Trong ngày làm việc đầu tiên, Đoàn công tác đã gặp đại diện Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng của CHLB Đức và đã tìm hiểu về Công ước Cape Town về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và các Nghị định thư của Công ước này. Công ước Cape Town được ký tại Cape Town, Nam Phi ngày 16/11/2001 là kết quả của Hội nghị ngoại giao tại Cape Town (Nam Phi) do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Viện thống nhất tư pháp quốc tế (UNIDROIT) đồng tổ chức. Công ước này có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2006 và đến nay có 60 thành viên gồm 59 quốc gia và 1 tổ chức quốc tế. Các Nghị định thư bao gồm Nghị định thư về trang thiết bị hàng không (hiện có 54 thành viên), Nghị định thư về trang thiết bị đường sắt (chưa có hiệu lực), Nghị định thư về trang thiết bị vũ trụ (chưa có hiệu lực), Nghị định thư về trang thiết bị nông nghiệp, xây dựng, hầm mỏ (sẽ khởi động đàm phán vào tháng 12/2004) Công ước Cape Town và các Nghị định thư Cape Town là các điều ước quốc tế được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang thiết bị lưu động một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển; đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên.
Trong ngày làm việc tiếp theo, Đoàn đã có các buổi thảo luận, trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia Đức về pháp luật đăng ký tài sản của CHLB Đức, quy trình đăng ký động sản và bất động sản, vai trò của công chứng viên trong việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với bất động sản và động sản, nội dung văn bản công chứng giao dịch bảo đảm, nội dung sổ đăng ký động sản/bất động sản…. Chuyên gia Đức cũng cho biết hiện nay ở Đức không có luật riêng về giao dịch bảo đảm, các quan hệ liên quan đến giao dịch bảo đảm được điều chỉnh trong Bộ luật dân sự, Luật về sổ địa chính, Luật về văn bản công chứng, Nghị định về sổ địa chính. Đối với động sản, hiện nay pháp luật Đức quy định chỉ có máy bay, tàu thủy có sổ đăng ký tài sản. Sổ đăng ký này được xây dựng trên cơ sở mẫu sổ đăng ký địa chính; các tài sản khác (trang sức, tài khoản trả lương…) có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm, nhưng không cần phải đăng ký tài sản.
Bên cạnh việc trao đổi, thảo luận với các chuyên gia về pháp luật, Đoàn cũng đã thăm và làm việc với Tòa án vùng Berlin, Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Tòa án cấp sơ thẩm để tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm thực tế của các cơ quan có thẩm quyền của CHLB Đức trong việc thực thi Luật đăng ký tài sản, thực tiễn công tác đăng ký đất đai, ghi sổ địa chính tại Đức.
Liên quan đến nội dung hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Đức, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Tư pháp (Ông Mathias Hellmann, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, đối thoại nhà nước pháp quyền). Tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối thoại nhà nước pháp quyền giai đoạn 2012-2014 đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật và đào tạo, bồi dưỡng về luật của Việt Nam. Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp CHLB Đức sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác, xúc tiến trao đổi, thảo luận, xây dựng Chương trình hợp tác cho giai đoạn tới. Ông Mathias Hellmann khẳng định CHLB Đức nói chung, Bộ Tư pháp Đức nói riêng luôn cởi mở trong việc hỗ trợ Việt Nam và sẵn sàng trao đổi, thảo luận với Bộ Tư pháp Việt Nam về các lĩnh vực sẽ được đẩy mạnh hợp tác trong tương lai cũng như đàm phán, ký kết Chương trình hợp tác giữa hai cơ quan trong giai đoạn tới.
Bên lề chương trình làm việc chính thức, Đoàn cũng đã có buổi gặp Đại sứ quán Việt Nam tại Đức để tìm hiểu thêm các thông tin về tình hình người Việt Nam tại Đức, trao đổi về các vấn đề pháp lý liên quan đến người Việt Nam tại Đức.
Chiều ngày 5/9, Đoàn công tác đã kết thúc tốt đẹp chương trình làm việc tại CHLB Đức.