Sáng nay 22/10, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ hai năm 2014 với chủ đề “Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp 2013”. Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các Ủy ban liên quan của Quốc hội, Bộ Tư pháp, các tổ chức xã hội và chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng và Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Louise Chamberlain tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn. Diễn đàn còn có sự tham dự của ông Trần Văn Độ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; đại diện đến từ Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Nội chính Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu có liên quan… Mục đích của diễn đàn nhằm chia sẻ, cập nhật thông tin với các cơ quan đại diện ngoại giao, các nhà tài trợ nước ngoài, các bộ, ban, ngành, các tổ chức trong nước và nước ngoài tại Việt Nam về tình hình xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi), cũng như thảo luận về những thách thức và các lựa chọn chính sách trong quá trình sửa đổi Bộ luật.
Các đại biểu tham dự diễn đàn đã được nghe đại diện Bộ Tư pháp trình bày các chính sách lớn và các giải pháp sửa đổi Bộ luật Hình sự; đại diện Tòa án nhân dân tối cao trình bày về trách nhiệm hình sự của pháp nhân; các chuyên gia quốc tế của UNDP, các luật gia Việt Nam, đại diện cho các cơ quan của Liên hợp quốc bình luận, bổ sung ý kiến và trình bày các khuyến nghị đã được nêu trong báo cáo của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc liên quan đến Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự trong mối quan hệ với các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nêu rõ: việc sửa đổi Bộ luật Hình sự cần được triển khai trên cơ sở đổi mới tư duy về chính sách hình sự, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tăng tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 cũng như bảo đảm thực thi các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bà Louise Chamberlain lưu ý ba thách thức chính nổi lên từ quá trình Kiểm điểm định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) đối với công tác cải cách hệ thống tư pháp hình sự để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Những thách thức này bao gồm giảm số tội phạm bị kết án tử hình; thực hiện các điều khoản của Công ước phòng chống tra tấn và thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm Bộ luật Hình sự tôn trọng quyền con người của tất cả công dân Việt Nam. Đồng thời bà nhấn mạnh: “Tiến bộ trong các lĩnh vực này, cùng với những nỗ lực củng cố các thể chế chính sẽ giúp bảo vệ sự an toàn và an ninh cho người dân Việt Nam và tăng cường sự ổn định của một xã hội pháp trị”.
|
|
Những định hướng lớn xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng được thông tin đến các đại biểu tham dự diễn đàn bao gồm: Thứ nhất, giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ. Hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự. Hoàn thiện hơn nữa chính sách hình sự liên quan. Thứ hai, mở rộng nguồn của pháp luật hình sự một cách hợp lý theo hướng, một số tội phạm cụ thể có tính chất đặc thù cao và hình phạt với các tội phạm đó có thể được quy định trong các luật chuyên ngành để đảm bảo tính kịp thời và linh hoạt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thứ ba, cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự đối với các pháp nhân kinh tế, trên cơ sở nghiên cứu, xác định rõ những vấn đề cụ thể có liên quan, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam và có tính khả thi. Thứ tư, thực hiện phi hình sự hóa một số tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và điều kiện kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đồng thời, hình sự hóa một số hành vi vi phạm có tính nguy hiểm cao cho xã hội chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự, nội luật hóa các quy định có tính ràng buộc của các Công ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
|
|