Kế hoạch nêu rõ các nhiệm vụ trong việc triển khai công tác theo dõi thi hành pháp luật trong năm 2016 như: Xây dựng các văn bản chỉ đạo điều hành hướng dẫn nghiệp vụ phù hợp với Luật BHXH, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành; Phổ biến, quán triệt, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác theo dõi thi hành pháp luật đồng thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn của Ngành đảm bảo kịp thời, đầy đủ...
Đối với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo ngàng, lĩnh vực được quản lý, trong năm 2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định lĩnh vực trọng tâm theo dõi là thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong đó tập trung vào việc phát triển đối tượng tham gia; phát triển mạng lưới đại lý thu BHXH, BHYT; việc xử lý những đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, tình hình cấp sổ BHXH, thẻ BHYT, quản lý đầu tư quỹ; giải quyết chính sách BHXH; chi BHYT, BHTN cũng như tình hình thực hiện các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT là các lĩnh vực được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa vào theo dõi trọng tâm trong năm 2016.
Nội dung theo dõi thi hành pháp luật tập trung vào xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành trong lĩnh vực BHXH, BHYT và pháp luật có liên quan. Xem xét đánh giá tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Xem xét đánh giá tính đầy đủ, kịp thời, phù hợp của các văn bản hướng dẫn do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành; tính thống nhất, đồng bộ của việc ban hành văn bản hướng dẫn với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; sự phù hợp của tổ chức bộ máy, mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực và việc đảm bảo kinh phí, trang thiết bị và cơ sở vật chất. Xem xét đánh giá tính phù hợp về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế và các đơn vị khác trong bộ máy tổ chức của cơ quan BHXH; mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực đối với công tác pháp chế ở Trung ương và địa phương.
Trên trên cơ sở kế hoạch và yêu cầu theo dõi THPL của cơ quan, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phân công nhiệm vụ, xác định cụ thể trách nhiệm của các cấp trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch theo dõi tình hình THPL trên toàn Ngành năm 2016 như sau:
Thứ nhất, giao Vụ pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác theo dõi THPL và nghiệp vụ theo dõi THPL; chủ trì, phối hợp với các đơn vị chỉ đạo hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về kiểm soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT; thực hiện cải cách thủ tục hành chính và tình hình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính. Vụ Pháp chế có trách nhiệm thẩm định các dự thảo văn bản hướng dẫn nghiệp vụ toàn Ngành. Đồng thời, tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp về công tác theo dõi tình hình THPL theo quy định.
Thứ hai, giao các đơn vị chuyên môn trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch như: Ban Thu, Ban Sổ - Thẻ, Ban Thực hiện chính sách xã hội, Vụ Thanh tra – Kiểm tra, Vụ Quản lý đầu tư quỹ, Báo BHXH, Tạp chí BHXH và các đơn vị nghiệp vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Đồng thời, tùy vào tình hình thực tế tại ngành, đơn vị có thể xác định thêm lĩnh vực khác để tổ chức theo dõi THPL và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác theo dõi, kiểm tra tình hình THPL.
Thứ ba, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai Kế hoạch theo dõi tình hình THPL, phân công cán bộ phụ trách công tác pháp chế tại đơn vị theo dõi, tổng hợp đánh giá tình hình THPL, tình hình bảo đảm các điều kiện cho việc THPL tại BHXH các tỉnh, thành phố; tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Ngành nhằm thu thập thông tin đánh giá thực trạng việc THPL và tình hình xử lý vi phạm pháp luật; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc qua đó có kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
BH.