Hội thảo “Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”

10/03/2014

Ngày 07/03/2014, tại Hà Nội, được sự hỗ trợ của Viện Konrad Adenauer Stiftung, Cộng hòa Liên bang Đức (Viện KAS), Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”.

 

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, đại diện một số tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở Trung ương và một số địa phương, đại diện Vụ Pháp chế các Bộ, ngành, đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp và người làm công tác theo dõi thi hành pháp luật của  một số Sở Tư pháp, các chuyên gia, đại diện Viện KAS tại Hà Nội và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, bà Rabea.Brauer,Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam và ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đồng chủ trì Hội thảo.


 

Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng phát biểu, pháp luật chỉ có thể phát huy được vai trò trong quản lý nhà nước và xã hội khi được thi hành một cách đầy đủ và nghiêm minh. Do vậy, cùng với việc chú trọng đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thì công tác tổ chức thi hành pháp luật cũng luôn được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi thi hành pháp luật là giai đoạn tiếp nối của công đoạn xây dựng văn bản pháp luật và là khâu then chốt trong quá trình thực hiện yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật và duy trì kỷ cương phép nước trong nhà nước pháp quyền.

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, nhìn lại các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1980, năm 1992 và Hiến pháp mới năm 2013 cho thấy, nhiệm vụ về theo dõi thi hành pháp luật đều được ghi nhận và quy định trách nhiệm thực hiện công tác này. Nhất là Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật là trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và của các chính quyền địa phương, đồng thời, cũng quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội cũng như giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó, ngày 23/7/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật . Nghị định là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, trong đó đã xác định sự tham gia của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và nhân dân là một nguyên tắc theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành pháp luật vẫn còn có một số hạn chế nhất định. Nhiều lúc, nhiều nơi và trong nhiều lĩnh vực, pháp luật chưa được tổ chức thi hành kịp thời, đầy đủ; nhiều quy định của pháp luật chưa được thi hành một cách nghiêm minh, thống nhất; chưa huy động được sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, nhất là sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội trong công tác theo dõi thi hành pháp luật.

 

Hội thảo đã nghe các báo cáo viên trình bày 08 chuyên đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hiệp hội trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại Trung ương và địa phương, kinh nghiệm quốc tế trong phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật, cũng như trao đổi liên quan đến hoàn thiện quy định về thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất).

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về vai trò quan trọng và tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong việc tham gia theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đặc biệt trong bối cảnh Hiến pháp 2013 đã bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Đây là nội dung quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội phát huy uy tín và địa vị pháp lý của mình, góp phần làm cho công tác thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật phát huy hiệu lực và hiệu quả.

 

Tại Hội thảo, đại diện của các Sở Tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đã tham gia thảo luận về cơ sở lý luận cũng như thực tiễn tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật; phân tích, đánh giá những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Từ cơ sở kết quả của Hội thảo, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tiếp tục hoàn thiện các quy định về sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Đồng thời, kết quả của Hội thảo cũng góp phần làm sáng tỏ hơn vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong theo dõi tình hình thi hành pháp luật cũng như đề xuất các giải pháp để sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội trong công tác theo dõi thi hành pháp luật hiệu quả, thực chất hơn trong thời gian tới./.

              Phòng Công tác thi hành pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật.