Tại Điều 5 Nghị định 102 quy định cụ thể về việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu đối với quyền nói trên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.
Theo Nghị định mới, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền phát hành tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp. Nghị định mới quy định doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước; có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 49% vốn điều lệ được áp dụng điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư nước ngoài và điều này được áp dụng trong suốt quá trình doanh nghiệp thực hiện đầu tư, kinh doanh thay vì quy định trong Nghị định 139 chỉ áp dụng trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp (đăng ký đầu tư).
Một trong những điểm nổi bật khác là Nghị định lần này quy định chi tiết về quyền khởi kiện của thành viên (trong công ty TNHH) tại điều 19 và cố đông (trong công ty cổ phần) tại Điều 25. Theo đó thành viên có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự (cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự) đối với Chủ tịch hội đồng thành viên, Giám đốc (Hội đồng quản trị, Giám đốc) khi không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao; không thực hiện đúng, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời quyết định của Hội đồng thành viên; thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty; đã sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Công ty cổ phần được thực hiện chào bán cổ phần theo một trong các phương thức: Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả internet; chào bán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định; chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư đã được xác định. Hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện chào bán cổ phần thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật về chứng khoán; sau khi kết thúc đợt chào bán cổ phần, công ty đăng ký lại vốn điều lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010.
Các hạn chế chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập quy định tại khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp được hướng dẫn là chỉ áp dụng đối với số cổ phần đăng ký mua tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp lần đầu và đã góp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Một số vấn đề về đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần cũng được Nghị định quy định rõ thêm, chẳng hạn như việc trường hợp cổ đông dự họp là người có liên quan không có quyền biểu quyết thì nghị quyết của đại hội đồng cổ đông về vấn đề đó được thông qua khi có ít nhất 65% hoặc 75% tổng số phiếu được quyền biểu quyết tương ứng theo quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều 104 Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị định 102 còn có một số thay đổi về quyền đăng ký kinh doanh và tiến hành hoạt động kinh doanh; tài sản của Nhà nước và công quỹ; ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; thực hiện góp vốn và các quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; chữ ký của thành viên, người đại diện thành viên trong biên bản họp hội đồng thành viên…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2010./.
Minh Đức