VI. Sự cần thiết gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư của Việt Nam
Từ các nội dung đánh giá nêu trên, có thể rút ra những ý nghĩa và sự cần thiết của việc gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư của Việt Nam, cụ thể là:
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng vào các sân chơi quốc tế, các mối quan hệ có yếu tố nước ngoài về dân sự, lao động, kinh doanh thương mại... đã liên tục phát triển một cách khá mạnh mẽ. Đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam trong những năm vừa qua không ngừng tăng lên. Số lượng khách du lịch nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam cũng tăng lên đáng kể. Cùng với đó, hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch, lao động, kết hôn, học tập, chữa bệnh tại nước ngoài của công dân và doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang trở nên phổ biến và ngày càng gia tăng. Đặc biệt, Việt Nam đang hướng đến cột mốc xây dựng Cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015, nỗ lực đàm phán Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), nỗ lực hoàn tất Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, các giao lưu dân sự, thương mại và kinh tế quốc tế sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển của quá trình hội nhập quốc tế đó, các tranh chấp về dân sự, kinh tế, thương mại có yếu tố nước ngoài cũng sẽ ngày càng gia tăng về số lượng và phức tạp, đa dạng hơn về nội dung Sự xung đột về pháp luật giữa các hệ thống pháp luật khác nhau là khó tránh khỏi (vì ngay trong một hệ thống pháp luật còn có những mâu thuẫn, xung đột), do đó, trong điều kiện kinh tế toàn cầu, chúng ta cần tạo ra các động lực phát triển kinh tế, thu hút đầu tư v.v…, mà trong đó điểm then chốt là cần thiết phải có sự hài hòa hòa, nhất thể hóa pháp luật tư, tạo môi trường kinh doanh trên cơ sở những văn bản mang tính pháp lý quốc tế được các Bên liên quan cùng tán đồng, nhất trí. Vì vậy, việc tăng cường hợp tác với các nước trong lĩnh vực tư pháp quốc tế để xây dựng cơ sở pháp lý quốc tế điều chỉnh các vấn đề này là thực sự cần thiết. Để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng chung của thế giới là tham gia các thiết chế đa phương về tư pháp quốc tế như UNIDROIT, Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế, Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL). Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Lahay, việc gia nhập UNIDROIT - với tư cách là một tổ chức có mối quan hệ chặt chẽ với Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế vì cùng tham gia dự án về các nguyên tắc đề xuất lựa chọn luật và vì trong cùng một mạng lưới về tư pháp quốc tế, đồng thời cũng có quan hệ chặt chẽ với UNCITRAL (mặc dù với mức độ thấp hơn so với Lahay) với nhiều nội dung có chủ đề giống nhau - sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Tham gia các thiết chế đa phương về tư pháp quốc tế chính là biện pháp mang tính tổng thể, lâu dài, tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh, giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế, thương mại quốc tế đang ngày càng gia tăng. Các thiết chế đa phương (bao gồm Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư và Ủy ban của Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế) được nhiều quốc gia tại các châu lục đánh giá là chuẩn mực chung của cộng đồng quốc tế, đã được trải nghiệm trong thời gian dài và được sử dụng làm cơ sở để cải cách thể chế kinh tế thị trường của nhiều nước, trở thành động lực để nhiều nền kinh tế bứt phá đi lên, trong đó nhiều quốc gia đã trở thành các cường quốc về kinh tế.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Việt Nam hiện nay đang xây dựng thể chế kinh tế thị trường, theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, việc Việt Nam tiến hành nghiên cứu khả năng gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư là cần thiết trong bối cảnh hiện nay với những lý do sau:
Thứ nhất, chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước đã khẳng định: quá trình hội nhập đòi hỏi phải tiến dần đến sự hài hòa về mặt pháp luật. Việc nghiên cứu gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp quốc tế, đặc biệt trong việc hài hòa hóa hệ thống pháp luật trong nước với các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Đồng thời, việc gia nhập cũng thể hiện sự sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với các nước trong khu vực nói riêng và các nước trên thế giới nói chung để cùng nhau giải quyết những xung đột phát sinh trong đời sống pháp lý quốc tế; thể hiện sự tham gia tích cực, chủ động thông qua việc tham gia trực tiếp các cơ chế đa phương, đóng góp các sáng kiến, xây dựng các hệ công ước; thể hiện sự hội nhập, chín muồi trong việc nắm bắt và tuân thủ các luật chơi quốc tế như Nghị quyết Đại hội biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước với “phương châm là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ mở rộng tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, trách nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu…”.
Thứ hai, UNIDROIT là diễn đàn để các nước thể hiện quan điểm, lập trường, xây dựng cơ sở pháp lý chung điều chỉnh các quan hệ tư pháp quốc tế phát sinh từ các truyền thống pháp luật khác nhau trên thế giới. Khi gia nhập tổ chức này, Việt Nam sẽ được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các nền tảng pháp lý quốc tế đa phương trong lĩnh vực tư pháp quốc tế đang ngày càng phát triển, qua đó đưa được quan điểm, tiếng nói của Việt Nam đến với trường quốc tế, góp phần xây dựng và nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong hoạt động hợp tác về tư pháp quốc tế ở cấp độ toàn cầu. Việc Việt Nam gia nhập UNIDROIT trong bối cảnh ASEAN cũng đang đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về tư pháp cũng sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác của khối ASEAN với quốc tế.
Thứ ba, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách tư pháp và cải cách pháp luật, việc gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư sẽ góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tư pháp quốc tế thông quan việc tiếp thu và chuyển tải vào hệ thống pháp luật trong nước những quy định mới, hiện đại về tư pháp quốc tế của UNIDROIT, góp phần xây dựng các điều ước quốc tế mới về tư pháp quốc tế, đưa hệ thống pháp luật của Việt Nam đến gần và phù hợp hơn với các chuẩn mực của hệ thống pháp luật quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự hài hòa hóa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế chính là một trong những yếu tố quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại và dân sự của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, qua đó thúc đẩy hội nhập quốc tế của đất nước.
Thứ tư, gia nhập UNIDROIT sẽ giúp đội ngũ cán bộ Việt Nam có cơ hội tham gia vào hoạt động xây dựng các quy định pháp lý quốc tế ở tầm đa phương, thiết lập các quan hệ và giao lưu với đội ngũ chuyên gia pháp lý có trình độ đến từ nhiều hệ thống pháp luật khác, qua đó góp phần xây dựng lực lượng cán bộ về tư pháp quốc tế cho Việt Nam, giúp nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Việt Nam về tư pháp quốc tế. Các văn bản của UNIDROIT rất có ý nghĩa trong công tác nghiên cứu khoa học pháp lý và giảng dạy tại các trường đại học vì đã đưa ra những cơ sở chung nhất giữa các hệ thống pháp luật trên thế giới với những so sánh sâu sắc từ các diễn đàn của những người làm công tác pháp luật từ các hệ thống tư pháp khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu về UNIDROIT một mặt sẽ giúp cho những người làm công tác pháp luật có cơ sở so sánh giữa các hệ thống pháp luật, mặt khác có thể đánh giá được mức độ hệ thống pháp luật quốc gia đáp ứng các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Nếu làm tốt được điều này, Việt Nam sẽ sớm hòa nhập với đời sống pháp lý quốc tế ngày càng thay đổi như hiện nay.
Thứ năm, việc gia nhập UNIDROIT sẽ góp phần tạo cơ sở thuận lợi cho tiến trình gia nhập các Công ước thuộc UNIDROIT của Việt Nam (xem Phụ lục đính kèm), thuận lợi khi xây dựng các hồ sơ trình gia nhập các công ước UNIDROIT quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với Việt Nam khi hội nhập quốc tế.
Nói tóm lại, trước bối cảnh tình hình quốc tế và Việt Nam nay, việc nghiên cứu gia nhập Viện quốc tề về nhất thể hóa luật tư là bước đi cần thiết. Đến nay, hành trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã trải qua gần 30 năm kể từ khi Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa nền kinh tế. Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào tất cả các kênh hội nhập chính: từ việc tham gia vào các hợp tác song phương và khu vực như ASEAN, APEC, ASEM…, đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), cho đến việc tham gia vào hợp tác đa phương với tư cách là thành viên của WTO và đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có mức độ mở cửa và hội nhập cao như RCEP, TPP... Việt Nam cũng đang nỗ lực triển khai Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020 trong đó trọng tâm là tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế toàn diện mà trọng tâm là hội nhập kinh tế, thực hiện hiệu quả các cam kết kinh tế quốc tế. Do đó, việc gia nhập UNIDROIT của Việt Nam sẽ có rất nhiều thuận lợi, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đặt ra.