Kết quả xử lý thông tin theo dõi tình hình thi hành pháp luật

06/06/2014

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Vụ VĐCXDPL) đã tiếp nhận và xử lý phản ánh của Cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật về những mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

 

Vụ VĐCXDPL đã nghiên cứu, kiểm tra bước đầu các thông tin của cộng tác viên và có công văn gửi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đề nghị phối hợp kiểm tra thông tin về thi hành pháp luật và kiến nghị hình thức xử lý. Đồng thời, được sự đồng ý và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tư pháp, ngày 15/4/2014, Vụ VĐCXDPL đã tổ chức cuộc họp để trao đổi, đối chiếu, kiểm tra thông tin với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (do ông Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký làm trưởng đoàn); đại diện Vụ Pháp chế, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PIJCO), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC); đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp.

            Kết quả kiểm tra, đối chiếu thông tin về kinh doanh bảo hiểm cụ thể như sau:

1. Nội dung liên quan đến những mâu thuẫn, bất cập của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm

1.1. Về nội dung xử lý hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm

Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm (Luật KDBH) quy định việc cung cấp “thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng” của bên mua bảo hiểm chỉ dẫn đến hậu pháp lý là bên bán bảo hiểm có thể đơn phương đình chỉ hợp đồng và “thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm”.

Điều 22 của Luật KDBH và Điều 410 của Bộ luật dân sự (BLDS) về giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định, khi một bên “cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng” sẽ dẫn tới hậu quả là hợp đồng vô hiệu. Việc giải quyết hợp đồng vô hiệu sẽ được thực hiện theo quy định từ Điều 127 tới Điều 138 BLDS. Theo đó, giao dịch dân sự không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập hợp đồng bị coi là vô hiệu.

Như vậy, quy định về xử lý hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm tại Điều 19 Luật kinh doanh bảo hiểm không thống nhất với Điều 410 của BLDS và Điều 22 Luật KDBH.

1.2. Về nội dung chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn do chậm đóng phí và gia hạn nợ phí bảo hiểm

a) Về chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn do chậm đóng phí

Điều 23 Luật KDBH quy định, hợp đồng bảo hiểm chấm dứt khi bên mua bảo hiểm:

- Không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

- Không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Đoạn 4 điểm c tiết 1.1 khoản 1 Điều 18 Thông tư số 125/2012/TT-BTC quy định hợp đồng bảo hiểm sẽ tự chấm dứt hiệu lực vào ngày kế tiếp ngày bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm”.

Khoản 2 Điều 572 BLDS quy định, trong trường hợp bên mua bảo hiểm chậm đóng phí bảo hiểm theo định kỳ thì bên bảo hiểm ấn định một thời hạn để bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm. Nếu hết thời hạn đó mà bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm thì hợp đồng chấm dứt.

Như vậy, quy định về chấm dứt hợp đồng do chậm đóng phí bảo hiểm tại Điều 23 Luật KDBH (trường hợp đóng phí theo kỳ) và tại khoản 2 điều 572 BLDS là không thống nhất. Theo nguyên tắc áp dụng văn bản tại khoản 3 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, quy định tại khoản 2 Điều 572 BLDS sẽ có hiệu lực áp dụng.

Từ việc xác định quy phạm pháp luật có hiệu lực áp dụng pháp luật nêu trên cho thấy, quy định về chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn do chậm đóng phí (theo kỳ) tại Thông tư số 125/2012/TT-BTC là trái với quy định tại khoản 2 Điều 572 BLDS.

Qua trao đổi, thảo luận tại cuộc họp ngày 15/4/2014, đại diện các doanh nghiệp cho rằng sự không thống nhất giữa quy định của Thông tư số 125/2012/TT-BTC và quy định của BLDS đã gây ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Cụ thể là:

Nếu tuân thủ theo đúng các quy định của BLDS, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ vi phạm các quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành (theo nội dung được quy định tại Thông tư 125/2012/TT/BTC) và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ theo các quy định của Thông tư 125/2012/TT-BTC thì sẽ dẫn đến doanh nghiệp bảo hiểm có thể gặp phải các rủi ro pháp lý khi xảy ra tranh chấp với bên mua bảo hiểm trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn do chậm đóng phí. Thực tế, khi giải quyết tranh chấp, do có sự vênh nhau giữa hai luật, Tòa án thường áp dụng BLDS để giải quyết vụ việc dẫn đến doanh nghiệp thường bị thua thiệt.

b) Về gia hạn nợ phí bảo hiểm

Đoạn 1 điểm c tiết 1.1 khoản 1 Điều 18 Thông tư số 125/2012/TT-BTC quy định: “Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài cho bên mua bảo hiểm gia hạn nợ phí bảo hiểm thì phải lập thành phụ lục hợp đồng bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực và trước ngày xảy ra tổn thất”. 

Như vậy, quy định nêu trên tại Thông tư số 125/2012/TT-BTC không phù hợp khoản 2 Điều 572 BLDS ở hai điểm:

Thứ nhất, theo khoản 2 Điều 572 BLDS thì bên bảo hiểm đơn phương ấn định một thời hạn để bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, trong khi đó Thông tư số 125/2012/TT-BTC lại quy định hai bên phải thỏa thuận và lập thành phụ lục hợp đồng.

Thứ hai, theo Thông tư số 125/2012/TT-BTC thì việc gia hạn chỉ được thực hiện khi hợp đồng còn hiệu lực, tức là trước hạn hoặc đến hạn đóng phí (nếu chậm đóng thì hợp đồng sẽ tự chấm dứt hiệu lực như đã nói ở trên) mà không được thực hiện trong trường hợp chậm đóng phí như quy định tại khoản 2 Điều 572 BLDS.

1.3. Về nội dung xử lý phí bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm

Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật KDBH thì việc hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực trong trường hợp Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Điều 24 Luật KDBH cũng quy định hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp này:Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này, bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.... Thông tư số 125/2012/TT-BTC cũng quy định về cách thức xử lý khi hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực trước thời hạn do bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ đóng phí như sau: “Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài ghi giảm doanh thu tương ứng với thời gian hợp đồng bảo hiểm không phát sinh trách nhiệm bảo hiểm do bên mua bảo hiểm không thực hiện đóng phí bảo hiểm theo đúng thoả thuận nợ phí”.

Như vậy, với các quy định trên, bên mua bảo hiểm phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được ghi nhận vào doanh thu số phí bảo hiểm tương ứng với thời hạn phát sinh trách nhiệm bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã không quy định rõ về trường hợp khách hàng vi phạm nghĩa vụ về đóng phí theo kỳ dẫn tới việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn, trong khi số phí bảo hiểm khách hàng đã thanh toán lớn hơn số phí bảo hiểm tương ứng với thời hạn có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm. Do đó dẫn đến việc hiểu và thực hiện không thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, không đảm bảo quyền lợi của bên mua bảo hiểm.

2. Về nội dung các vướng mắc, bất cập khác trong các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm

Ngoài các vấn đề được Cộng tác viên phản ánh, Hiệp hội kinh doanh bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm đã đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, kiến nghị xử lý một số bất cập khác của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm với BLDS năm 2005, Bộ luật hình sự, Luật  phòng cháy chữa cháy, Luật thi hành án dân sự, các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai, hàng hải, hàng không. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi toàn diện hợp Luật kinh doanh bảo hiểm theo hướng đây là luật chuyên ngành quy định đầy đủ, chi tiết về lĩnh vực này; đồng thời, bỏ mục 11 Chương XVIII về hợp đồng bảo hiểm trong BLDS.

Từ kết quả kiểm tra thông tin về tình hình thi hành pháp luật nêu trên, Vụ VĐCXDPL báo cáo Bộ trưởng Hà Hùng Cường. Bộ Trưởng đã chỉ đạo:

Vụ pháp luật dân sự - kinh tế nghiên cứu, rà soát các quy định về hợp đồng bảo hiểm trong BLDS và Luật KDBH để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan trong quá trình sửa đổi BLDS (sửa đổi) và Luật kinh doanh bảo hiểm.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nghiên cứu, tổ chức kiểm tra, xử lý các quy định về gia hạn phí bảo hiểm và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước thời hạn được quy định tại điểm c tiết 1.1 khoản 1 Điều 18 Thông tư số 125/2012/TT-BTC.

Vụ VĐCXDPL xây dựng công văn đề nghị Bộ Tài chính xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo quy định của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

 

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật