Chiều 06/04/2016, đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp, bao gồm Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Pháp luật quốc tế đã có buổi tiếp và làm việc với Bà Jagjit Pavadia, Phó Chủ tịch Ủy ban Kiểm sát ma túy quốc tế của Liên Hợp quốc (UN INCB), trao đổi một số vấn đề về những quy định của pháp luật Việt Nam về tội phạm và những vi phạm pháp luật khác có liên quan đến ma tuý.
Sau lời cảm ơn đại diện Bộ Tư pháp đã dành thời gian tiếp đoàn, bà Phó Chủ tịch Jagjit Pavadia cho biết, để thực hiện nhiệm vụ của mình, trong năm 2003 và 2007, INCB đã lần lượt tổ chức 02 Đoàn công tác sang giám sát, đánh giá tình hình, kết quả và nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống ma túy. Đây là Đoàn công tác thứ ba sang làm việc tại Việt Nam với mong muốn đánh giá những nỗ lực và kết quả của Việt Nam trong công tác kiểm soát ma túy và tiền chất; thông qua UN INCB, tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các Cơ quan Liên Hợp quốc đang chuẩn bị cho Phiên họp đặc biệt của Đại hội Đồng Liên Hợp quốc bàn về vấn đề ma túy toàn cầu vào tháng 4/2016 (UNGASS 2016).
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tư pháp đã chia sẻ các thông tin về những kết quả và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy của Việt Nam. Trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam luôn đặt sự quan tâm lớn cho công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy. Hệ thống văn bản về phòng, chống ma túy được xây dựng khá đầy đủ, để thực hiện chức năng quản lý của nhà nước trong công tác phòng, chống ma túy, cụ thể được quy định tại Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); Nghị định số 80/2001/NĐ-CP hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước; Nghị định số 58/2003/NĐ-CP ngày 29/5/2003 của Chính phủ quy định về kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ về danh mục chất ma túy và tiền chất (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 09/12/2015 của Chính phủ sửa đổi Danh mục các chất ma túy và tiền chất kèm theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP về các danh mục chất ma túy và tiền chất); Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… Bên cạnh đó, các quy định trong Bộ luật Hình sự về các tội phạm có liên quan đến ma tuý cũng ngày càng được hoàn thiện hơn để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thực tế, đảm bảo tính tương thích với các quy định của các Công ước quốc tế về phòng chống ma túy mà Việt Nam là thành viên. Những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan đến các tội phạm về ma tuý đã có nhiều điểm mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999, cơ bản khắc phục được những tồn tại, bất cập gặp phải trong quá trình thực thi pháp luật. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số khó khăn và bất cập, chủ yếu phát sinh từ sự không đồng bộ giữa pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật về phòng chống ma túy, trong đó đặc biệt là liên quan đến công tác cai nghiện ma túy.
Bà Jagjit Pavadia đánh giá cao những kết quả và nỗ lực mà Bộ Tư pháp Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là việc nghiên cứu về việc giảm án tử hình đối với một số loại tội phạm liên quan đến ma túy. Bà Jagjit Pavadia chia sẻ, đây cũng là xu thế chung mà các quốc gia tiến bộ trên thế giới hướng tới trong việc giảm án tử hình trong việc xét xử các loại tội phạm liên quan đến ma túy.
Bên cạnh việc chia sẻ, trao đổi thông tin về tình hình pháp luật Việt Nam hiện nay liên quan đến tội phạm và các vi phạm pháp luật về ma tuý, hai bên cũng đã bày tỏ mong muốn được tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Ủy ban Kiểm sát ma túy quốc tế của Liên Hợp quốc (UN INCB) thông qua các hoạt động cung cấp tài liệu tham khảo, đào tạo chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và các hoạt động hợp tác khác liên quan đến công tác phòng, chống ma túy. Buổi làm việc đã kết thúc tốt đẹp với những hứa hẹn về cơ hội hợp tác sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Vũ Thu Hằng – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp