Cho ý kiến về Đề án “Xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”, Thường trực Ban Chỉ đạo cơ bản tán thành với những lý do về sự cần thiết phải xây dựng Đề án. Tuy nhiên, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, Đề án còn chưa xác định đầy đủ nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong đào tạo cán bộ pháp luật cho cơ quan tư pháp theo yêu cầu Nghị quyết 49 - NQ/TW của Bộ Chính trị; đặc biệt, chưa xác định rõ các tiêu chí để phấn đấu thành trường trọng điểm; nhiệm vụ đào tạo chưa gắn với mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp; mục tiêu của mỗi giai đoạn chưa thể hiện sự phát triển rõ nét mang tính đột phá về chất lượng đào tạo, trách nhiệm đầu tư của Nhà nước với việc “xã hội hóa” công tác đào tạo... Theo đó, đề nghị bổ sung quan điểm phải đảm bảo đa ngành theo yêu cầu xã hội nhưng trọng tâm là đào tạo cán bộ cho các cơ quan tư pháp, theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến 2020.
Đại diện của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao cũng chỉ ra, Đề án chưa phản ánh và luận giải được những nhược điểm về chất lượng đào tạo; chưa phản ánh rõ nguyên nhân của tình trạng còn nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm, hoặc làm trái nghề; sinh viên ra trường chưa muốn về công tác ở các cơ quan tư pháp. Vì vậy, cần đánh giá chính xác về thực trạng và năng lực của hai trường, đồng thời đưa ra các phương hướng, giải pháp thu hút nguồn nhân lực vào các cơ quan tư pháp.
Liên quan đến Dự thảo báo cáo Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp và công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ pháp luật của TAND, VKSND, Thường trực Ban chỉ đạo nhận thấy, dự thảo Báo cáo đã được xây dựng khá công phu, đã hệ thống hóa được các chủ trương của Bộ Chính trị và quan điểm của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp liên quan về công tác đào tạo các chức danh tư pháp. Đa số thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Học viện Tư pháp tiếp tục đào tạo nghề nghiệp chung cho 3 chức danh: Thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư để 3 chức danh này có mặt bằng chung về kiến thức, chính trị, tư tưởng, pháp luật, kỹ năng và đạo đức hành nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các chức danh này cùng thực hiện tốt hoạt động tố tụng nằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; mở rộng nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên và luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan Trung ương theo định hướng của Đảng; không giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân luật chuyên ngành cho Tòa án và Viện kiểm sát...
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, cần phải có sự đánh giá cụ thể đào tạo của Học viện Tư pháp đối với 3 chức danh: Thẩm phán, kiểm sát, luật sư cả về thực trạng và cơ sở lý luận, việc đào tạo bồi dưỡng của hai trường cán bộ Tòa án và Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát; đồng thời, dự báo nhu cầu tuyển dụng cán bộ pháp luật và đào tạo nghề nghiệp cho cán bộ có chức danh tư pháp của hai ngành Tòa án và Kiểm sát để có sự phân công phù hợp.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, trong thời gian qua, hai trường Đại học Luật Hà Nội và trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp nguồn nhân lực quan trọng cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trình độ cán bộ pháp chế nhìn chung còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội, trong đó có trách nhiệm của ngành tư pháp và hệ thống các trường đào tạo người làm công tác pháp luật. Do vậy, việc xây dựng hai trường trên thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật là cần thiết.
Trước nhu cầu về đào tạo cán bộ pháp luật, hai trường cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đáp ứng khả năng tranh tụng quốc tế và am hiểu pháp luật có yếu tố nước ngoài. Trước mắt, cần chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên vững về chuyên môn, bản lĩnh chính trị; cập nhật giáo trình, và chương trình đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế; mặt khác, nghiên cứu bổ sung thêm chế độ “cử tuyển”, đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu đề ra...
Về việc phân công nhiệm vụ đào tạo nghề cho cán bộ có chức danh tư pháp và công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ pháp luật của TAND, VKSND, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, cần phải đánh giá thực trạng đào tạo và đào tạo lại, cũng như nhu cầu đào tạo các chức danh tư pháp trong tương lai, để có sự phân công cho phù hợp với thực tế.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc kỹ, tổng hợp ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo và cơ quan liên quan để trình Bộ Chính trị cho ý kiến./
Đầu mối liên hệ: Nguyễn Văn Đoàn, Văn phòng Ban Chỉ đạo CCTPTW, email: nguyenvandoanhn@gmail.com