Diễn đàn đối thoại chính sách về “Pháp luật hình sự trong thời kỳ hội nhập tại Việt Nam”

Diễn đàn đối thoại chính sách về “Pháp luật hình sự trong thời kỳ hội nhập tại Việt Nam”

Trong khuôn khổ dự án "Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam" do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, ngày 29/8/2013 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách về "Pháp luật hình sự trong thời kỳ hội nhập tại Việt Nam". Tham dự Diễn đàn gồm có các đại biểu đến từ Bộ Tư pháp, đại diện Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, Văn phòng trung ương Đảng, Ủy ban pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, đại diện một số bộ, ngành, địa phương và đại diện cơ quan ngoại giao một số nước, đại diện của các tổ chức quốc tế... Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp và bà Louise Chamberlain - Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn.

Diễn đàn đối thoại chính sách về "Pháp luật hình sự trong thời kỳ hội nhập tại Việt Nam" là diễn đàn để các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề về chính sách hình sự đang diễn ra tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

 

   

Bộ luật Hình sự năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ ngày 01/7/2000, sau khi ra đời Bộ luật Hình sự là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo về lợi ich của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân. Sau 12 năm triển khai thi hành, đến nay cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế của đất nước, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã có nhiều bất cập như: (i) Một số quy định của Bộ luật Hình sự không rõ ràng, một số nhóm tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành hoặc chỉ có hướng dẫn về một vài tội riêng lẻ (nhóm các tội về môi trường, nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, nhóm các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân; nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp...); (ii) Những hành vi nguy hiểm cho xã hội đã và đang xảy ra cần phải xử lý nhưng chưa được Bộ luật Hình sự quy định (hành vi mua bán nội tạng người, giới thiệu trẻ em làm con nuôi để trục lợi, thành lập hoặc tham gia các băng nhóm tội phạm theo kiểu "xã hội đen"...); (iii) Những vướng mắc, bất cập xuất phát từ nhu cầu hội nhập quốc tế chưa được quy định tại Bộ luật Hình sự: Trách nhiệm hình sự của pháp nhân (Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ truy cứu đối với cá nhân người phạm tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, trong khi thực tiễn nhiều tổ chức, doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận đã có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân...); một số hành vi nguy hiểm phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế nhưng vẫn chưa được hình sự hóa hoặc chưa được hình sự hóa một cách đầy đủ (hành vi lợi dụng bán hàng đa cấp để chiếm đoạt tiền, tài sản, hành vi mua bán trái phép các bộ phận cơ thể người...).

 

   

Việc sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự năm 1999 là cần thiết để đáp ứng yêu cầu trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Tại Diễn đàn, một số vấn đề được các đại biểu quan tâm, đề xuất cho lần sửa đổi này: Hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình; tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội; nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

 

1. Hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình

 

Hình phạt tử hình là hình phạt thể hiện tính nghiêm khắc nhất của Bộ luật Hình sự. Việc tuyên thi hành án tử hình đối với bị cáo không cho phép bị cáo có cơ hội sửa chữa sai lầm của mình, đồng thời còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không thể khắc phục được những sai sót của cơ quan tố tụng khi xét xử oan người vô tội. Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành án tử hình trên thực tế. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, trong lần sửa đổi này, Việt Nam sẽ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng hạn chế hình phạt tử hình, chỉ áp dụng đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng, đồng thời nghiên cứu khả năng áp dụng chế định hoãn thi hành án tử hình để góp phần giảm việc thi hành án trên thực tế cho phù hợp với điều kiện của nước ta.

 

2. Tiếp tục hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên phạm tội

 

Việc hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên được các đại biểu và các chuyên gia quan tâm. Người chưa thành niên là người chưa ổn định về tâm lý, sinh lý, thiếu kinh nghiệm sống do đó chưa có khả năng đánh giá và nhận thức đúng đắn sự việc. Những người ở độ tuổi hay có những hành động bột phát, cảm tính, có thể có những hành vi rất nguy hiểm. Tuy nhiên, trẻ em là những đối tượng cần được bảo vệ, chỉ áp dụng biện pháp tước quyền tự do đối với những người chưa thành niên khi đây là biện pháp cuối cùng. Về vấn đề này, Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung theo hướng hoàn thiện đảm bảo lợi ích tốt nhất cho các em, hạn chế khả năng áp dụng hình phạt tù, bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện để tạo cơ hội cho người chưa thành niên trở về hòa nhập với cộng đồng; nghiên cứu bổ sung quy định về áp dụng biện pháp xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đại biểu Trần Công Phàn - Phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì cần có Tòa chuyên trách về xét xử những vụ án liên quan đến người chưa thành niên, đội ngũ cán bộ, thẩm phán  ở Tòa này phải có kiến thức, hiểu biết một cách đầy đủ  về người chưa thành niên. Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra cũng cần có lực lượng chuyên trách vè giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên. Đại biểu đại diện UNICEF cũng cho rằng Chính phủ Việt Nam trong quá trình sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này cần ghi nhận các biện pháp hỗ trợ những đối tượng là vị thành niên, các dịch vụ xã hội cũng như con người có hiểu biết về đối tượng này, để đạt được hiệu quả cao trong việc bảo vệ, giúp đỡ, giáo dục người chưa thành niên.

 

3. Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân

 

Theo bà Zhuldyz Akisheva - Giám đốc quốc gia Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc thì Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân người phạm tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, trong khi đây là nội dung rất quan trọng của pháp luật hình sự nhiều nước trên thế giới. Thực tế ở nước ta đã có nhiều tổ chức kinh tế thực hiện hành vi trái pháp luật có tính chất tội phạm (đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu, gây ô nhiễm môi trường...) gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, cho nền kinh tế, cho sức khỏe của người dân nhưng chỉ bị xử lý bằng các chế tài hành chính, kinh tế, dân sự không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. Vì vậy cần nghiên cứu khả năng bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ luật Hình sự.

 

Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đánh giá cao những đóng góp của các vị đại biểu. Diễn đàn đã gợi mở nhiều hướng để những nhà làm luật tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự lần này, hướng tới hoàn thiện pháp luật về hình sự.

 

Nguyễn Thị Vinh