Điểm tin báo chí sáng ngày 14 tháng 01 năm 2014

14/01/2014

 
Trong ngày 13/01 và đầu giờ sáng ngày 14/01/2013, một số báo đã có bài phản ánh những thông liên quan đến công tác tư pháp như sau:
 

I- THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC TƯ PHÁP

1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh có bài Hủy quyết định đình chỉ với phó thi hành án Bình Thủy. Bài báo phản ánh: Chiều 13-1, thừa ủy quyền của VKSND Tối cao, VKSND TP Cần Thơ công bố quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án với ông Đinh Hoàng Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Bình Thủy, để phục hồi điều tra với ông này.

Trước đó, ông Minh bị VKSND Tối cao khởi tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng được đình chỉ vụ án.

Cuối giờ chiều cùng ngày, ông Phạm Quốc Việt - Cục trưởng Cục THADS TP Cần Thơ cho biết đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ phó chi cục trưởng Chi cục THADS quận Bình Thủy đối với ông Minh theo yêu cầu của VKSND Tối cao.

Tháng 5-2012, ông Minh và ông Lê Tuấn Kiệt, nguyên trưởng THA quận Bình Thủy, bị Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đến tháng 11-2012, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đề nghị truy tố ông Minh về tội danh trên, còn ông Kiệt bị đề nghị truy tố thêm tội tham ô tài sản. Theo kết luận, ông Minh được phân công tổ chức thi hành một bản án dân sự và có nhiều vi phạm trong việc xác minh điều kiện THA, thỏa thuận THA, giao tài sản… VKSND Tối cao cho rằng nguyên nhân những vi phạm của ông Minh là do thực hiện chỉ đạo của ông Lê Tuấn Kiệt nên sau đó đình chỉ vụ án đối với ông Minh và đề nghị phục hồi công tác và quyền lợi cho ông này. Riêng ông Kiệt vẫn bị truy tố. Sau khi thụ lý, TAND TP Cần Thơ đã trả hồ sơ và VKSND TP Cần Thơ cũng có ý kiến; những người liên quan đến vụ THA tiếp tục có đơn khiếu nại việc đình chỉ đối với ông Minh nên VKSND Tối cao đã hủy quyết định đình chỉ nêu trên.

Theo ông Việt, chưa rõ ông Minh có bị bắt tạm giam hay cho tại ngoại. Hiện nhân sự lãnh đạo tại Chi cục THADS quận Bình Thủy đang gặp khó.

2. Báo Pháp luật Việt Nam có bài THADS Tuy Hòa vượt khó. Bài báo phản ánh: Với tinh thần quyết tâm cao và nhiệt huyết với ngành, Chi cục đã thi hành vượt chỉ tiêu thi đua đề ra, 100% án được đưa ra tổ chức thi hành và phân loại chính xác, trong ba năm qua (từ 2011 đến 2013) đều thi hành vượt chỉ tiêu giao, năm sau cao hơn năm trước, có năm giảm chỉ tiêu án tồn trên 10,4%.

Thành phố Tuy Hoà là trung tâm của tỉnh Phú Yên. Hàng năm, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Tuy Hòa đều thụ lý một khối lượng án nhiều nhất trong toàn tỉnh. 

Đa số những vụ việc thi hành án mà THADS Tuy Hòa thụ lý là những vụ khó khăn, phức tạp và số tiền lớn. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, năm 2013 Chi cục THADS thành phố Tuy Hòa đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì những thành tích trong công tác.

Nhìn lại những năm qua, chỉ tiêu giao về đơn vị đều tăng hơn, số việc và tiền thụ lý mới mỗi năm tăng gấp nhiều lần năm cũ, có năm tăng trên 100% (chỉ trong năm 2013 đã đưa ra thi hành 2.156 việc/240,9 tỷ đồng, trong đó năm cũ chuyển sang 752 việc/20,1 tỷ đồng, thụ lý mới trong năm lên đến 1.404 việc/220,8 tỷ đồng, tăng 31% về việc và... gần 300% về tiền so với cùng kỳ năm 2012).

So với chỉ tiêu phân bổ 20 biên chế, hiện chỉ có 18 biên chế, trong đó có 7 chấp hành viên. Mỗi chấp hành viên phải đảm nhận hơn 300 việc/34 tỷ đồng, là một công việc quá tải.

Trước những khó khăn như vậy, Chi cục THADS thành phố Tuy Hòa đã cố gắng khắc phục những tồn tại và quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra ngay từ đầu năm, với phương châm “Đoàn kết, năng động, sáng tạo và thi hành vượt chỉ tiêu thi đua”. 

Để đạt được mục tiêu này, trên cơ sở Kế hoạch số 59/KH-TCTHADS ngày 10/01/2013 của Tổng cục THADS và Kế hoạch số 47/KH-CTHADS ngày 05/02/2013 của Cục THADS tỉnh Phú Yên, Chi cục đã xây dựng phương hướng cụ thể và bám sát chỉ tiêu cấp trên giao, triển khai  ngay trong hội nghị cán bộ công chức đầu năm, phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn đơn vị, ký giao ước thi đua đầu năm. 

Với tinh thần quyết tâm cao và nhiệt huyết với ngành, Chi cục đã thi hành vượt chỉ tiêu thi đua đề ra, 100% án được đưa ra tổ chức thi hành và phân loại chính xác, trong ba năm qua (từ 2011 đến 2013) đều thi hành vượt chỉ tiêu giao, năm sau cao hơn năm trước, có năm giảm chỉ tiêu án tồn trên 10,4%. Riêng năm 2013 thi hành xong hoàn toàn 1.293 việc/179,7 tỷ đồng, đạt 88% về việc và 86% về tiền trên số có điều kiện thi hành, vượt chỉ tiêu thi đua do Tổng cục giao 9% về tiền. 

Nhìn lại một năm thành công, ông Trần Thanh Liêm - Chi cục trưởng Chi cục THADS thành phố Tuy Hòa nhấn mạnh đến ý chí quyết tâm của các chấp hành viên cũng như tập thể công nhân viên chức đơn vị. “Bí quyết”, theo ông Liêm là đẩy mạnh phong trào thi đua gắn liền với việc  thực hiện Chỉ thị số 03-

CT/TW ngày 15/4/2011 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua mỗi đợt  phát động thi đua đã khơi dậy phong trào làm việc hăng say, tích cực hơn và tạo ra nhiều giải pháp đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác THADS, nhằm mục tiêu giải quyết án tồn đọng xuống thấp nhất. Chính vì thế, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và chuyên môn, nhiều năm liên tiếp đơn vị đều được Bộ Tư pháp tặng Bằng khen và năm 2012 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua xuất sắc ngành Tư pháp.

Phát huy thành tích đạt được trong những năm qua, năm 2013 Chi cục THADS TP.Tuy Hòa rất vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn nhân dịp Tổng cục tổng kết  ngày 26/12/2013 tại Hà Nội.

“Phần thường cao quý ấy là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Tuy Hòa, Ban Chỉ đạo THADS,  lãnh đạo Cục THADS tỉnh Phú Yên cùng sự đồng thuận, phối hợp tốt của các ban, ngành, đoàn thể, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Chi cục THADS TP.Tuy Hòa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn và luôn giữ mức phát triển bền vững cho những năm tới”, ông Trần Thanh Liêm không quên tri ân.

3. Báo Pháp luật Việt Nam có bài Khổ vì xin xác nhận tình trạng hôn nhân. Bài báo phản ánh: “Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan”.

Là tình cảnh chung, không hẹn mà gặp của hai con người ở cách xa nhau hàng nghìn cây số. Điều đáng nói là nguyên nhân đẩy họ đến tình cảnh này đều do việc hiểu không đúng luật của cán bộ tư pháp địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hồng có hộ khẩu thường trú tại thị trấn T. thuộc tỉnh Lạng Sơn. Từ năm 2001 đến năm 2004, khi đi học đại học ở tỉnh Thái Nguyên, chị đăng ký tạm trú có thời hạn tại phường K. tỉnh Thái Nguyên nhưng vẫn có hộ khẩu thường trú tại gia đình ở thị trấn T. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Hồng đi du học tại Nga. 

Tháng 6 năm 2006, trong dịp về thăm gia đình, chị Hồng đến UBND thị trấn T. nơi mà chị có hộ khẩu thường trú từ nhỏ cho đến khi ra nước ngoài du học để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau khi tìm hiểu về quá trình cư trú của chị Hồng, cán bộ tư pháp - hộ tịch tại thị trấn T. cho rằng chị Hồng phải xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại phường K. tỉnh Thái Nguyên, vì đây là nơi chị Hồng cư trú thực tế trước khi xuất cảnh đi du học. 

Với hoàn cảnh gần giống chị Hồng, anh Phạm Văn Tuấn hiện đang là nghiên cứu sinh học tập và công tác tại Hàn Quốc cũng đang bị “tắc” vì tờ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Anh Tuấn cho biết  từ tháng 9 năm 2009, anh học tập và công tác tại Hàn Quốc. Trước đó, trong giai đoạn từ 2002 đến 2009, anh học tập và công tác ở nhiều nơi như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Nhật Bản và Thái Lan. 

Trong thời gian ở Hàn Quốc, anh Tuấn có nguyện vọng về Việt Nam kết hôn nhưng vì anh đang học tập ở nước ngoài nên địa phương yêu cầu anh phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Đại sứ quán nước sở tại đang cư trú. Nhưng nếu là lấy giấy giới thiệu tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc chỉ có thể xác nhận cho anh thời gian từ tháng 9 năm 2009 tới nay. Để xác nhận cho thời gian trước đó, anh Tuấn đề nghị được viết bản cam kết về tình trạng hôn nhân nhưng cán bộ tư pháp địa phương không đồng ý vì cho rằng vấn đề ký cam kết chỉ dành cho những người trở về cư trú hẳn ở địa phương, còn về cưới xong rồi đi tiếp thì  không được.

Đối với những công dân đang bị mắc ở khâu xin xác nhận tình trạng hôn nhân như chị Hồng và anh Tuấn thì thắc mắc chung nhất của họ là: “Cán bộ tư pháp - hộ tịch hướng dẫn như vậy có đúng không?”. Theo hướng dẫn, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho chị Hồng thuộc trường hợp cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài quy định tại Khoản 2 Điều 66 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP: 

“Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian ở trong nước, thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú trước khi xuất cảnh, thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”. 

Tuy nhiên, khi áp dụng pháp luật để giải quyết yêu cầu của chị Hồng, cán bộ tư pháp - hộ tịch thị trấn T. đã hiểu không đúng về “nơi cư trú trước khi xuất cảnh” của chị Hồng, do đó xác định sai về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho đương sự. 

Trong trường hợp này, để hiểu đúng nơi chị Hồng cư trú trước khi xuất cảnh là thị trấn T. (thuộc tỉnh Lạng Sơn) hay là phường K. (thuộc tỉnh Thái Nguyên), cần viện dẫn quy định về xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP: “Đối với công dân Việt Nam ở trong nước thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú nếu không có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thì việc đăng ký hộ tịch được thực hiện tại nơi người đó đăng ký tạm trú có thời hạn theo quy định của pháp luật và đăng ký hộ khẩu”. 

Từ các quy định nêu trên, việc cán bộ tư pháp - hộ tịch thị trấn T. hướng dẫn chị Hồng đến UBND phường K. thuộc tỉnh Thái Nguyên để xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là không đúng quy định của pháp luật. 

Ở câu chuyện của anh Tuấn, việc xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau cũng được quy định tại Điểm d Khoản 2 Mục II Thông tư 01/2008/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký, quản lý hộ tịch. Theo đó, trường hợp trước khi kết hôn có quá nhiều nơi cư trú khác nhau thì người xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có thể làm giấy cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan này:

“Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan”. 

Vì thế, UBND địa phương nơi anh Tuấn sinh sống không cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi anh đã viết giấy cam đoan là trái với quy định của pháp luật. Nếu UBND có văn bản từ chối không xác nhận tình trạng hôn nhân thì anh Tuấn có quyền khiếu nại quyết định hành chính của UBND xã, phường đó. 

II- THÔNG TIN KHÁC

Báo VnExpress đưa tin Bộ trưởng Tư pháp muốn hạ độ tuổi kết hôn. Bài báo phản ánh: Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, với thực tế tảo hôn đang diễn ra, nếu không công nhận thì phần thiệt thòi cho phụ nữ và trẻ em là rất lớn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị công nhận hôn nhân đồng giới
Lại tranh cãi về ly thân, mang thai hộ

Sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vừa qua, dự luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) với một số vấn đề còn tranh luận như độ tuổi kết hôn, hệ quả việc chung sống giữa người đồng giới tiếp tục được thảo luận tại Ủy ban Thường vụ ngày 13/1.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, đa số ý kiến tán thành đề nghị hạ tuổi kết hôn của nam từ 20 tuổi như quy định hiện hành xuống bằng tuổi của nữ - từ đủ 18 tuổi. Bà Mai cho rằng, việc hạ độ tuổi kết hôn với nam bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật hiện hành về tuổi thành niên, nguyên tắc bình đẳng giới và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Thực tế, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật và có xu hướng ngày càng tăng. "Việc quy định độ tuổi kết hôn đủ 18 chỉ là độ tuổi tối thiểu, thể hiện sự bình đẳng về quyền của cả hai giới", bà Mai cho hay.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay, luật hiện hành quy định tuổi kết hôn là 17 tuổi + 1 (tức chỉ cần qua sinh nhật 17 tuổi một ngày) với nữ. Như vậy, dù có hạ tuổi kết hôn với nữ xuống 16 để phù hợp với thực tế phong tục một số địa phương thì cũng chỉ là hạ một tuổi chứ không phải hạ hai tuổi như nhiều ý kiến phản đối.

Lấy dẫn chứng từ thực tế tảo hôn diễn ra hàng ngày, ông Cường cho rằng không thể không nhìn thẳng vào sự thật đó. "Việc xử lý tảo hôn rất khó. Việc không công nhận chẳng ngăn được người dân vẫn cưới hỏi sớm theo tập tục, thói quen và thiệt thòi luôn là phụ nữ và trẻ em”, Bộ trưởng Tư pháp nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gợi mở hướng xử lý những khu vực có tính đặc thù. "Trong chuyến công tác mới đây tới huyện Mường Lát (Thanh Hóa), chúng tôi thấy có cháu mới 14 - 15 tuổi đã có vài con, có đồng chí chủ tịch xã người Mông chưa đến 40 tuổi đã có 9 con. Phong tục của họ còn khác lắm chứ không như mong muốn của chúng ta", ông Lưu nói.

Theo ông, nên xem xét ở nơi nào có thể cho phép nữ kết hôn từ 16 tuổi, nếu không quy định người dân vẫn vi phạm. Riêng tuổi kết hôn nam giới, ông Lưu tán thành việc giữ nguyên.

Tuy nhiên, quan điểm này không được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ. Theo Chủ tịch Quốc hội, xây dựng luật phải theo xu hướng tiến bộ, tức là thực tế tuổi kết hôn ngày càng tăng, cớ gì dự luật lại tính kéo tụt xuống. Theo ông Hùng, nếu luật sửa đổi hạ tuổi kết hôn không những không giải quyết được vấn đề tảo hôn mà còn "vẽ đường cho hươu chạy". "Có nên chấp nhận cái cũ hay phải để tiếp tục vận động, tuyên truyền để thay đổi thực tế?", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thậm chí còn "cứng rắn" hơn khi cho rằng, nếu sửa độ tuổi kết hôn để đảm bảo nam nữ bình quyền thì phải nâng tuổi kết hôn của nữ từ 18 lên 20 tuổi chứ không phải đánh tụt đi. Bởi phụ nữ càng kết hôn, lập gia đình sớm sẽ càng nhiều nguy cơ, thiệt thòi.

Các tin cũ hơn