Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác TDTHPL"

28/01/2016

Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ của Dự án JICA, tại Hà Nội, ngày 27/01/2016 Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ và Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp đã đồng chủ trì Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật”. Hội thảo được tổ chức dưới sự điều hành của ông Nguyễn Phước Thọ, Hàm Vụ trưởng, phụ trách Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ và ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp, cùng với sự tham gia của đại diện Vụ pháp chế các Bộ, ngành, Trung ương Hội luật gia Việt Nam, Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sở Tư pháp Hà Nội, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ…

 

            Mở đầu Hội thảo, ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL đã trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo sơ kết 03 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Báo cáo đã nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trong 03 năm thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị định nêu trên.

            Tiếp đó, Hội thảo đã được nghe ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL trình bày tham luận, trong đó tập trung phân tích những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật, cũng như đề xuất những nội dung chủ yếu, cơ bản cần sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi công tác này trong bối cảnh Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Đại diện pháp chế các Bộ, ngành, ông Lê Trang Hùng, Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an và ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế đã trình bày tham luận phân tích, đánh giá những kết quả thu được, những vướng mắc, bất cập và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác theo dõi thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ Y tế.

 

Bên cạnh các tham luận nêu trên, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có những ý kiến phát biểu thiết thực, cụ thể. Theo đó, Lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội đồng tình với giải pháp chú trọng tới việc xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật, thiết lập cơ chế để các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý kiến nghị từ hoạt động theo dõi thi hành pháp luật. Ngoài ra, giải pháp lâu dài là cần nghiên cứu, xây dựng Luật để điều chỉnh trực tiếp, toàn diện công tác này. Trong khi đó, đại diện Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng trước mắt cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2012/NĐ-CP để tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời nên xây dựng các văn bản liên tịch giữa các tổ chức chính trị - xã hội với Bộ Tư pháp trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, tăng cường chất lượng của công tác tập huấn, phổ biến, giáo dục pháp luật. Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Lãnh đạo Vụ Khoa giáo văn xã - Văn phòng Chính phủ đề nghị phải nghiên cứu toàn diện khía cạnh lý luận về theo dõi THPL, chú trong nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật trong bối cảnh biên chế, kinh phí còn nhiều hạn chế…

Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Phước Thọ, thay mặt Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ và Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật - Bộ Tư pháp ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo, đồng thời khẳng định trong thời gian tới, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động về theo dõi thi hành pháp luật, đáp ứng tốt hơn yêu cầu chuyển hướng chiến lược từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật.  

 

Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật