Đây là lần
đầu tiên, một kế hoạch liên ngành về theo dõi tình hình thi hành pháp luật được
ban hành sau khi Nghị định số 59/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, là cách làm
mới, hứa hẹn tạo ra bước đột phá cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp
luật nhằm tháo gỡ những lúng túng, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác
này. Đây cũng là lần đầu tiên, một lĩnh vực pháp luật liên ngành được triển
khai theo dõi trên phạm vi toàn quốc với mục đích quan trọng là có thể đưa ra
được bức tranh đầy đủ, sâu, rộng về tình hình thi hành pháp luật trong một lĩnh
vực có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập, để từ đó đưa ra những giải pháp,
kiến nghị cho việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Kế hoạch theo dõi tình hình
thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý liên ngành năm 2014 lựa chọn lĩnh vực
là an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm
rau, củ, quả và chè vì đây đang là lĩnh vực có nhiều bức xúc trong dư luận xã
hội. Tình trạng vi phạm pháp luật và mức độ tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực
này đã kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó nguy hại nhất là ảnh hưởng
trực tiếp đến sức khỏe của người dân và môi trường sống. Vì vậy, theo dõi, đánh
giá để có thể đưa ra những khuyến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp
luật, đảm bảo sự tuân thủ và nghiêm minh của pháp luật là mục tiêu quan trọng
nhất của Kế hoạch này.
Kế hoạch đã giới hạn phạm vi thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp
luật bao gồm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản
phẩm rau, củ, quả và chè. Để thuận tiện cho các Bộ, ngành và địa phương trong
việc tổ chức thực hiện, Bộ Tư pháp đã ban hành kèm theo Kế hoạch Phụ lục 1 về một
số văn bản tham khảo liên quan tới an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau,
củ, quả và chè, gồm: Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy định chi tiết,
hướng dẫn thi hành; các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm được quy định
tại Luật Tiêu
chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các
văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật này.
Về nội dung theo dõi tình hình
thi hành pháp luật, Kế hoạch đã bám sát các quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9
và Điều 10 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Theo đó, các cơ quan, đơn vị có liên
quan tập trung xem xét, đánh giá nội dung về tình hình ban hành văn bản quy
định chi tiết; tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật và tình
hình tuân thủ pháp luật. Kế hoạch cũng đã làm rõ, cụ
thể hóa để hướng dẫn các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật về
an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè, gồm: (1) thu thập
thông tin về tình hình thi hành pháp luật; (2) kiểm tra tình hình thi hành pháp
luật; (3) điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật. Dự kiến Bộ Tư
pháp sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công
nghệ, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân
một số tỉnh tổ chức kiểm tra, điều tra, khảo sát liên ngành về tình hình thi
hành pháp luật nhằm kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thi
hành pháp luật và khiếm khuyết, bất cập của pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ, quả, chè.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ
Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh có thể chủ động tổ chức kiểm tra, điều tra, khảo sát về
tình hình thi hành pháp luật an toàn thực phẩm theo
chuỗi sản phẩm rau, củ, quả và chè. Dự kiến địa điểm kiểm tra liên ngành
thực hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế,
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính
và một số địa phương gồm: Hà Nội, Lạng Sơn, Thái
Nguyên, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An.
Trên cơ sở kết
quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các bộ và UBND cấp tỉnh, Bộ Tư
pháp sẽ chủ trì xây dựng báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thi
hành pháp luật pháp luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau, củ,
quả và chè trước ngày 30/11/2014. Bộ Tư pháp đã ban hành kèm theo Kế hoạch (Phụ
lục 2) Mẫu đề cương Báo cáo tình hình thi hành pháp
luật về an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm rau,
củ, quả và chè để các Bộ và Ủy ban nhân dân thực hiện thống nhất.
Để
triển khai thực hiện các nhiệm vụ được đề ra, Kế hoạch cũng phân công trách
nhiệm cụ thể, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ,
Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương. Đồng thời Kế hoạch cũng đặt ra mối quan hệ
giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân cũng như huy động sự tham
gia, phối hợp phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã
hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội và cá nhân, tổ chức
khác trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi
hành pháp luật về lĩnh vực này.
Vụ
Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.