Trong khuôn khổ "Dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách hệ thống tư pháp và pháp luật" do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, ngày 10 tháng 10 năm 2014, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp phối hợp với JICA tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi phần các quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Mục đích chính của Tọa đàm là trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của Bộ luật Dân sự 2005, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.
Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia dài hạn của Dự án JICA và đông đảo các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức làm công tác lý luận và thực tiễn như giảng viên các trường đào tạo Luật, thẩm phán, các tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau phần khai mạc, ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm đã có bài tham luận trình bày Báo cáo dẫn đề Tọa đàm về chế định các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự trong Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005. Báo cáo đã đề cập đến những hạn chế, bất cập trong các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của Bộ luật dân sự 2005 từ đó đề xuất những kiến nghị tổng thể nhằm khắc phục những hạn chế trên. Ông Hồ Quang Huy nhấn mạnh rằng, việc nghiên cứu sửa đổi các quy định về giao dịch bảo đảm phải được đặt trong tổng thể các quy định của Bộ luật Dân sự sửa đổi, đồng thời phải xuất phát từ mục tiêu góp phần thúc đẩy các quan hệ về tài sản, quan hệ về vốn được phát triển an toàn, bền vững trong đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta.
|
(Đại diện của Công ty Luật BASICO phát biểu tại Tọa đàm) |
Tại Tọa đàm, đại diện của Công ty Luật BASICO cũng có bài phát biểu bình luận về những vướng mắc, bất cập của chế định giao dịch bảo đảm được quy định trong Bộ luật Dân sự 2005, Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về Giao dịch bảo đảm, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở”. Bài tham luận đã chỉ ra một số vướng mắc trong việc nhận cầm cố, thế chấp, ký quỹ, bảo lãnh các loại tài sản như cổ phiếu, sổ tiết kiệm, hàng hóa luân chuyển, phương tiện giao thông vận tải, bất động sản, tài sản hình thành trong tương lai… Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tiến hành thảo luận và đóng góp ý kiến nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ.
Các đại biểu đến từ các tổ chức hành nghề công chứng, các tổ chức hành nghề luật sư cũng đã tập trung phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm đặc biệt là vướng mắc trong cách hiểu và áp dụng thiếu thống nhất các quy định về biện pháp bảo lãnh tại các cơ quan nhà nước. Ví dụ như: cùng một quy định về đăng ký thế chấp tài sản bảo đảm nhưng ở Phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở Quận A lại có cách hiểu khác so với Phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở Quận B. Chính cách hiểu không thống nhất này đã gây không ít khó khăn cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn khi thực hiện các đăng ký giao dịch bảo đảm. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập tới một số bất cập khác như xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản trong trường hợp thế chấp tài sản trên đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất hoặc ngược lại; khó khăn khi tiến hành phát mại tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai vì chưa có đủ giấy tờ pháp lý. Từ đó, các đại biểu đề xuất cần phải có quy định chi tiết, rõ ràng và thống nhất giữa các văn bản pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho bên nhận thế chấp.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, đại diện Cục đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã giới Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số quy định của pháp luật về hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí với nội dung của Dự thảo và cho rằng việc ban hành Thông tư là rất cần thiết, dự thảo có nhiều điểm mới, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên, Dự thảo cũng cần quy định rõ cơ sở xác định số thành viên trong hộ gia đình đối với việc ký kết hợp đồng thế chấp trong trường hợp hộ gia đình là người sử dụng đất hoặc tuyên vô hiệu đối với trường hợp hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chỉ có chữ ký của vợ hoặc chồng…
(Ông Lê Thanh Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ Quản lý và Hỗ trợ tín dụng, Ngân hàng phát triển Thành phố Hồ Chí Minh phát biếu tại Tọa đàm) |
Trên cơ sở những góp ý và thảo luận tại Tọa đàm, Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo. Thay mặt cơ quan chủ trì cuộc họp, ông Hồ Quang Huy khẳng định trên cơ sở những ý kiến góp ý của các chuyên gia và các đại biểu tại buổi Tọa đàm, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm sẽ phối hợp với Ban soạn thảo Bộ luật dân sự sửa đổi, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, chỉnh lý và tiến hành họp tư vấn thẩm định trước khi trình Lãnh đạo các Bộ, ngành xem xét, quyết định./.