Bộ trưởng Hà Hùng Cường thăm và làm việc tại Văn phòng Tổng công tố bên cạnh Toà án tối cao Campuchia

Bộ trưởng Hà Hùng Cường thăm và làm việc tại Văn phòng Tổng công tố bên cạnh Toà án tối cao Campuchia

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại Campuchia, hôm nay (1/3), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã tới thăm và làm việc tại Văn phòng Tổng công tố bên cạnh Toà án tối cao; Học viện hoàng gia về đào tạo nghề tư pháp và Hiệp hội Luật sư Campuchia.

Tại các buổi thăm và làm việc, Tổng Công tố Chea Leang; Giám đốc Học viện hoàng gia về đào tạo nghề tư pháp Chhorn Proloeung và Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Campuchia Bun Hon đều bày tỏ sự vui mừng khi được tiếp đón và làm việc với Đoàn công tác cấp cao của Bộ Tư pháp Việt Nam.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng trân trọng cảm ơn các cơ quan đã dành thời gian tiếp đón và làm việc với Đoàn cán bộ Việt Nam, đồng thời bày tỏ sự đánh giá cao quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Campuchia trên tất cả các lĩnh vực. Bộ trưởng cũng dành nhiều thời gian để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội cũng như tiến trình thực hiện cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam theo Hiến pháp 2013, về các chương trình, đề án cải cách pháp luật và tư pháp đã được xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả tại Việt Nam, trong đó có các đề án chương trình liên quan đến hoàn thiện hệ thống tổ chức và hoạt động của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, về phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại....
 
Thăm và làm việc tại Văn phòng Tổng công tố bên cạnh Toà án tối cao Campuchia, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Tổng Công tố Chea Leang đã tập trung trao đổi thông tin về cơ cấu tổ chức cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động của mỗi cơ quan của mỗi nước. Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ sự vui mừng khi được biết trong những năm gần đây, mối quan hệ hợp tác tư pháp giữa các cơ quan pháp luật và tư pháp của hai nước phát triển tốt đẹp, thông qua việc tổ chức trao đổi Đoàn đại biểu cấp cao thăm chính thức lẫn nhau, tăng cường trao đổi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Văn phòng Tổng Công tố của Campuchia cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác vào năm 2009 và đã tiến hành trao đổi các đoàn công tác.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường mong muốn các cơ quan pháp luật và tư pháp Campuchia tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với các cơ quan pháp luật và tư pháp Việt Nam, trong đó có Bộ Tư pháp. Hai bên đều hy vọng và tin tưởng rằng, trong năm 2016, sẽ có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực giữa các cơ quan pháp luật và tư pháp của Campuchia và Việt Nam.

Tới thăm và làm việc tại Học viện hoàng gia về đào tạo nghề tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường rất ấn tượng với việc Quốc hội Campuchia đã ban hành một đạo luật về cơ cấu tổ chức cũng như hoạt động của Học viện hoàng gia về đào tạo nghề tư pháp. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết đây sẽ là một kinh nghiệm hay cho Bộ Tư pháp Việt Nam trong công tác quản lý và phát triểnHọc viện Tư pháp trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, Việt Nam đang đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện 3 Đề án quan trọng mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đó là: Đề án  tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”, Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”, Đề án đào tạo luật sư hội nhập quốc tế.

Chia sẻ thông tin với Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác, ôngChhorn Proloeung, Giám đốc Học viện hoàng gia về đào tạo nghề tư pháp của Camuchia cho biết, Học viện được thành lập từ năm 2005 nhằm giám sát và quản lý việc đào tạo nghề luật ở Campuchia. Trường đào tạo thẩm phán hoàng gia (hay còn được biết đến với tên gọi Trường đào tạo thẩm phán và công tố viên hoàng gia) được thành lập theo Nghị định của Hoàng gia năm 2002 cũng đã được sáp nhập vào Học viện  tư pháp hoàng gia. Theo quy định hiện hành, Học viện hoàng gia về đào tạo nghề tư pháp có chức năng đào tạo thẩm phán, công tố viên, các chức danh tòa án và công chứng viên. Học viện có 4 trường đào tạo chuyên sâu là Trường đào tạo thẩm phán hoàng gia, Trường đào tạo thư ký toà, Trường đào tạo Thừa phát lại hoàng gia và Trường đào tạo Công chứng viên hoàng gia. Từ năm 2013, Học viện hoàng gia về đào tạo nghề tư pháp được đặt dưới quyền quản lý về hành chính và tài chính của Bộ Tư pháp Campuchia.

Sau khi nghe Giám đốc Học viện Hoàng gia về đào tạo nghề tư pháp Campuchia giới thiệu về cơ cấu tổ chức cũng như các hình thức đào tạo của Học viện, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã  giới thiệu với lãnh đạo Học viện Hoàng gia về đào tạo nghề tư pháp, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp Việt Nam cũng như vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác đào tạo luật, đào tạo các chức danh tư pháp. Bộ trưởng mong muốn và tin tưởng rằng Học viện hoàng gia về đào tạo nghề tư pháp Campuchia và Học viện Tư pháp Việt Nam sẽ thiết lập được quan hệ hợp tác và sớm triển khai những hoạt động hợp tác cụ thể trong đào tạo chức danh tư pháp và nghiên cứu khoa học pháp lý.

Thăm và làm việc với Hiệp hội Luật sư Campuchia, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Campuchia Bun Hon dành thời gian để chia sẻ thông tin về tổ chức và hoạt động của đội ngũ luật sư ở mỗi nước trong thời gian gần đây. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về luật sư và hoạt động luật sư ở Việt Nam đang ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho giới luật sư hành nghề. Đến nay, Việt Nam đã có trên 8.000 luật sư thuộc 63 đoàn luật sư, đã và đang tham gia tích cực, hiệu quả vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ công lý, xây dựng nền tư pháp dân chủ và pháp quyền, phục vụ nhân dân. Đối với hoạt động của luật sư nước ngoài, hiện đã có 63 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cấp giấy phép thành lập. Việt Nam cũng đã có Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020” và mới thành lập Trung tâm liên kết đào tạo luật sư thương mại quốc tế.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Campuchia Bun Hon đều hy vọng rằng, trong bối cảnh hội nhập và quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Campuchia, trong đó có quan hệ thương mại và đầu tư  đang ngày càng phát triển, các tổ chức hành nghề luật sư cũng như các luật sư Việt Nam sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường dịch vụ pháp lý Campuchia và ngược lại. Hai bên cũng tin tưởng rằng, trong thời gian tới đây, Hiệp hội Luật sư Campuchia và Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ sớm có quan hệ hợp tác, tạo điều kiện cho giới luật sư hai nước có thêm nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp.