Tại Hội thảo, GS. TS. Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, đã giới thiệu chung về hệ thống tổ chức tổng thể của ngành Tư pháp hiện nay của Việt Nam và đưa ra một vài kiến nghị trong vấn đề đẩy mạnh xã hội hoá về dịch vụ tư pháp, giám định tư pháp. Đồng chí Cao Xuân Phong, Trưởng Ban Nghiên cứu pháp luật quốc tế, Luật so sánh và Quyền con người đã trình bày tóm tắt Báo cáo so sánh về chức năng và nhiệm vụ của Bộ Tư pháp các nước, trong đó tập trung vào một số chức năng cụ thể, từ đó rút ra bài học, kinh nghiệm cho Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế cũng lần lượt chia sẻ thông tin về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp các nước Pháp, Canada và Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã tập trung vào các chuyên đề của các chuyên gia Việt Nam: “Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 93/2008/ND-CP ngày 22/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp do đồng chính Đinh Văn Lộc, Vụ Tổ chức cán bộ; “Xã hội hoá dịch vụ công trong ngành Tư pháp hiện nay – Thực trạng và giải pháp” của TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện Khoa học Pháp lý; và “Chức năng, vị trí của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực tư pháp” của TS. Nguyễn Văn Tuân, Tổng biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
Tại hội thảo, các đại biểu đã sổi nổi thảo luận, trao đổi về các chức năng của Bộ Tư pháp các nước, trong đó có sự so sánh, học hỏi và ứng dụng các chức năng, nhiệm vụ đó tại Việt Nam. Các phần thảo luận chủ yếu tập trung vào vấn đề chuyển Viện Công tố sang Bộ Tư pháp quản lý, vấn đề đào tạo các chức danh pháp luật, quản lý các trường đào tạo chức danh pháp luật, giám định tư pháp, nhiệm vụ và chức năng của các cơ quan tư pháp địa phương...
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đã đưa ra kết luận tập trung vào các vấn đề sau: Thứ nhất, những chức năng, nhiệm vụ hiện nay mà Bộ Tư pháp đang đảm nhận và thực thi tốt thì cần phải phát huy. Một trong những chức năng và nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu của Bộ Tư pháp là chức năng xây dựng pháp luật – đây sẽ là nền tảng để xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật vững mạnh, khả thi, tạo tiền đề để hoàn thiện bộ máy Nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp còn đóng vai trò là cơ quan đầu mối và chủ trì việc theo dõi thi hành pháp luật. Trên thực tế, vấn đề thi hành pháp luật hiện nay còn nhiều vướng mắc cần được giải quyết, khắc phục trong thời gian tới. Do vậy, thi hành pháp luật phải là một trong những chức năng cần được chú trọng và phát huy của Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng cần phải chú trọng và phát huy tốt hơn chức năng là cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm về các vấn đề về nhân quyền, hộ tịch, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp... Thứ hai, đối với định hướng mới về các chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong thời gian tới, cần sàng lọc một số chức năng và nhiệm vụ theo hướng xã hội hoá để bảo đảm tính cạnh tranh và công bằng trong xã hội (chẳng hạn như dịch vụ tư pháp hành chính, đấu giá, giám định tư pháp...). Và cuối cùng, cần nghiên cứu thêm một số chức năng và nhiệm vụ khác của Bộ Tư pháp để bảo đảm tính phù hợp của các chức năng, nhiệm vụ này. Cụ thể như vấn đề đào tạo chức danh tư pháp tại các trường đào tạo, học viện nên giao cho Bộ Tư pháp quản lý; hay vấn đề chuyển viện công tố sang Bộ Tư pháp./.
Đầu mối liên hệ: Hà Tú Cầu, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, điện thoại: 0913000202, email: cauht@moj.gov.vn