Công cuộc cải cách tư pháp trong những năm gần đây được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm và được đặt trong mối quan hệ với việc đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được của việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Nhằm tạo sự chuyển biến mang tính đột phá trong cuộc đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Sau hơn ba năm tổ chức thực hiện - một quãng thời gian chưa dài, song chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm tiền đề cho việc thực hiện thành công chiến lược. Những kết quả mà chúng ta đã đạt được có thể khái quát trên một số nội dung cụ thể sau đây:
Thứ nhất, đã hoàn thiện một bước về chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đưa nghị quyết đi vào đời sống xã hội.
Sau khi nghị quyết ban hành, nhiều dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực công tác tư pháp đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Nội dung các dự án luật, pháp lệnh đã bám sát và kịp thời thể chế hoá nhiều chủ trương, chính sách của Nghị quyết số 49-NQ/TW về hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp. Tính từ ngày 01/6/2005 đến nay, Quốc hội đã thông qua 14 luật, bộ luật, 05 pháp lệnh và 08 nghị quyết về lĩnh vực tư pháp. Quốc hội khoá XII đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 24 dự án luật, 06 pháp lệnh về lĩnh vực tư pháp, chiếm tỉ lệ 23,43% trong tổng số các dự án luật, pháp lệnh của toàn khoá.
Về chính sách hình sự, chúng ta có những điểm chỉnh hết sức quan trọng theo hướng đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm, tăng cường áp dụng biện pháp cải tạo không giam giữ nhất là đối với hành vi phạm tội không tự giác, hậu quả ít nghiêm trọng.
Về pháp luật dân sự, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã thể chế hoá một cách tương đối đầy đủ các quan điểm và nhiệm vụ cải cách tư pháp mà nghị quyết đã đề ra theo hướng: bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch, thúc đẩy các quan hệ dân sự phát triển lành mạnh, hoàn thiện chế định hợp đồng... So với Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã có tới 46 điểm mới liên quan đến các quy định chung của pháp luật dân sự, tài sản, quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài v.v.. Có thể nói, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã phản ánh sự hoàn thiện và phát triển mới của khung pháp luật về dân sự, đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế của chúng ta trong giai đoạn hiện nay.
Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực tư pháp theo hướng công khai, minh bạch trong thời gian qua, Toà án nhân dân tối cao đã cho xuất bản bốn tập sách về các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và hiện đã đăng tải công khai trên trang web của Toà án nhân dân tối cao. Cùng với tinh thần đó, một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Toà án nhân dân thành phố đã áp dụng công nghệ thông tin, giao dịch qua website nhằm tạo điều kiện cho công dân tiếp cận công lý một cách dễ dàng.
Thứ hai, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp đã và đang được nghiên cứu từng bước hướng tới sự hoàn thiện cả về hệ thống tổ chức cả về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền hoạt động. Các đề án về tổ chức của cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân và toà án nhân dân đã và đang được xây dựng, hoàn thiện theo hướng xác định đúng, đủ quyền năng pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Quá trình đổi mới hệ thống các cơ quan tư pháp đã được tiến hành trong mối liên hệ với việc phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với việc đề cao trách nhiệm và bảo đảm tính độc lập của các chức danh tư pháp trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời, việc đổi mới và hoàn thiện các cơ quan tư pháp được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với quá trình cải cách hành chính và cải cách bộ máy nhà nước nói chung.
Trong thời gian qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1036/NQ-UBTVQH11 và Nghị quyết số 293A/NQ-UBTVQH12 về việc tăng thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự cho các toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi tắt là toà án nhân dân cấp huyện). Đến nay, đã có 486 toà án nhân dân cấp huyện được giao thẩm quyền xét xử mới về hình sự, dân sự. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, các toà án được giao thẩm quyền xét xử mới đã có rất nhiều cố gắng trong việc bảo đảm xét xử theo đúng quy định của pháp luật nên hầu hết không có án quá hạn theo luật định và đặc biệt là cho đến nay chưa phát hiện có trường hợp nào bị kết án oan.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ tư pháp đã có sự trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng và cố gắng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của quá trình cải cách tư pháp.
Một trong những phương hướng quan trọng mà chất lượng cải cách tư pháp đặt ra là: xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp nhất là cán bộ có chức danh tư pháp theo hướng đề cao quyền hạn, trách nhiệm pháp lý... Chính vì vậy, trong thời gian qua, các cơ quan tư pháp đã đặt biệt quan tâm công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ tư pháp cả về chuyên môn, nghiệp vụ, cả về giáo dục bồi dưỡng phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp. Do đó, có thể nói, đến nay đội ngũ cán bộ tư pháp đã có sự trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng dần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, các cơ quan bổ trợ tư pháp và đội ngũ cán bộ bổ trợ tư pháp đang ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp theo định hướng của chất lượng cải cách tư pháp đã đề ra.
Luật Luật sư năm 2006 là sự thể chế hoá chủ trương: Nhà nước tạo điều kiện pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư, đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư đối với thành viên của mình, theo đó đã phân định về công tác quản lý nhà nước về luật sư với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Luật Luật sư năm 2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển cả về số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư. Trong ba năm qua, tổng số luật sư trên cả nước đã tăng 40% so với năm 2004, bình quân mỗi năm số luật sư tăng trên 10%. Sự lớn mạnh nhanh chóng của đội ngũ luật sư đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, thúc đẩy quá trình thực hiện chủ trương đổi mới thủ tục tố tụng tư pháp, trước hết là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên toà, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử của toà án. Bên cạnh đó, các hoạt động bổ trợ tư pháp khác như giám định tư pháp, công chứng... cũng đã có sự phát triển nhanh chóng và đồng bộ. Đến nay, 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập được trung tâm pháp y và chín phòng giám định pháp y; 11 tỉnh, thành phố đã thành lập trung tâm giám định pháp y tâm thần.
Về hoạt động công chứng, đến nay đã có 20 văn phòng công chứng được thành lập, hoạt động theo cơ chế của đơn vị sự nghiệp có thu, đã góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân trong lĩnh vực này. Ngoài ra, các hoạt động giám sát đối với các cơ quan tư pháp, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp... đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần rất tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Qua ba năm triển khai thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, những kết quả đạt được trên đây là rất đáng khích lệ. Song, so với yêu cầu đẩy mạnh quá trình cải cách tư pháp, chúng ta còn rất nhiều việc đòi hỏi phải được tăng cường, nghiên cứu và đẩy nhanh tiến độ hơn nữa trên nhiều lĩnh vực cả trong việc đổi mới, hoàn thiện đồng bộ hệ thống các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, về hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, cả trong hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm huy động được lực lượng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội tham gia vào quá trình cải cách tư pháp.
Chính vì vậy, phiên họp lần thứ 19 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương ngày 29/12/2008 đã xác định Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2009 - 2010 với nhiều nội dung trọng tâm được xác định đẩy nhanh công tác xây dựng thể chế, theo đó bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực tư pháp - Luật Lý lịch tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Bồi thường nhà nước, Luật Thi hành án hình sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) v.v... đẩy nhanh việc hoàn thiện các đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, xây dựng đề án về mô hình tố tụng Việt Nam; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ cán bộ tư pháp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp với tinh thần tiếp thu một cách có chọn lọc những kinh nghiệm của tất cả các nước nhằm góp phần hoàn thiện nền tư pháp của chúng ta.
TS. Nguyễn Đình Lục- Vụ trưởng Vụ pháp luật và cải cách tư pháp, Văn phòng Trung ương Đảng