Hội nghị phổ biến Nghị định 113/2014/NĐ-CP về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật

Hội nghị phổ biến Nghị định 113/2014/NĐ-CP về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật

20/03/2015

Trong khuôn khổ Chương trình đối tác Tư pháp do EU, Thụy Điển và Đan Mạnh tài trợ, sáng nay (20/03), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 113/2014/NĐ-CP về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Mục đích của Hội nghị nhằm giới thiệu các quy định của Nghị định cũng như hướng dẫn quy trình vận động, xây dựng, phê duyệt và thực hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án hợp tác quốc tế về pháp luật sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tại trợ, sử dụng nguồn viện trợ phí Chính phủ nước ngoài.

Cần nhận thức đúng vai trò, vị trí của công tác quản lý hợp tác quốc tế

Khẳng định tầm quan trọng của công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật trong giai đoạn Việt Nam ngày càng hội nhập khu vực, quốc tế sâu, rộng. Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã cũng thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác này trong thời gian qua như: chậm đổi mới về nội dung và hình thức hợp tác; chi phí dành cho quan hệ hợp tác lớn nhưng kết quả chưa tương xứng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này còn nhiều bất cập; sự phân công, phối hợp trong việc thực hiện Dự án liên ngành, liên đơn vị còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng cục bộ, khép kín trong hoạt động hợp tác quốc tế của từng bộ, ngành… Để khắc phục những tồn tại trên, Thứ trưởng định hướng một số vấn đề cần tập trung thảo luận, trong đó nhấn mạnh vấn đề cần nhận thức đúng vai trò, vị trí của hợp tác quốc tế; phổ biến những điểm mới, những yêu cầu cao hơn hoặc những quy định thông thoáng hơn trong nội dung Nghị định số 113/2014/NĐ-CP….

Đánh giá đúng nhu cầu, chủ động lựa chọn đối tác hợp tác

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TW Trịnh Xuân Toản cho biết, trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa cá chủ trương, chính sách về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu “tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật” coi đây là 01 trong 08 nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp. Ông cũng chỉ ra một số nhiệm vụ và giải pháp để tăng cường hợp tác quốc tế trong thời gian tới trong đó nhấn mạnh, cần phân tích đánh giá đúng nhu cầu hợp tác, chủ động lựa chọn đối tác xây dựng nội dung chương trình, dự án phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt việc quản lý, điều phối và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp, phân công, phân cấp rõ ràng thẩm quyền trách nhiệm quản lý nhà nước cho các Bộ, ngành, địa phương…

Nghị định 113/2014/NĐ-CP – sự phát triển về chất trong thu hút, quản lý và thực hiện hoạt động hợp tác pháp luật

Sự tiến bộ của Nghị định số 113/2014/NĐ-CP thể hiện ở việc khắc phục những điểm yếu của Nghị định 78/2008/NĐ-CP, đồng thời bổ sung thêm các quy định mới thể hiện nguyên tắc, quan điểm hiện đại trong quản lý và tiếp nhận nguồn viện trợ của ngước ngoài, đặc biệt là viện trợ phát triển chính thức (ODA). Nghị định đã đánh dấu sự phát triển về chất so với các văn bản khung trước đây về thu hút, quản lý và thực hiện hoạt động hợp tác pháp luật với nước ngoài.

Nghị định này đã giải quyết khá toàn diện và đồng bộ công tác quản lý nhà nước với tất cả các khâu của quy trình sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế trong hợp tác quốc tế, từ vận động đến thực hiện, theo dõi và đánh giá chương trình, dự án hợp tác cũng như phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan tham gia quản lý và thực hiện…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận đưa ra các giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật. Một số đại biểu đã có những bài tham luận sâu sắc như tham luận về quy trình vận động, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các dự án, chương trình,hoạt động hợp tác quốc tế và pháp luật; tổng quan chính sách về ODA…