Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL nhấn mạnh Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (sau đây gọi là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, giúp tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới, công tác theo dõi thi hành pháp luật ở các ngành, các cấp đã bộc lộ hạn chế, vướng mắc, đòi hỏi phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Vì vậy, Tọa đàm là diễn đàn quan trọng để đại diện các Bộ, ngành và địa phương phản ánh đầy đủ, toàn diện thực trạng, cũng như kiến nghị nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.
Thay mặt đơn vị được giao chủ trì Tọa đàm, TS. Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã đánh giá toàn diện những khó khăn, vướng mắc trong thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, đồng thời phân tích các mục tiêu, luận điểm mang tính định hướng lớn cho việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP. Theo đó, dự thảo Nghị định được đặt trong bối cảnh Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính liên thông, gắn kết giữa xây dựng với tổ chức thi hành pháp luật, phù hợp với những quy định mới của Hiến pháp năm 2013, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Vì vậy, nội dung theo dõi thi hành pháp luật phải bám sát các tiêu chí cơ bản là: (i) Tính toàn diện (yêu cầu về cấp độ, phạm vi theo dõi, đánh giá); (ii) Tính phát triển theo hướng mở; (iii) Phản ánh đầy đủ, bảo đảm tính khách quan, chính xác; (iv) Tính phản biện xã hội và (v) Tính khả thi, hữu dụng. Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng là dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung phải xác định được rõ ràng, cụ thể trách nhiệm pháp lý của các chủ thể trong việc theo dõi thi hành pháp luật và xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp.
Tọa đàm cũng đã được nghe tham luận của bà Phan Minh Thủy - Đại diện Ban Pháp chế VCCI về việc huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội và nhân dân trong theo dõi thi hành pháp luật và tham luận về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại thành phố Hà Nội - Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của bà Tống Thị Thanh Nam - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội. Tại mỗi tham luận của mình, các chuyên gia đã có những nhận định xác thực và đã đề xuất, góp ý về những vấn đề có liên quan trong Nghị định số 59/2012/NĐ-CP cần được tập trung sửa đổi, bổ sung.
Tiếp đó, đại biểu tham dự Tọa đàm đã được nghe các tham luận về những vấn đề mang tính lý luận cần lưu ý trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung. Ông Trần Văn Lợi - Trưởng phòng Chính sách pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho rằng theo dõi thi hành pháp luật là một kênh quan trọng, hiệu quả để đánh giá về sự phù hợp và cần thiết của các chính sách đã được quy phạm hóa hoặc cần được phân tích, đánh giá trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới. Vì vậy, công tác theo dõi thi hành pháp luật cần phải gắn với việc xây dựng, phân tích chính sách và cần phải bổ sung quy định theo dõi về tác động của các chính sách trong văn bản quy phạm pháp luật và các vấn đề thực tiễn cần giải quyết (phải có chính sách để giải quyết). Bên cạnh đó, theo TS Dương Thanh Mai - Chuyên gia cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp thì theo dõi thi hành pháp luật cần được thực hiện theo cách tiếp cận mới là theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả. Trên cơ sở nghiên cứu bước đầu, phạm vi theo dõi và đánh giá thi hành pháp luật theo kết quả được thực hiện trên 03 cấp độ: (1) Tổ chức thi hành pháp luật nói chung (phạm vi rộng nhất) chính là theo dõi và đánh giá thi hành cả hệ thống pháp luật trên phạm vi toàn quốc; (2) Tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ); (3) Tổ chức thi hành và theo dõi thi hành một đạo luật. Theo đó, cần thiết kế Khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu theo yêu cầu đặc thù của việc theo dõi thi hành pháp luật ở mỗi cấp độ khác nhau.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hajime KAWANISHI - Cố vấn trưởng Dự án JICA đã bình luận về cách tiếp cận khi nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, cũng như cung cấp một số kinh nghiệm của Nhật Bản trong tổ chức thi hành pháp luật. Trên cơ sở đó, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã phát biểu ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật, cũng như phân tích và bình luận về các quan điểm, định hướng lớn phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.
Kết luận Tọa đảm, ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL khẳng định kết quả Tọa đàm có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn, qua đó giúp Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP với mục tiêu góp phần thay đổi căn bản chất lượng và hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật trong thời gian tới./.
Cục QLXLVPHC&TDTHPL