Người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thể bị phạt tới 30.000.000 đồng

16/08/2010
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Theo đó:

Hình thức xử phạt: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt theo hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là 30.000.000 đồng.

Khi áp dụng hình thức phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt tương ứng với hành vi đó được quy định tại Nghị định này; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể thấp hơn nhưng không được dưới mức thấp nhất của khung phạt tiền đã được quy định; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể cao hơn nhưng không vượt quá mức cao nhất của khung phạt tiền đã được quy định.

Ngoài ra, tổ chức, các nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội.

Thời hiệu xử phạt: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội là một 01 năm, kể từ ngày vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được thực hiện. Nếu quá thời hạn nêu trên thì người vi phạm không bị xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định này.

Trong thời hạn quy định trên mà người vi phạm có hành vi vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu trên; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội được áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Hình thức xử phạt và mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm: hành vi đóng bảo hiểm xã hội không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 2.500.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động; hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp có thể bị phạt tiền bằng 0,05% mức đóng theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội cho mỗi ngày chậm đóng, nhưng tối đa không quá 30.000.000 đồng; hành vi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng khi vi phạm đối với mỗi người lao động.

Đối với hành vi không đóng bảo hiểm xã hội cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp có thể bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 01 người đến 10 người lao động; phạt từ 24.100.000 đồng đến 30.000.000 đồng, khi vi phạm với từ 501 người lao động trở lên. Ngoài ra người sử dụng lao động còn có thể bị áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả như buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt; buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội trong năm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2010 và thay thế Nghị định số 135/2007/NĐ-CP ngày 16/8/2007 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

 Lê Văn Nhật