Chuyên đề: SỰ CẦN THIẾT GIA NHẬP VIỆN QUỐC TẾ VỀ NHẤT THỂ HÓA PHÁP LUẬT TƯ (phần 3)

Chuyên đề: SỰ CẦN THIẾT GIA NHẬP VIỆN QUỐC TẾ VỀ NHẤT THỂ HÓA PHÁP LUẬT TƯ (phần 3)

23/3/2015

 

IV. Những mục tiêu có thể đạt được khi gia nhập Viện quốc tế nhất thể hóa pháp luật tư

Việc gia nhập UNIDOIT sẽ góp phần đạt được hai mục tiêu cơ bản sau đây: i) Tạo cơ sở pháp lý quốc tế cho các quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp quốc tế của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế; ii) Hoàn thiện thể chế, pháp luật, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam trên cơ sở tham khảo các chuẩn mực và thực tiễn pháp lý tốt nhất trên thế giới. Việc đạt được các mục tiêu trên sẽ góp phần thiết thực, hiệu quả vào việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu đầu tư công, khuyến khích các hoạt động đầu tư tư nhân và các hoạt động hợp tác công - tư.

Hơn thế nữa, việc xây dựng Đề án gia nhập Tổ chức này còn góp phần thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, về cải cách tư pháp, cải cách pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển nội tại của các quan hệ dân sự, kinh tế có yếu tố nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời, việc gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư cũng hoàn toàn phù hợp với xu hướng hợp tác về tư pháp quốc tế hiện nay trong khu vực và trên thế giới, khi mà các quan hệ đối tác luôn xoay xung quanh trục hợp tác kinh tế quốc tế, trên cơ sở các luật lệ quốc tế chung.

Việc xây dựng Đề án gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư không nằm ngoài mục tiêu đem lại cho Việt Nam những lợi ích chung to lớn trong phát triển hợp tác quốc tế, lấy cơ sở hợp tác pháp luật và tư pháp làm nền tảng vững chắc và là cơ sở thúc đẩy cho sự phát triển hợp tác kinh tế quốc tế, đồng thời cũng đem lại những lợi ích quan trọng trong lĩnh vực tư pháp, đặc biệt là trong nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật một khi trở thành thành viên chính thức của UNIDROIT. 

            V. Kinh nghiệm của các cường quốc về sự cần thiết gia nhập Viện quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư  

            1. Trung Quốc

Việc tham gia UNIDROIT của Trung Quốc không chỉ bắt nguồn từ các hoạt động lập pháp, hoạt động nghề nghiệp của luật sư, các học giả mà xuất phát từ chính nhu cầu phát triển kinh tế của Trung Quốc với nhận thức kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc nhất thể hóa pháp luật. Trung Quốc sớm nhận thức được sự cấp thiết của việc gia nhập Viện Quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư trong điều kiện toàn cầu hóa, thực hiện chính sách mở cửa (năm 1979), đặc biệt là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Để phát triển kinh tế, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng thể chế về kinh tế, thương mại với nước ngoài (với 253 Luật), đồng thời tích cực gia nhập nhiều Công ước quốc tế trên cả lĩnh vực công pháp và tư pháp quốc tế. Sự tham gia tích cực của Trung quốc vào kinh tế quốc tế thể hiện rõ hơn ở việc Trung Quốc tham gia ngày càng sâu, rộng vào các tổ chức quốc tế như trở thành viên của UNIDROIT với những nỗ lực rất cụ thể nhằm xây dựng nên các luật đồng bộ.

Bộ Nguyên tắc UNIDROIT và Công ước của Liên Hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đã tác động tích cực đến việc thay đổi Luật Hợp đồng ở Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc đã đưa rất nhiều quy định của các Nguyên tắc UNIDROIT vào Luật Hợp đồng và pháp luật về trọng tài thương mại. Mặc dù luôn bảo vệ nguyên tắc hội nhập theo “màu sắc” Trung Quốc, bảo đảm tốt nhất lợi ích kinh tế, không làm xâm phạm tới các lợi ích công và dù rất khắt khe trong các trường hợp xung đột luật, Tòa án Trung Quốc đã cân nhắc áp dụng các Nguyên tắc UNIDROIT như luật do các bên lựa chọn mà không phải là trích dẫn hay nguồn tham khảo trong quá trình xét xử.

Các công ước và luật mẫu của UNIDROIT không những giúp Trung Quốc mở cửa để nhìn nhận sự phát triển của pháp luật trên thế giới mà còn giúp làm giảm sự khác biệt của hệ thống pháp luật trong nước so với các tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế và là cơ sở vững chắc để tham gia các công ước quốc tế trong lĩnh vực tư pháp quốc tế (Đến cuối thập niên 1980, Trung Quốc đã gia nhập 145 công ước quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về mua bán hàng hóa, Công ước về công nhận phán quyết của trọng tài, về bảo vệ sở hữu công nghiệp, về nhất thể hóa các quy tắc vận chuyển hàng không, về hàng không dân sự v.v…). Nhờ việc hài hòa hóa pháp luật, Trung Quốc đã phát triển quan hệ kinh tế với rất nhiều nước, bảo vệ được các doanh nghiệp của mình tại các nước, bảo đảm các quan hệ kinh tế trong các trường hợp có xung đột pháp luật, đồng thời phát triển các nguyên tắc kinh tế của mình; nền kinh tế Trung Quốc đã trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu, phát triển trên toàn thế giới. 

Việc tham gia UNIDROIT, tham gia thảo luận việc xây dựng các luật hợp nhất về thương mại quốc tế của Trung Quốc được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, nhiều cấp độ khác nhau, ví dụ: Chính phủ cử các đoàn đại biểu, chuyên viên tham gia các hội nghị của UNIDROIT, tham gia việc xây  dựng các luật mẫu của UNIDROIT. Một số trường hợp họ có thể không tham gia, nhưng ý kiến luôn được thực hiện đầy đủ. Đặc biệt, quan điểm của Trung Quốc đối với việc nhất thể hóa pháp luật tư rất cụ thể, mang tính lý luận và thực tiễn cao, xuất phát từ chính nhu cầu muốn bứt phát để phát triển của kinh tế Trung Quốc, cụ thể là:

Thứ nhất, sự tồn tại của các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới và những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trong các trường hợp có xung đột luật dẫn đến cần phải xây dựng các luật thống nhất; nếu không các bên sẽ mất cơ hội tham gia hợp đồng do thiếu hiểu biết pháp luật của nhau, hoặc khó thực hiện hợp đồng, có thể dẫn tới tranh chấp. Nhất thể hóa pháp luật sẽ giúp giải quyết vướng mắc này, vì vậy góp phần phát triển thương mại quốc tế;

Thứ hai, hệ thống thương mại quốc tế là một phần quan trọng của trật tự thương mại quốc tế. Sự tồn tại của hệ thống luật thương mại quốc tế ở một chừng mực nào đó dựa trên cơ sở của trật tự kinh tế thế giới cũ đã được định hình ở tại thời điểm mà đa số các nước đang phát triển đều đang ở thế yếu về kinh tế và chính trị. Thậm chí một số nước còn chịu sự thống trị của nước lớn và họ chỉ có thể vượt qua khó khăn để phát triển thương mại quốc tế ở trong thế giới hiện đại. Việc soạn thảo các luật hợp nhất phù hợp với tinh thần thiết lập trật tự kinh tế mới sẽ không chỉ giúp phát triển thương mại quốc tế mà còn giúp hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ duy trì chính sách mở cửa lâu dài và sẵn sàng mở rộng và phát triển các quan hệ kinh tế, thương mại, trao đổi kỹ thuật và hợp tác với các nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Chính sách mở cửa, độc lập và ngoại giao hòa bình của Trung Quốc khuyến khích việc nhất thể hóa luật thương mại quốc tế.

Thứ tư, đa số các tập đoàn kinh tế, thương mại từ các nước phát triển có quy mô nhỏ và trung bình và rất khó cho họ trong các hệ thống pháp luật khác nhau. Nhất thể hóa pháp luật có thể hạn chế khó khăn này, đồng thời có thể giúp loại bỏ cả khó khăn về bất đồng ngôn ngữ.   

Như vậy, với Trung Quốc, việc gia nhập tổ chức quốc tế này là hết sức thiết thực và hữu ích. Bên cạnh đó, cũng phải xét đến mối quan hệ của việc đề xuất gia nhập UNIDROIT với sự phát triển cộng đồng ASEAN trong giai đoạn hiện nay. Cùng với phát triển kinh tế, hoạt động hợp tác về pháp luật và tư pháp của ASEAN đang ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt kể từ Hội nghị Bộ trưởng tư pháp và pháp luật các nước ASEAN năm 2005 đã thông qua sáng kiến của Việt Nam “Tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại trong ASEAN”. Tại Diễn đàn pháp luật ASEAN về tương trợ tư pháp lần thứ 4 tại Hà Nội năm 2008, các nước trong khu vực ASEAN đã thống nhất quan điểm về nhu cầu hợp tác khu vực, tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại. Đồng thời, các quốc gia thành viên ASEAN cũng nhất trí cho rằng, trong điều kiện toàn cầu hoá, các tổ chức và các công ước quốc tế về tư pháp quốc tế như Hội nghị La Hay có vai trò to lớn, góp phần quan trọng vào việc giải quyết hiệu quả nhất nhu cầu hợp tác tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại. Việc gia nhập UNIDROIT cũng như Hội nghị Lahay sẽ góp phần tăng cường thực hiện các mục tiêu trên của ASEAN trong lĩnh vực tư pháp quốc tế.

2. Nga

Nước Nga rất mạnh mẽ trong việc áp dụng các nguyên tắc UNIDROIT. Các nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế được sử dụng như một nguồn quan trọng trong công tác lập pháp, trong việc xây dựng luật hợp đồng, Bộ luật dân sự, đặc biệt là Luật về trọng tài thương mại quốc tế năm 1993 ở Nga. Các Nguyên tắc UNIDROIT được áp dụng rộng rãi bởi Tòa án trọng tài thương mại quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga trong các trường hợp liên quan đến giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài. Các tòa án khi xét xử đối với các vụ việc cụ thể có trích dẫn những điểm tiến bộ, giải thích và bổ sung đối với cả các văn kiện pháp lý quốc tế và pháp luật trong nước. Điều 28 khoản 1 Luật trọng tài thương mại quốc tế Nga cho phép các bên được lựa chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp. Việc áp dụng các nguyên tắc UNIDROIT đảm bảo sự linh hoạt trong giải quyết các tranh chấp về hợp đồng giữa các doanh nghiệp của Nga với các doanh nghiệp các nước. Trong thời kỳ Liên Xô cũ, Luật dân sự của Nga không có các quy định liên quan tới thể chế kinh tế thị trường để giải quyết trách nhiệm phát sinh từ hợp đồng. Bộ luật Dân sự Nga được thông qua vào giữa những năm 1990 đã đưa các quy định của luật tư liên quan đến hợp đồng vào hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là các nguyên tắc chung cơ bản của luật tư trong hợp đồng, bao gồm các quy định liên quan đến giao dịch thương mại. Các quy định của UNIDROIT đã được đưa vào Bộ luật dân sự Nga trong điều kiện các doanh nghiệp và cộng đồng pháp lý chưa bao giờ trải nghiệm trong môi trường pháp luật tư, trong khi Nga rất đang cần phát triển kinh tế thị trường. Với việc áp dụng UNIDROIT, đến nay, doanh nghiệp và cộng đồng pháp lý của Nga đã hoàn toàn quen thuộc và thích ứng được với các quy định liên quan đến kinh tế thị trường, đặc biệt là các quy định về hợp đồng trong Bộ luật dân sự.

3. Nhật Bản

Tháng 10/2009, Bộ Tư pháp đã lấy ý kiến tham vấn Hội đồng lập pháp thuộc Bộ đối với việc sửa đổi Bộ luật dân sự phần về hợp đồng (bắt nguồn từ Bộ luật dân sự, trong khi đó, mà Luật dân sự của Nhật Bản lại ảnh hưởng một nửa từ Đức, đặc biệt là 3 chương đầu của Bộ luật, một nửa từ Pháp chưa nói đến những ảnh hưởng từ các luật của Áo, Hà Lan, Thụy Điển, Italia, Bỉ, Tây banha, Anh, Ấn độ, Hoa Kỳ…- ngay từ khởi đầu đã có sự giao thoa giữa các hệ thống pháp luật, do đó, việc sửa đổi Bộ luật dân sự đã được thực hiện trên cơ sở thực hiện các vấn đề liên quan đến luật so sánh vốn là thế mạnh của Unidroit. Đây chính là đặc điểm của các nước Châu Á trong xây dựng pháp luật, trong đó có Việt Nam, Bộ luật dân sự của Việt Nam cũng có ảnh hưởng nhiều từ luật dân sự của Nhật Bản, Pháp và Đức). Các nguyên tắc Unidroit với mô hình hiện đại cho luật hợp đồng, là cơ sở để Nhật Bản nghiên cứu sửa đổi Bộ luật dân sự.

Qua thực tiễn cải cách Bộ luật dân sự Nhật Bản cho thấy, dù ở bất cứ châu lục nào, các Nguyên tắc của Unidroit rất cần cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt là một nền kinh tế thị trường linh hoạt, đặc biệt là các nguyên tắc về thỏa thuận hợp đồng và nhiều nguyên tắc mà trong pháp luật của Nhật bản (và nhiều nước) không có như bất khả kháng (force majeure), khắc phụ hậu quả (repair and replacement of defective peformance), quyền trong tương lai (future righs trái quyền?) (plurality of obligees), trong khi thực tiễn đòi hỏi phải được điều chỉnh… Chính vì vậy mà các luật mẫu của Unidroit có sức ảnh hưởng trên toàn cầu. Việt Nam có nắm bắt được xu hướng này mới có thể tận dụng để phát triển kinh tế (từ các lĩnh vực dân sự: hợp đồng, trọng tài thương mại, đến văn hóa…).

Mặt khác các luật mẫu của Unidroit là cơ sở rất tốt để thực hiện so sánh luật (ở trên là ý nghĩa thực tiễn và đây là ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu khoa học pháp lý), đặc biệt là những khái niệm trong khoa học pháp lý hiện đại (như các khái niệm về trách nhiệm hợp đồng: obligation des moyens, obligation de résulatat… trong hợp đồng dịch vụ, Duty to achieve a specific result, Duty of best efforts…). Các quy định về thanh toán lợi ích, thiệt hại của Unidroit thường được chia ra các mức khác nhau tùy từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên, pháp luật Nhật Bản thường ấn định mức cố định, không bảo đảm sự linh hoạt và phù hợp trong từng trường hợp (giống Việt Nam), Tòa án Nhật Bản không được phép giảm số tiền mà 2 bên đã thỏa thuận trong trường hợp bồi thường thiệt hại do không thực hiện hợp đồng, trong khi đó các Nguyên tắc Unidroit cho phép giảm khi số tiền vượt quá tổng số do đó, thông qua việc nghiên cứu, so sánh các quy định của Unidroit, một số các quy định như nguyên tắc về việc giảm số tiền thỏa thuận đã được áp dụng.

Tuy nhiên, có một số trường hợp, Nhật Bản đã không áp dụng các nguyên tắc Unidroit do không phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, như các quy định về bất khả kháng sau thiệt hại về động đất năm 1995 và 2011, các luật sư Nhật Bản nhận thấy rằng có một số trường hợp việc trì hoãn nghĩa vụ thanh toán tiền cần phải được xử lý. Mặt khác, Nhật Bản là đất nước có truyền thống giải quyết tranh chấp thông qua con đường hòa giải hơn là qua xử lý bằng con đường tòa án, ngay cả các thẩm phán khi xử lý vụ việc cũng thích các giải pháp linh hoạt đối với từng vụ việc cụ thể hơn là các nguyên tắc bắt buộc, do đó nguyên tắc thiện chí, có lợi (good faith) thường được áp dụng mà ít đến chiều ngược lại là nguyên tắc áp dụng đối với trường hợp thỏa thuận không trên cơ sở thiện chí (bad faith negotiation). Cũng giống với Việt Nam đây là thói quen, văn hóa pháp lý đối với các quy định pháp luật.

Trận động đất kinh hoàng ngày 11/3/2011 tại Đông Bắc Nhật Bản đã ảnh hưởng tới tiến trình sửa đổi Bộ luật dân sự của Nhật Bản, ảnh hưởng tới tiến độ đóng góp vào dự thảo Bộ luật của công chúng và dự kiến thực hiện trong nhiều năm. Tuy nhiên, ý nghĩa và ảnh hưởng của việc cải cách này có tác động rất lớn vì đây được coi là Bộ luật tiêu biểu, mang tính điển hỉnh của việc nhất thể hóa luật hợp đồng của thế giới trong tương lai – nghĩa là Nhật Bản đã nắm bắt được xu hướng phát triển của thế giới về pháp luật hợp đồng trong tương lai với sự hợp nhất trên cơ sở so sánh các hệ thống pháp luật điển hình của Pháp, Đức, Anh-Mỹ và một khi liên quan tới pháp luật so sánh thì các nguyên tắc của Unidroit sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, thiết yếu trong nghiên cứu luật so sánh. 

4. Đức

Các luật sư Đức nhận thấy rằng không một hệ thống pháp luật nào có thể điều chỉnh và giải quyết mọi khía cạnh pháp lý, ngay cả Liên minh châu Âu cũng không thể hiểu hết được mọi luật của từng nước châu Âu để việc dịch được tương đồng, do đó các luật sư cần so sánh các luật để có thể áp dụng tốt nhất trong trường hợp cụ thể. So sánh giữa Unidroit và nhiều luật quốc gia khác trên thế giới thì: 1. Unidroit thường được coi là công cụ hữu hiệu trong đàm phán hợp đồng 2. Các nguyên tắc không những được sử dụng thuận lợi trong giải quyết của trọng tài thương mại mà còn giúp cho việc xét xử của tòa án các quốc gia.

Về bản chất, Unidroit có cơ cấu với nhiều khái niệm giống với pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới vì là kết quả của việc nghiên cứu, so sánh sâu giữa hệ thống pháp luật các nước. Unidroit cũng ảnh hưởng tới các nhà lập pháp các nước trong nhiều năm qua như Trung Quốc, Đức…. Luật pháp các nước có những quy định khác nhau, ví dụ: khái niệm về “thiệt hại” theo pháp luật Pháp thì phải “nhìn thấy trước – dự đoán được”, trong khi Luật của Đức thì phải được kiểm tra và mang tính “tương xứng”. Do đó, thường các bên mong muốn áp dụng một luật trung gian và các nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế được coi là rất hữu hiệu với vai trò là các nguyên tắc mang tính trung lập, làm trung gian trong giải quyết tranh chấp khi có sự xung đột giữa các hệ thống pháp luật của các nước. Có được điều này vì Unidroit là kết quả nghiên cứu các hệ thống pháp luật khác nhau với rất nhiều vụ việc cụ thể tương tự khác nhau.

5. Hoa Kỳ

Hoa Kỳ cùng lúc hướng tới việc tham gia đồng thời Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế và UNIDROIT. Những nỗ lực và kỳ vọng của Hoa Kỳ đối với việc nhất thể hóa pháp luật tư khi thực hiện dự án xây dựng một Bộ luật thương mại thống nhất đã gây nên sự chú ý của các nhà làm luật châu Âu và thị trường pháp lý châu Âu, đồng thời cũng tạo nên nhận thức mới của Hoa Kỳ về nỗ lực của các nước Tây Âu trong việc nhất thể hóa pháp luật tư kể từ cuối thế kỷ thứ 19 (Hội nghị Lahay đầu tiên nhóm họp vào năm 1893). Các luật sư Hoa Kỳ với tư cách là các quan sát viên phi chính phủ đã tham gia các kỳ họp của Hội nghị Lahay năm 1956 và 1960 và quan sát các hoạt động của Hội nghị Quốc Gia của các Ủy Viên về nhất thể hóa pháp luật nhà nước của Tổng thư ký UNIDROIT năm 1954, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực pháp luật của Hoa Kỳ. Trước hết, nó tác động đến mặt nhận thức của giới luật gia Hoa Kỳ. Vào năm 1963, tại phiên điều trần về HJ Res. 732 trước Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện, một đại diện của khu vực pháp lý tư nhân đã trích dẫn một đoạn từ Báo cáo năm 1961 của Ủy ban đặc biệt về nhất thể hóa tư pháp quốc tế của Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ, có chứa các khuyến nghị chính thức đầu tiên về việc Hoa Kỳ tham gia Hội nghị Lahay và UNIDROIT.

Trong bài phát biểu có đoạn viết: "Chúng tôi vì vậy tạo nên một bức tranh về sự chuyển động lớn và ngày càng tăng của người dân, hàng hóa, và tiền tệ mà dường như sẽ tiếp tục trong tương lai. Các vấn đề pháp lý phát sinh bởi những chuyển động này, nhất thiết phải liên quan đến việc áp dụng các quy định pháp luật khác nhau, là vô cùng phức tạp. Hầu như không cần thiết lập luận để chứng minh rằng sự đa dạng của các tiêu chuẩn pháp lý, sự không chắc chắn như những gì pháp luật được áp dụng, các quy định xung đột của pháp luật đối với một giao dịch có chức năng thống nhất - tất cả những điều này gây nên rủi ro cho thương nhân và nhà đầu tư, đòi hỏi chi phí dành cho nghiên cứu pháp luật và quan trọng nhất là, đòi hỏi một quản trị nội bộ phức tạp cho mỗi doanh nghiệp tham gia vào thương mại và đầu tư quốc tế. Chi phí kinh doanh gắn kết nhanh chóng nếu nhân viên được hướng dẫn, và đáng tin cậy, để đối phó với các hình thức khác nhau và các quy định cho các giao dịch tương tự đang diễn ra ở các nước khác nhau, và trong nhiều trường hợp không có đầy đủ kiến thức của một trong hai hệ thống pháp luật được áp dụng hoặc nội dung của pháp luật được lựa chọn để áp dụng." (quoting from "Unification of International Law," Report of the American Bar Association Special Committee on International Unification of Private Law, American Bar Foundation, July, 1961. See Hague Hearing, supra note 1, at 19)

Tiếp đến là xu hướng chuyển dịch hướng tới cộng đồng châu Âu đã tạo nên sự hài hòa hóa trong pháp luật của các nước châu Âu và thể hiện hệ thống pháp luật chung sẽ đại diện cho những nỗ lực nhất thể hóa của châu Âu. Người phát ngôn của Hiệp hội Luật quốc tế Hoa Kỳ Herbert C. Merillat, đã chỉ ra rằng hệ thống pháp luật chung với đại diện tại Hội nghị Lahay về tư pháp quốc tế và UNIDROIT cần phải được mở rộng thành viên hơn nữa để tạo nên một cộng đồng thương mại thế giới rộng lớn hơn.