hình thi hành pháp luật.

3. Giới thiệu những nội dung cơ bản của Kế hoạch theo dõi liên ngành về tình hình thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè; xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai Kế hoạch; hướng dẫn các cơ quan ở địa phương trong việc xây dựng, triển khai Kế hoạch, phối hợp theo dõi thi hành pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè nói riêng và theo dõi tình hình thi hành pháp luật nói chung.

Bên cạnh việc trình bày các chuyên đề nêu trên, các Báo cáo viên của Bộ Tư pháp đã đưa ra nhiều ví dụ minh họa cụ thể có tính thực tiễn cao; trao đổi, thảo luận với các đại biểu về kinh nghiệm triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Hội nghị cũng là cơ hội để các đại biểu trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật. Qua đó, Hội nghị đã nhận được sự đánh giá cao, ủng hộ nhiệt tình của các cán bộ, công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các địa phương. Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với Dự án “Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện” (GIG) tổ chức các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật./.

 

PHẠM HUẤN