Thông tư liên tịch gồm 5 điều, ban hành kèm theo Phụ lục quy định một số nội dung chi với mức chi cụ thể. So với Thông tư số 63, nội dung Thông tư liên tịch tập trung sửa đổi, bổ sung một số điểm mới cơ bản như sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh:
Thông tư liên tịch hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010, Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 và kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp theo các Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004, Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính ổn định, liên tục, thống nhất của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, Thông tư liên tịch cũng quy định việc áp dụng đối với các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính thường xuyên (không thuộc Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010 theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012 theo Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ), thì Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Hội đồng nhân dân các địa phương căn cứ nội dung chi, mức chi quy định tại Thông tư liên tịch này để ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách của các Bộ, ngành, địa phương, nhưng không được vượt quá mức chi tối đa quy định tại Thông tư liên tịch này. Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành văn bản quy định cụ thể mức chi thì các cơ quan, đơn vị được áp dụng quy định tại Thông tư liên tịch này để thực hiện.
2. Nội dung chi hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật:
Để phù hợp với tình hình thực tiễn của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trên cơ sở các nội dung được quy định tại Thông tư số 63, Thông tư liên tịch đã bổ sung thêm một số nội dung chi mới phục vụ cho hoạt động này. Cụ thể, Thông tư liên tịch quy định 16 nội dung chi phục vụ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, đó là: Chi hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; Chi thực hiện công tác thông tin, truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng; Chi biên soạn, biên dịch tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Chi thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật lưu động, giải đáp pháp luật trực tiếp cho nhân dân, sinh hoạt chuyên đề, duy trì và tổ chức hoạt động của các Câu lạc bộ pháp luật, nhóm nòng cốt; Chi xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, xã, phường, thị trấn, khu dân cư; Chi tổ chức thu thập thông tin, tư liệu, lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hoá phục vụ cho công tác giải đáp, phổ biến, giáo dục pháp luật; Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; thi nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức các hoạt động hỗ trợ tìm hiểu pháp luật trong nhà trường; Chi tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, nhà giáo và người học; Chi tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Chi thù lao cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cộng tác viên tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; Chi cho công tác hòa giải ở cơ sở; Chi thực hiện các cuộc điều tra, khảo sát về phổ biến, giáo dục pháp luật; Chi thực hiện chế độ báo cáo, thống kê; sơ kết, tổng kết; chi thi đua, khen thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Chi mua trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Chi quản lý, điều hành đề án, chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; Chi thực hiện các dự án từ nguồn tài trợ của nước ngoài căn cứ vào văn bản hợp tác quốc tế do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Về mức chi:
Về cơ bản, mức chi của Thông tư liên tịch quy định thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành, trên cơ sở dẫn chiếu các quy định chế độ kinh phí đã và đang được áp dụng đối với các nội dung hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch cũng hướng dẫn một số khoản chi có tính chất đặc thù trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, với mức tăng tương đương 50% so với mức chi quy định tại Thông tư số 63/2005/TT-BTC.
4. Về việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:
Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này. Ngoài ra, Thông tư liên tịch hướng dẫn thêm một số điểm đặc thù phục vụ việc triển khai các Chương trình, Đề án theo Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, để kịp thời hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật, Thông tư liên tịch cũng quy định việc lập dự toán kinh phí đối với hoạt động xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật, trong đó tập trung hướng dẫn kinh phí xây dựng Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn trên nguyên tắc: Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối được ngân sách thì bố trí, sử dụng nguồn thu ngân sách của địa phương để chi xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật trên địa bàn; Ngân sách Trung ương cấp kinh phí xây dựng Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn đối với các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.
Tô Thị Thu Hà