Không yêu cầu phải hợp pháp hóa quan hệ hôn nhân đồng tính
Ông Lê Quang Bình (Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường) cho biết, chưa có cuộc điều tra nào ước lượng số người là đồng tính ở Việt Nam. Có nhiều nghiên cứu khác nhau nhưng cho các tỉ lệ khác nhau, biến động từ 1- 9% người ở độ tuổi sinh hoạt tình dục tự nhận họ là người đồng tính và song tính. Nếu lấy tỷ lệ trung bình, “an toàn” mà nhiều nhà khoa học thừa nhận là 3% thì số người đồng tính và song tính tạm tính ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15 đến 59 vào khoảng 1,65 triệu người.
Còn trên thế giới, Giáo sư chuyên ngành pháp luật so sánh về xu hướng tính dục người Hà Lan Kees Waaldijk thừa nhận, tỷ lệ người đồng tính trong dân số cũng chỉ là thiểu số so với người dị tính. “Tuy nhiên, tương tự như chủ trương của Việt Nam về bảo vệ quyền của đồng bào dân tộc thiểu số thì những người đồng tính dù ít bao nhiêu chăng nữa cũng không thể loại bỏ họ ra khỏi xã hội, đặc biệt là quyền có các mối quan hệ, trong đó có quan hệ hôn nhân” – ông Waaldijk nhấn mạnh.
Cũng theo GS người Hà Lan, pháp luật quốc tế hiện hành không yêu cầu pháp luật quốc gia phải hợp pháp hóa quan hệ hôn nhân đồng tính. Quan hệ này chủ yếu do pháp luật mỗi nước điều chỉnh như Hà Lan, Nauy, Canada… cho phép kết hôn đồng tính hay Anh, Pháp, Đức… cho phép đăng ký kết đôi, một số nước châu Âu khác như Hungary và châu Phi, châu Mỹ cũng có hình thức công nhận nào đó. Nhưng vẫn có tới 37 quốc gia quy định hình sự hóa quan hệ đồng tính, bất chấp xu hướng phổ biến phi hình sự hóa của quốc tế. “Việt Nam không hình sự hóa quan hệ đồng tính và đang là quốc gia châu Á đầu tiên tính đến hôn nhân đồng tính. Như vậy, các bạn đang tiến đến rất nhanh ở góc độ quyền con người” – GS Waaldijk nhận định.
Cần những bước đi thận trọng
Tại Hội thảo, một đại diện của những người LGBT bày tỏ, khi được hỏi ước mơ về cuộc sống trong 10 năm tới, những người LGBT mong muốn được sống với chính mình, được học tập, làm việc, được là một phần của xã hội, đặc biệt là được chung sống, kết hôn với người mình yêu. “Với bổn phận, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ quyền của mỗi con người, mỗi công dân thì cộng đồng chúng tôi không phải đợi đến 10 năm như thế” – vị đại diện này thiết tha nói.
Phụ huynh của một người thuộc cộng đồng LGBT ở TP.HCM chia sẻ: “Khi biết sự thật con tôi là người đồng tính, tôi vô cùng hoang mang vì chồng tôi là người Hoa vốn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, con tôi lại là đích tôn của dòng họ. Sau đó, tôi đã tìm hiểu rất nhiều về cộng đồng người đồng tính, biết được con mình phải chịu nhiều áp lực lắm, nếu mình là mẹ mà không thông cảm với con mình thì còn ai thông cảm được. Tôi đã thuyết phục gia đình chấp nhận để con sống theo ý thích tự nhiên của nó vì hôn nhân là hạnh phúc riêng tư của mỗi người”. Bà mẹ còn nêu tâm tư, nguyện vọng đối với người làm luật là cần thiết phải điều chỉnh mối quan hệ hôn nhân đồng tính bởi không điều chỉnh thì người ta vẫn sống chung với nhau, trong khi chúng ta luôn vận động người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thừa nhận hôn nhân đồng tính ở thời điểm này là chưa phù hợp do tập quán, văn hóa gia đình Việt Nam chưa kịp thích ứng mà nên có những bước đi thận trọng. Điển hình như Hà Lan, dù là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép kết hôn đồng tính song nhìn lại cho thấy Hà Lan phải mất tới hơn 20 năm cho quá trình suốt từ năm 1979 đến năm 2001 để “ra” được kết quả cuối cùng đó mà nói như GS Waaldijk là “tránh kinh thiên động địa”.