Khảo sát phục vụ xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu tại Bộ Tư pháp

20/10/2016

Ngày 19/10/2016, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Dự án Phát triển lập pháp quốc gia do Chính phủ Canada tài trợ (Dự án NLD), Tổ chuyên gia của Dự án NLD đã phối hợp với Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tổ chức khảo sát một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phục vụ việc xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu. Tham dự cuộc khảo sát có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ như Cục Con nuôi, Tổng cục thi hành án dân sự, Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực,Cục Bồi thường nhà nước, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Vụ Kế hoạch – Tài chính.

 
Theo dự kiến, việc xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu sẽ được hoàn thành vào năm 2018. Hoạt động khảo sát phục vụ xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật và Hệ thống thu thập dữ liệu tại Bộ Tư pháp hôm nay là hoạt động mở đầu cho chuỗi các hoạt động khảo sát sẽ được tiến hành tại 03 Bộ (Tư pháp, Y tế và Tài chính) và 03 địa phương (tỉnh Bình Thuận, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Lạng Sơn). Mục tiêu chủ yếu của đợt khảo sát nhằm: i) Thu thập, tìm hiểu, đánh giá thực trạng công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại một số bộ, địa phương để phục vụ cho quá trình nghiên cứu, xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật và Hệ thống thu thập dữ liệu; ii) Tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các công chức được giao thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với từng phương án được dự kiến trong dự thảo Khung theo dõi thi hành pháp luật và Hệ thống thu thập dữ liệu; iii) Tiếp nhận những ý kiến phản ánh của thực tiễn, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở nước ta. 
Tại Bộ Tư pháp, Tổ chuyên gia đã cùng với các đơn vị có liên quan tập trung đánh giá cách thức, kết quả, hiệu quả và kinh nghiệm thực tiễn chỉ đạo theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền chuyên biệt (Nuôi con nuôi, Thi hành án dân sự, Đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài, Bồi thường nhà nước). 04 lĩnh vực này cũng chính là những lĩnh vực đã được Bộ Tư pháp lựa chọn là lĩnh vực trọng tâm theo dõi thi hành pháp luật trong các năm 2015, 2016. Các đại biểu tham dự buổi khảo sát đã cung cấp, chia sẻ với Tổ chuyên gia những thông tin hữu ích tập trung vào các nội dung khảo sát chính như sau: Cung cấp thông tin về thực trạng tổ chức, nhân sự, điều kiện bảo đảm, cách thức tổ chức thực hiện, hiệu quả và đóng góp thực chất của công tác theo dõi thi hành pháp luật phục vụ quản lý, điều hành tại những đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; Cung cấp thông tin về nguồn và cách thức thu thập thông tin, xử lý, đánh giá thông tin sau khi thu thập tại các đơn vị khi thực hiện theo dõi thi hành pháp luật; chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, thu thập thông tin theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và việc thực hiện chế độ báo cáo tại các đơn vị; Trao đổi, chia sẻ, nêu ý kiến về nội dung dự kiến về Khung theo dõi thi hành pháp luật và Hệ thống thu thập dữ liệu (về nội dung, tính khả thi, sự phù hợp…). Thông qua hoạt động khảo sát các thành viên Tổ chuyên gia ghi nhận thực trạng hiện tại của Bộ Tư pháp làm cơ sở so sánh chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật sau khi áp dụng thí điểm Khung theo dõi thi hành pháp luật và Hệ thống thu thập dữ liệu (dự kiến Quý IV/2017). Tổ chuyên gia cũng đã xây dựng và đề nghị các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp trả lời Phiếu khảo sát liên quan đến Khung theo dõi thi hành pháp luật và Hệ thống thu thập dữ liệu.
Mặc dù thời lượng của hoạt động khảo sát tại Bộ Tư pháp phục vụ xây dựng Khung theo dõi thi hành pháp luật và Hệ thống thu thập dữ liệu không nhiều, nhưng các đơn vị tham gia khảo sát đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, mang tính thực tiễn tới Tổ chuyên gia. Hy vọng hoạt động khảo sát tại Bộ Tư pháp sẽ là một sự khởi đầu tốt đẹp, nhiều gợi mở cho đợt khảo sát để Tổ chuyên gia của Dự án NLD, Bộ Tư pháp xây dựng thành công Khung theo dõi thi hành pháp luật và Hệ thống thu thập dữ liệu trong thời gian tới.
Cục QLXLVPHC&TDTHPL