Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thăm và làm việc tại CHDCND Lào: Thành tựu hợp tác tư pháp góp phần quan trọng củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thăm và làm việc tại CHDCND Lào: Thành tựu hợp tác tư pháp góp phần quan trọng củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào

Nhận lời mời của đồng chí  Cha - Lơn  Nhia – Pao – hơ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào, Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Tư pháp Việt Nam do đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn đầu đã thực hiện chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 28 - 31/7/2014. Tham gia Đoàn công tác có đại diện các Bộ Công an, Ngoại giao, Giám đốc và Cục trưởng Thi hành án của 10 Sở Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới với Lào và 4 Sở Tư pháp đã ký Thỏa thuận hợp tác với các Sở Tư pháp của Lào

 

Chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Hà Hùng Cường diễn ra trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2011-2015 giữa Bộ Tư pháp hai nước và Kết luận của Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần thứ nhất tổ chức tại Việt Nam tháng 6/2011. 

Mục đích của chuyến công tác lần này là: (i) thăm luân phiên cấp Bộ trưởng (theo Thỏa thuận hợp tác đã ký), trọng tâm là để đánh giá kết quả hợp tác năm 2013, 6 tháng đầu năm 2014 và thống nhất Kế hoạch hợp tác 6 tháng cuối năm 2014 và 2015 giữa Bộ Tư pháp hai nước; (ii) đồng tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần thứ hai (mở rộng) và (iii) theo đề nghị của phía bạn Lào, tham dự và giới thiệu về Hiến pháp năm 2013 với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp ở Việt Nam tại Hội thảo của gần 400 cán bộ chủ chốt (Lãnh đạo cấp Bộ và Vụ) thuộc một số cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Giám đốc các Sở Tư pháp địa phương của CHDCND Lào.

Bên cạnh các cuộc Hội đàm, Hội nghị, Hội thảo quan trọng nói trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng Đoàn công tác đã có các buổi tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, đến chào Chủ tịch Quốc hội, thăm và làm việc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; thăm Ngân hàng liên doanh Lào-Việt (LaoViet Bank) – một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Lào, Văn phòng đại diện Ngân hàng Đầu tư Phát triển của Việt nam (BIDV) tại Lào; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Lào. Cũng trong thời gian công tác tại Lào, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đến thắp hương và chia buồn cùng gia quyến đồng chí Thongban Seng Aphone, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ An ninh (đồng thời là người bạn, đồng chí, đồng nghiệp trước đây của Bộ trưởng) đã không may tử nạn cách đây ít lâu trên đường đi công tác. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Đại sứ và đồng chí Nguyễn Thị Hà, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã tham gia các hoạt động của Đoàn.

 

   

Bài viết dưới đây điểm lại những hoạt động của Đoàn cũng như những kết quả tốt đẹp, quan trọng mà Đoàn đã đạt được trong chuyến đi nhằm tăng cường hợp tác tư pháp, góp phần quan trọng củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Hội đàm giữa hai Bộ trưởng Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào tại Viêng chăn ngày 28/7/2014

Sáng ngày 28/7/2014, tại Thủ đô Viêng-chăn, Lào, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường đã hội đàm với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào, đồng chí Cha-lơn Nhia-pao-hơ. Hội đàm đã diễn ra trên tinh thần hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt- Lào.

 

   

Tại Hội đàm, hai Bên đã trao đổi về tình hình phát triển kinh tế  xã hội, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp của mỗi nước và những đổi mới trong chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp mỗi nước. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào đều đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Hai Bộ trưởng coi đây là tài sản vô cùng quý báu mà các thế hệ hôm nay cũng như mai sau có trách nhiệm gìn giữ, bồi đắp và phát triển hơn nữa; mối quan hệ này là cơ sở vững chắc cho sự hợp tác giữa ngành Tư pháp Việt Nam và Lào.

 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thông tin về một số kết quả đạt được trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam hiện nay, chia sẻ thông tin về các chương trình, đề án cải cách pháp luật và tư pháp đã được xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả tại Việt Nam trong thời gian qua, trong đó có các đề án, chương trình liên quan đến hoàn thiện hệ thống tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, về phát triển và hoàn thiện các thiết chế bổ trợ tư pháp, những thành tựu và thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế... Đoàn cũng chia sẻ thông tin về việc Quốc hội Việt Nam đã thông qua bản Hiến pháp năm 2013 với nhiều điểm đổi mới quan trọng, mở ra không gian rộng lớn nhằm phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thực hiện cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải cách quản trị kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng chia sẻ Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và vai trò, nhiệm vụ nặng nề, quan trọng của Bộ Tư pháp trong tiến trình này, đặc biệt là trong giai đoạn 2014-2016 với nhiệm vụ rà soát, căn chỉnh hệ thống pháp luật, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, pháp lệnh phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và giai đoạn sau 2016, khi chuyển hướng chiến lược sang tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ Hiến pháp...

Hai Bên đánh giá Kế hoạch hợp tác trong những năm qua, đặc biệt là 2 năm gần đây đã được Bộ Tư pháp hai nước, các cơ sở đào tạo Luật và các chức danh tư pháp, các Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự có chung đường biên giới, một số Sở Tư pháp không có chung đường biên giới nhưng đã thiết lập quan hệ hợp tác tích cực triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức như trao đổi các đoàn công tác, trao đổi học viên, giảng viên, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cán bộ pháp luật, trao đổi thông tin, tài liệu pháp luật.... Hai Bên đều khẳng định hoạt động hợp tác giữa hai Bộ được tổ chức thực hiện khá hiệu quả, đạt nhiều kết quả cụ thể và ngày càng đi vào chiều sâu, tạo được sự lan tỏa ngày càng rõ nét.

Xuất phát từ quan hệ đặc biệt giữa hai Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ các thông tin và sự thực một cách chân thành và tin cậy về tình hình vừa qua Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam đánh giá cao CHDCND Lào đã có Công hàm số 349/MOFA.APA.2 ngày 23/6/2014, bày tỏ quan ngại, yêu cầu các bên giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, tuân thủ pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam mong muốn các nước và cộng đồng quốc tế, trong đó có Lào, tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu triệt để tuân thủ pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông(DOC), trước hết là yêu cầu Trung quốc phải kiềm chế, không tái diễn các hành động gây căng thẳng, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và DOC như vừa qua; đồng thời sớm đạt được Bộ quy tắc COC.

Phía Lào bày tỏ sự quan tâm và lo ngại về các diễn biến trên Biển Đông; khẳng định lại quan điểm của Lào đã được nêu tại Công hàm số 349/MOFA.APA.2 ngày 23/6/2014 của Bộ Ngoại giao Lào, theo đó Lào luôn ủng hộ các nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, Tuyên bố DOC, ủng hộ tuân thủ pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Về các hoạt động hợp tác tư pháp sắp tới, hai Bộ trưởng đã nhất trí về Chương trình  hợp tác các năm 2014-2015 giữa hai Bộ với những nội dung phù hợp với nhu cầu, lĩnh vực ưu tiên cũng như điều kiện kinh phí, nguồn nhân lực của mỗi Bên, trong đó ưu tiên cho việc tiếp nhận học sinh, sinh viên Lào sang học tập, đào tạo luật và các nghề luật tại Việt Nam.

Một trong những điểm nhấn của hợp tác tư pháp Việt – Lào trong thời gian tới là công tác đào tạo luật và các nghề luật cho học viên Lào tại Việt Nam. Hai năm vừa qua, công tác đào tạo luật của hai nước ngày càng có sự hiểu biết, hợp tác chặt chẽ thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, chương trình đào tạo giữa các cơ sở đào tạo luật và nâng cao trình độ cho cán bộ, sinh viên Lào tại Trường Đại học Luật Hà Nội và Học viện Tư pháp. Thời gian tới đây, hai bên dự kiến sẽ triển khai các hoạt động hợp tác tại các địa phương thông qua các trường Trung cấp Luật mà cụ thể bước đầu là Trường Trung cấp Luật Đồng Hới và Trung cấp Luật Sơn La. Hợp tác đào tạo nghề cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác đã ký năm 2012 giữa Học viện Tư pháp Việt Nam và Học viện Tập huấn công tác tư pháp và đào tạo pháp luật Lào.

Về công tác xây dựng pháp luật và tương trợ tư pháp, Bộ Tư pháp hai nước dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục trao đổi các đoàn chuyên gia trong các lĩnh vực soạn thảo và xây dựng pháp luật; trao đổi thông tin và hỗ trợ nhau tham gia tích cực và hiệu quả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như các Hội nghị trong khuôn khổ Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp, các nước ASEAN và hợp tác trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.

Kết thúc Hội đàm, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã trao tặng món quà ý nghĩa của Bộ Tư pháp Việt Nam cho Bộ Tư pháp Lào gồm 50 bộ máy tính và một số trang thiết bị máy in, đèn chiếu.

Hai Bộ trưởng tin chắc rằng, những kết quả quan trọng đạt được tại Hội đàm này sẽ tiếp tục tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt và toàn diện giữa hai ngành Tư pháp Việt Nam và Lào, góp phần thiết thực vào việc gìn giữ quan hệ chung giữa hai nước cũng như vào việc xây dựng khu vực Đông Nam Á, châu Á hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng.

Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần thứ hai tại Viêng chăn, ngày 29/7/2014.

Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam – Lào lần thứ hai (mở rộng) được tổ chức tại thủ đô Viêng-chăn ngày 29 tháng 7 năm 2014 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Hà Hùng Cường và Bộ trưởng Tư pháp Lào Cha-lơn Nhia Pao-hơ. Tham dự Hội nghị có trên 100 cán bộ là Thủ trưởng của một số đơn vị thuộc hai Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào; lãnh đạo các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án 10 tỉnh của Lào và 10 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới; lãnh đạo 4 Sở Tư pháp thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Định, lãnh đạo 8 Sở Tư pháp Thủ đô Viêng-chăn và các tỉnh: Viêng-chăn, Chăm-pa-sắc, Luông-nam-tha, Xay-nha-bu-li, Bò-kẹo, U-đôn-xay, Xay-xổm-bun là các tỉnh kết nghĩa với nhau. Tham dự Hội nghị còn có đại diện của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lào; đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và các cơ quan thông tấn báo chí của hai nước.

Trong phát biểu khai mạc của mình, Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam và Bộ trưởng Tư pháp Lào đều đánh giá cao, khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược và quyết tâm mãi mãi giữ gìn, phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, nhấn mạnh đây là quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước và là tài sản vô giá của hai Đảng, hai dân tộc truyền tiếp cho các thế hệ mai sau, coi mối quan hệ này là cơ sở vững chắc cho sự hợp tác giữa hai ngành Tư pháp Việt Nam và Lào.

Sau một ngày làm việc khẩn trương trong không khí thắm tình hữu nghị anh em và với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam - Lào (mở rộng) đã thảo luận, đánh giá tương đối toàn diện và sâu sắc về quan hệ hợp tác tư pháp giữa hai nước trong thời gian qua, về (1) vấn đề quốc tịch và hộ tịch của người dân ở vùng biên giới hai nước; (2) tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý để người dân hiểu được pháp luật của hai nước, giúp cho họ có cách hành xử đúng pháp luật; (3) đẩy mạnh hợp tác về tương trợ tư pháp thông qua việc rà soát, đánh giá Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào ký ngày 6/7/1998; rà soát công tác phối hợp trong các hoạt động hợp tác về tương trợ tư pháp đa phương và khu vực; (4) nâng cao hiệu quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2011 – 2015. Hội nghị đã nghe nhiều ý kiến phát biểu thảo luận, cung cấp các thông tin về tình hình hợp tác tư pháp, về kinh nghiệm giải quyết các vấn đề pháp lý thực tiễn đặt ra dọc biên giới hai nước. Về các vấn đề khác liên quan, Hội nghị nhất trí đánh giá cao kết quả hợp tác giữa các Sở Tư pháp và cơ quan thi hành án hai nước; các Sở Tư pháp Lào đánh giá cao sự hỗ trợ về vật chất của các Sở Tư pháp Việt Nam.

Hội nghị nhất trí đánh giá, kể từ sau Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam - Lào lần thứ nhất, công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, giải quyết các vấn đề quốc tịch tại các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào ngày càng được tăng cường; với sự chỉ đạo của hai Bộ Tư pháp, cấp ủy và chính quyền địa phương, các cơ quan tư pháp các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào đã tiến hành rà soát, thống kê và giải quyết được một phần các trường hợp kết hôn không giá thú, người không có quốc tịch cư trú tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào, tạo điều kiện và cơ sở để cơ quan có thẩm quyền của mỗi nước tiến hành cấp các giấy tờ tùy thân cho bà con vùng biên giới sinh sống ổn định, lâu dài. Hai bên cũng đã có cố gắng thực hiện các quy định có liên quan của Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa hai Nhà nước; đồng thời cũng chỉ ra những vướng mắc trong việc thực thi Hiệp định, trong đó có lý do do hai đơn vị đầu mối về tương trợ tư pháp của hai Bộ Tư pháp chưa có sự phối hợp, trao đổi thông tin kịp thời; một số quy định của Hiệp định đã không còn phù hợp với pháp luật và điều kiện thực tiễn hiện nay của hai nước; việc báo cáo cho cơ quan đầu mối Trung ương về tình hình thực hiện tương trợ tư pháp của các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự các tỉnh đường biên chưa được chú trọng.

Về hoạt động trong thời gian tới, Hội nghị thống nhất một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về vấn đề quốc tịch và hộ tịch của người dân khu vực biên giới Việt Nam - Lào, đề nghị Bộ Tư pháp hai nước tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để chỉ đạo các cơ quan tư pháp địa phương thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới ký ngày 8/7/2013;

Thứ hai, về hợp tác tương trợ tư pháp, đề nghị Bộ Tư pháp hai nước nghiên cứu thành lập Nhóm Công tác hỗn hợp về rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định và nghiên cứu khả năng đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định, nếu cần thiết; cơ quan THADS tại 10 cặp tỉnh giáp biên sẽ đẩy nhanh việc tương trợ tư pháp về THADS theo đúng quy định của Hiệp định; tăng cường vai trò của các đơn vị đầu mối tại hai Bộ Tư pháp Việt Nam - Lào;

Thứ ba, về tăng cường hiểu biết của người dân đối với pháp luật của hai nước, các Sở Tư pháp tại 10 cặp tỉnh giáp biên, theo quy định của pháp luật mỗi nước, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải cơ sở để người dân hiểu được pháp luật của hai nước, giúp họ có cách hành xử đúng pháp luật;

Thứ tư, các Sở Tư pháp, cơ quan THADS đã ký kết Thỏa thuận hợp tác tăng cường tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động đã thỏa thuận; các Sở Tư pháp, cơ quan THADS các tỉnh chưa ký kết Thỏa thuận hợp tác cam kết sẽ báo cáo ngay với cấp ủy, chính quyền tỉnh mình, thúc đẩy để sớm ký kết. Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào khuyến khích các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam và Lào kết nghĩa, hỗ trợ, hợp tác với nhau cùng phát triển;

Thứ năm, đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam và Lào quan tâm đưa nội dung hợp tác giữa các cơ quan tư pháp và thi hành án địa phương hai nước khi xây dựng Thỏa thuận hợp tác mới giữa hai Bộ cho giai đoạn 2016-2020;

Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị tư pháp các tỉnh đường biên Việt Nam - Lào (mở rộng) lần thứ 3 tại Việt Nam vào thời gian thích hợp với hai Bên trong năm 2016.

Hội thảo giới thiệu về Hiến pháp năm 2013 với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp ở Việt Nam

Sáng 30/7, tại Hội trường Quốc gia Thủ đô Viêng Chăn, Lào, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã tham dự và giới thiệu về “Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 với việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp ở Việt Nam” tại Hội thảo do Bộ Tư pháp Lào tổ chức với gần 400 đại biểu là các cán bộ cao cấp của CHDCND Lào, đến từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Giám đốc các Sở Tư pháp địa phương của CHDCND Lào. Mục đích của Bạn trong việc tổ chức và đề nghị Bộ Tư pháp Việt Nam giới thiệu về Hiến pháp 2013 tại Hội nghị này là nhằm có được thêm kinh nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Hiến pháp của Lào. Chia sẻ tầm quan trọng của Hội thảo này với báo giới trước giờ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lào Cha - Lơn Nhia- Pao - hơ nhấn mạnh “Đây là cơ hội quý để Lào học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng Hiến pháp, đặc biệt là những điểm mới trong Hiến pháp 2013 của Việt Nam. Hội nghị này càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Lào đang thực hiện Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị, trong đó có đẩy mạnh xây dựng pháp luật”.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã giới thiệu và trao đổi với Bạn các nội dung về bối cảnh và căn cứ sửa đổi, ban hành Hiến pháp năm 2013; khái quát quá trình nghiên cứu, dự thảo sửa đổi và thông qua Hiến pháp; những nội dung mới cơ bản của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Bộ trưởng nhấn mạnh “Hiến pháp năm 2013 là kết tinh trí tuệ và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và Nhà nước Việt Nam trong gần 30 năm kiên trì đường lối Đổi mới, gần 15 năm xây dựng và thực hiện các Chương trình tổng thể cải cách hành chính, Chiến lược cải cách tư pháp, Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.   Hiến pháp năm 2013 tạo cơ sở chính trị- pháp lý mang tính quyết định cho việc tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp ở Việt Nam, phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh”.

Nội dung về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và vai trò, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp cũng là nội dung quan trọng, được nhiều đại biểu Lào quan tâm và đặt nhiều câu hỏi. Đại diện Đoàn Bộ Tư pháp Việt Nam đã chia sẻ đầy đủ với Bạn về bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; các Nghị quyết  của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; Kế hoạch của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và; Kế hoạch và các hoạt động của Bộ Tư pháp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó nhấn mạnh việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 cần có chủ trương về lộ trình ưu tiên, trước mắt và lâu dài với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Về phía Bộ Tư pháp Việt Nam, Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành từ nay đến hết nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII, tập trung vào nhiều nhóm công việc lớn. 

 Đặc biệt, những khó khăn, thách thức trong việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam chia sẻ một cách cởi mở, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thống nhất nhận thức, hiểu về nội dung, quy định mới của Hiến pháp; cơ chế hiệu quả cho việc giải thích Hiến pháp; về đòi hỏi đổi mới tư duy lập pháp, tư duy quản lý sâu sắc từ lãnh đạo đến cán bộ công chức của mọi ngành, cải cách vì lợi ích chung. Việc thực hiện một chương trình đồ sộ về lập pháp, lập quy trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ khóa XIII đòi hỏi đổi mới cách làm luật, quyết tâm và đầu tư cao độ và phối hợp chặt chẽ của cả Quốc hội, Chính phủ, từng bộ, ngành , Tòa án và các cơ quan hữu quan, sự quan tâm giám sát và tham gia của Nhân dân….

Các buổi tiếp kiến lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ, thăm và làm việc với các cơ quan hữu quan của Lào

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào lần này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cùng đoàn cán bộ cấp cao tư pháp liên ngành Việt Nam đã tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Thong –Sing Tham – Ma – Vong;  chào Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou; thăm và làm việc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Các cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí ấm áp, cởi mở và thắm tình hữu nghị.

   

 

Tại các buổi tiếp kiến, Bộ trưởng Tư pháp hai nước đã báo cáo với Lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ Lào về kết quả Hội đàm và tổ chức Hội nghị đường biên lần thứ hai cũng như các cuộc gặp và làm việc với Chánh án TATC, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, Thủ tướng Chính phủ Thong –Sing Tham – Ma – Vong đánh giá cao kết quả hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước. Sự hợp tác này ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống keo sơn giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ của Bạn hoan nghênh việc tăng cường hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp trong diễn đàn ASEAN và quốc tế, đánh giá cao việc hợp tác giữa các tỉnh có chung đường biên và khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Lào, đặc biệt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường bày tỏ sự vui mừng được sang thăm và làm việc tại Lào lần này. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng bày tỏ sự cám ơn sâu sắc tới Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào đã dành những tình cảm tốt đẹp, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với nhân dân Việt Nam, cám ơn Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo để ngành Tư pháp hai nước tiếp tục phát huy mối quan hệ hợp tác đặc biệt này.

Về tình hình Biển Đông, xuất phát từ quan hệ đặc biệt giữa hai nước, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã chia sẻ các thông tin và sự thực một cách chân thành và tin cậy về tình hình vừa qua Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đánh giá cao và cám ơn Lào đã phối hợp với các nước ASEAN ra Tuyên bố chung về tình hình ở Biển Đông tại Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN 24) và các hội nghị liên quan vừa diễn ra ở Myanmar và Philippines; đặc biệt là việc Bộ Ngoại giao Lào đã có Công hàm ngày 23/6/2014 thể hiện quan điểm ủng hộ Việt Nam; mong muốn Lào và cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ, yêu cầu triệt để tuân thủ pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trước hết là yêu cầu Trung quốc phải kiềm chế, không tái diễn các hành dộng gây căng thẳng, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và DOC như vừa qua. 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhấn mạnh, trước việc Trung quốc gây nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định cùng an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, chủ trương của Việt Nam là đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, và đúng theo tinh thần DOC nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và an toàn hàng không ở Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam cũng quyết tâm giữ vững ổn định chính trị trong nước, hết sức kiềm chế để không xảy ra xung đột quân sự trên biển, đã tích cực liên hệ đối thoại với phía Trung Quốc ở nhiều cấp, với mong muốn hai bên kiềm chế, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình.

   

 

Thủ tướng Chính phủ Lào Thong –Sing Tham – Ma – Vong và Chủ tịch Quốc Hội Lào bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông; khẳng định lại quan điểm của Lào đã được nêu tại Công hàm số 349/MOFA.APA.2 ngày 23/6/2014 của Bộ Ngoại giao Lào cũng như tại Tuyên bố riêng về tình hình hiện nay ở Biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 và các hội nghị liên quan vừa diễn ra ở Myanmar, theo đó Lào khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, luôn ủng hộ các nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, Tuyên bố DOC, ủng hộ tuân thủ pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; sớm hoàn thành COC. Thủ tướng Chính phủ Lào một lần nữa khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, thăm Ngân hàng liên doanh Lào Việt (LaoVietBank), Văn phòng đại diện BIDV tại Lào

Tại các cuộc gặp gỡ Đại sứ và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, đại diện Ngân hàng liên doanh Lào Việt (LaoVietBank), Văn phòng đại diện BIDV – một trong những doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang đầu tư tại Lào, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của cơ quan đại diện của Việt Nam tại Lào đã góp phần tích cực vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào và mong rằng Đại sứ quán tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối quan trọng giúp các cơ quan tư pháp của hai nước tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác phát triển kinh tế, giúp đỡ lẫn nhau. Bộ trưởng cũng đã biểu dương các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, đặc biệt là BIDV đã khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả các dự án, đi đôi với việc làm tốt công tác an sinh xã hội và mong rằng các doanh nghiệp tiếp tục hội nhập, nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Lào và Việt Nam, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và có những hoạt động thiết thực hướng về quê hương đất nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Được thành lập năm 1999, sau 15 năm xây dựng, LaoViet Bank đã trở thành một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Lào, đứng thứ 2 về vốn điều lệ, thứ 4 về quy mô tổng tài sản. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Lào nói riêng gặp nhiều khó khăn, tác động không nhỏ đến hoạt động của LaoVietBank tuy nhiên kết quả hoạt động kinh doanh của LaoVietBank vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Kết quả hoạt động năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, tổng tài sản LaoVietBank đạt gần 600 triệu USD (tăng trưởng bình quân năm đạt trên 40%); tổng dư nợ tín dụng đạt trên 365 triệu USD (tăng trưởng bình quân năm đạt trên 35%); huy động vốn đạt trên 255 triệu USD... Bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh, LaoVietBank luôn đóng vai trò là ngân hàng đi đầu trong công tác an sinh xã hội tại Lào.

Cũng trong thời gian công tác tại Lào, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng một số cán bộ trong Đoàn công tác đã đến chia buồn sâu sắc với gia quyến và thắp hương tưởng nhớ cố Đồng chí Thongbanh Sengaphone, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ An ninh – người bạn, người đồng chí thân thiết của Bộ trưởng – bị tử nạn cách đây ít lâu cùng một số đồng chí lãnh đạo khác của Lào khi đang trên đường đi công tác.

Gắn kết thành tựu của nền Tư pháp hai nước với những bước phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác Tư pháp Việt – Lào

Sau 3 ngày làm việc tích cực và hiệu quả tại CHDCND Lào, ngày 31/7/2014,  Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Đoàn công tác đã rời Thủ đô Viêng chăn của Lào về  Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại CHDCND Lào.  

Nhìn lại chặng đường lịch sử 52 năm qua, đặc biệt là 32 năm  thực hiện Hiệp định Hợp tác về mặt pháp lý và tư pháp giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa DCND Lào, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào nói chung và hợp tác về pháp luật và tư pháp nói riêng ngày càng trở nên gắn bó keo sơn và phát triển sâu rộng, hiệu quả. Mỗi thành tựu đạt được của nền Tư pháp hai nước từ trước đến nay đều gắn liền với những bước phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hợp tác Tư pháp Việt - Lào. Quan hệ hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp địa phương, các cơ sở đào tạo Luật, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tư pháp của hai nước ngày càng được mở rộng và gắn bó. Các Bên đã ký và thực hiện hiệu quả nhiều văn kiện hợp tác các giai đoạn theo tinh thần đổi mới tư duy, tạo ra những đột phá mới để phát triển quan hệ đặc biệt hợp tác tư pháp Việt - Lào.

   

Những kết quả tốt đẹp đạt được trong chuyến thăm và làm việc tại Lào của Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng chính là tiền đề để mở ra một chặng đường hợp tác mới, lâu dài giữa hai Bộ, hai Ngành Tư pháp và rộng ra là giữa những người làm nghề Tư pháp của hai nước. Hai bên đều nhận thức sâu sắc rằng, quan hệ tư pháp nói riêng và quan hệ Việt Nam - Lào nói chung đã trở thành quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước và là tài sản vô giá của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần được giữ gìn và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. Chủ tịch Cayson Phomvihan từng khẳng định: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông.” Chuyến thăm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã góp phần quan trọng đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước.

Đặng Hoàng Oanh - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp