Mười giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế

25/10/2010
Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và thế giới, ngày 29/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Những giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” với 10 giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô: điều hành một cách đồng bộ, hệ thống, linh hoạt và hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để bảo đảm kiểm soát lạm phát và những cân đối lớn trong nền kinh tế về tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng, tài chính, tín dụng, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán … cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: tăng cường cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tế của nền kinh tế; khuyến khích phát triển các hình thức liên kết hợp tác giữa các trường đại học, cơ quan, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực và khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường, tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước kết hợp với tăng cường xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế và chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài và sự tham gia của người dân để thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế và chăm sóc sức khỏe.

Thứ ba, tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ; điều chỉnh chính sách đầu tư nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia; tăng cường, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công cho cơ sở hạ tầng; tập trung vốn có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong đầu tư công.

Thứ tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành, tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, tỷ trọng giá trị gia tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên.

Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, các sản phẩm có giá trị kinh tế cao kết hợp với du lịch sinh thái và phát triển nghề truyền thống; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, tập trung ưu tiên phát triển công tác nghiên cứu, tạo ra những giống vật nuôi, cây trồng cho năng suất và hiệu quả cao; khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng nông sản tiêu thụ trong nước để thay thế hàng nhập khẩu.

Thứ năm, phát triển vùng kinh tế, cụm công nghiệp, khu công nghiệp: tập trung phát triển một số vùng kinh tế trọng điểm, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, đặc khu kinh tế có lợi thế so sánh về địa kinh tế kết hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành, hình thành chuỗi giá trị và mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh chuyên môn hóa, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: tổ chức rà soát, xây dựng và triển khai áp dụng nghiêm hệ thống quy định các yêu cầu bắt buộc về công nghệ, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo kỹ năng cho người lao động Việt Nam, bảo vệ môi trường; khuyến khích thu hút các dự án đầu tư hình thành mạng lưới liên kết sản xuất, kinh doanh, các ngành công nghiệp hỗ trợ để hình thành chuỗi giá trị.

Thứ bảy, đẩy mạnh phát triển hệ thống doanh nghiệp: có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tăng cường cải cách thể chế để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh; có cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực và ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất kinh doanh.

Thứ tám, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là các chính sách thuế, phí, lệ phí.

Thứ chín, đẩy mạnh phát triển các thị trường nhân tố sản xuất như lao động, công nghệ, vốn, đất đai; rà soát, xóa bỏ các rào cản đối với việc nâng cao hiệu quả thị trường; tăng cường tính công khai, minh bạch, công khai và tiết giảm chi phí tham gia thị trường.

Thứ mười, đẩy mạnh cải cách hành chính, thể chế, phân cấp, biên chế và tiền lương; tăng cường tính hiệu quả, hiệu lực của công tác xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách; tăng cường năng lực bộ máy và cán bộ; đẩy mạnh công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế – xã hội và hành chính; nâng cao hiệu quả thực thi luật pháp và kỷ luật hành chính; tăng cường nhận thức, dân chủ cơ sở và phòng, chống tham nhũng.

 Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Lê Văn Nhật