Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: Văn bản có ý nghĩa bảo đảm tính khả thi của cơ chế bồi thường nhà nước

10/03/2010
Ngày 03/3/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nghị định có 05 Chương và 29 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2010, quy định về giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án.

Nghị định được ban hành là một bước quan trọng để hoàn thiện thể chế về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bảo đảm tính khả thi của cơ chế giải quyết bồi thường nhà nước, cũng như tạo thuận lợi cho việc triển khai thi hành Luật. Bài viết này xin được giới thiệu về những nội dung cơ bản của Nghị định.

Nghị định đã quy định rõ cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết bồi thường.

Trong cơ chế bồi thường nhà nước, việc xác định cơ quan đại diện nhà nước thực hiện việc giải quyết bồi thường là một vấn đề hết sức quan trọng. Thực tiễn thi hành Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra cho thấy, trong nhiều trường hợp, việc không xác định được cơ quan nào là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường là một trong những vướng mắc, bất cập, làm cản trở người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Trong quá trình soạn thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi chung là Luật), Ban soạn thảo đã quan tâm đưa ra các quy định cụ thể, tuy nhiên, do phạm vi điều chỉnh của Luật rộng (bao gồm cả việc giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án) nên cần phải có quy định chi tiết về việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho phù hợp với từng lĩnh vực. Để giải quyết vấn đề này, tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị định đã quy định rõ cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự theo nguyên tắc cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường là cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.

Thủ tục xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Trên thực tế, có những trường hợp thiệt hại gây ra là do lỗi của hai hay nhiều người thi hành công vụ ở các cơ quan khác nhau gây ra. Đối với các trường hợp này, nếu không có sự thống nhất về cơ quan nào là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường thì sẽ gây ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm bồi thường. Để giải quyết vướng mắc có thể sẽ xẩy ra trong quá trình thi hành Luật, Điều 5 Nghị định đã quy định cụ thể về việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, trong đó, Cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường được giao nhiệm vụ xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường khi có yêu cầu của người bị thiệt hại.

Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục thực hiện việc giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Theo quy định của Luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chủ động tổ chức việc giải quyết bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Để bảo đảm việc giải quyết bồi thường kịp thời, đúng pháp luật, chính xác và thống nhất, Nghị định đã quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong quá trình giải quyết bồi thường (Điều 6); cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường (Điều 7); nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện (Điều 8); thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường (Điều 9); thực hiện việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại (Điều 10)... .

Quy định cụ thể về việc xác định mức hoàn trả của người thi hành công vụ.

Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại đã được Luật quy định. Tuy nhiên, cách thức và thủ tục xác định mức hoàn trả được thực hiện như thế nào thì Luật chưa quy định rõ. Trách nhiệm hoàn trả là một dạng trách nhiệm vật chất của cán bộ, công chức, do đó cần phải được xác định một cách chính xác và công bằng, tránh tình trạng gây ra sự ức chế, thụ động của cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ. Để giải quyết vấn đề này, Nghị định đã dành 08 điều (từ Điều 13 đến Điều 20) quy định cụ thể về Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả; cách thức xác định mức hoàn trả và thực hiện thu, nộp, quản lý tiền hoàn trả.

Xác định rõ nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Giải quyết bồi thường nhà nước là một nhiệm vụ phức tạp vì có liên quan đến cả yếu tố pháp lý, kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, của cán bộ, công chức đã gây ra thiệt hại và lợi ích của Nhà nước, cũng như uy tín của các cơ quan nhà nước. Do đó, quản lý nhà nước về công tác bồi thường đã được Luật ghi nhận và giao trách nhiệm cho Chính phủ, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Thực hiện yêu cầu của Luật, Nghị định đã quy định cụ thể nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường (Điều 21), trong đó, bên cạnh các nội dung quản lý nhà nước nói chung như xây dựng, hoàn thiện thể chế; phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn nghiệp vụ; theo dõi, kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo, quản lý nhà nước về công tác bồi thường còn có nội dung đặc thù như: xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Quản lý nhà nước về công tác bồi thường là một nhiệm vụ mới, do đó, để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của công tác này, Nghị định đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm phối hợp trong việc quản lý nhà nước về công tác bồi thường của Bộ Tư pháp; các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân cấp huyện.

Quy định về các điều kiện bảo đảm cho công tác giải quyết bồi thường và thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Để bảo đảm công tác giải quyết bồi thường và thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường, Nghị định đã quy định cụ thể về việc bảo đảm về tài chính (Điều 27). Về vấn đề tổ chức, Nghị định giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng; tổ chức pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tham mưu, giúp Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường; Sở Tư pháp tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi địa phương. Riêng về đơn vị giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường, Chính phủ yêu cầu không quy định trực tiếp trong Nghị định mà giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Với các quy định chi tiết và cụ thể nêu trên, Nghị định có ý nghĩa bảo đảm cơ chế giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của Nhà nước được thực hiện có hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu đã được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật./.

Nguyễn Thanh Tịnh