Sẽ phạt tới 1 triệu đồng đối với hành vi dùng giấy tờ giả để công chứng

10/08/2006
Chính phủ vừa ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, trong đó quy định rõ những trường hợp dùng giấy tờ giả hoặc dùng các thủ đoạn gian dối khác để làm thủ tục công chứng, chứng thực sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Nghị định gồm 6 Chương, 53 Điều quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự, công chứng, chứng thực, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, giám định tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng cho thuê tài chính, hoạt động luật sư, tư vấn pháp luật, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, nuôi con nuôi (sau đây gọi chung là lĩnh vực tư pháp).

Nghị định quy định các hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng, chứng thực.

Hành vi vi phạm quy định về công chứng, chứng thực bản sao giấy tờ, bản dịch giấy tờ
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa hoặc tẩy xoá làm sai lệch nội dung của bản chính để làm thủ tục yêu cầu công chứng, chứng thực.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Dùng giấy tờ giá hoặc dùng các thủ đoạn gian dối khác để làm thủ tục yêu cầu công chứng, chứng thực;
b) Làm giả văn bản công chứng, chứng thực, giả mạo chữ ký của người thực hiện công chứng, chứng thực;
c) Sửa chữa văn bản công chứng, chứng thực.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu giấy tờ đã bị sửa chữa hoặc tẩy xoá làm sai lệch nội dung đối với hành vi quy định tại khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều này;
b) Tịch thu giấy tờ giả mạo được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.

Hành vi vi phạm quy định liên quan đến việc dịch tài liệu để công chứng của người dịch là cộng tác viên
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Sử dụng hồ sơ, giấy tờ giả mạo để được ký hợp đồng địch thuật với phòng công chứng;
b) Cố ý dịch sai lệch nội dung bản dịch so với tài liệu nhận dịch;
c) Tiết lộ thông tin các tài liệu nhận dịch mà không được sự đồng ý của chủ giấy tờ.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu giấy tờ giả mạo được sử dụng để ký hợp đồng dịch thuật đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Điều 10. Hành vi vi phạm quy định về công chứng, chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa hoặc tẩy xoá làm sai lệch nội dung giấy tờ để công chứng, chứng thực hợp đồng, giao địch.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng văn bản, giấy tờ giả mạo, mạo danh chủ thể để được công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu giấy tờ đã bị sửa chữa hoặc tẩy xoá làm sai lệch nội dung đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Tịch thu văn bản, giấy tờ giả mạo được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 11. Hành vi môi giới trong công chứng, chứng thực
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi môi giới cho người yêu cầu công chứng, chứng thực.

Trong trường hợp phạt tiền thì mức phạt tiền cụ thể đối với một vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt; đối với trường hợp vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không dưới mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. Đối với trường hợp vi phạm hành chính có cả tình tiết tăng nặng lẫn tình tiết giảm nhẹ thì tuỳ theo tính chất, mức độ của các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đó mà người có thẩm quyền quyết định áp dụng mức phạt cao hơn, thấp hơn mức trung bình hoặc áp dụng mức trung bình của khung tiền phạt.

 (T.San)