Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải tuân theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc của UBND cấp tỉnh về danh mục các loài thủy sản bị cấm khai thác, các phương pháp khai thác, loại nghề khai thác, ngư cụ bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng tại các vùng biển hoặc từng tuyến khai thác, khu vực bị cấm khai thác và khu vực bị cấm khai thác có thời hạn, chủng loại, kích cỡ tối thiểu các loài thủy sản được phép khai thác.
Nghị định cũng quy định về điều kiện hoạt động đối với các tàu cá. Cụ thể, tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng; tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả; tàu lắp máy có công suất máy chính từ dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ, không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả; các tàu làm nghề lưới vây cá nổi nhỏ, nghề khai thác nhuyễn thể không bị giới hạn công suất khi hoạt động khai thác trong vùng biển ven bờ và vùng lộng.
Ngoài ra, Nghị định còn có các quy định về điều kiện khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam; thủ tục và trình tự cấp giấy tờ có liên quan cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam và cấp lại giấy tờ sau khi khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam về.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/6/2010 và thay thế Nghị định số 123/2006/NĐ-CP ngày 27/10/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.
Lê Văn Nhật