Điều chỉnh các dự án có từ 30% vốn nhà nước
Nghị định quy định, việc giám sát, đánh giá đầu tư sẽ áp dụng đối với các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên và cả các dự án sử dụng nguồn vốn khác; bao gồm 3 nội dung là theo dõi, kiểm tra và đánh giá dự án. Đồng thời quy định về nội dung giám sát, đánh giá cũng như việc tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá dự án đầu tư và hoạt động đầu tư trực tiếp sử dụng tất cả các nguồn vốn.
Đối với các dự án sử dụng trên 30% vốn nhà nước, các nội dung theo dõi sẽ do 3 chủ thể đảm trách: chủ đầu tư (cập nhật tình hình thực hiện dự án đầu tư, tình hình quản lý thực hiện dự án, tình hình xử lý phản hồi thông tin), người có thẩm quyền quyết định đầu tư (theo dõi tình hình thực hiện chế độ báo cáo của chủ đầu tư, tổng hợp tình hình thực hiện dự án đầu tư, phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, theo dõi việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý của chủ đầu tư) và các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư (tương tự nội dung theo dõi của người có thẩm quyền quyết định đầu tư). Cả 3 cấp này đều phải kịp thời báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn vướng mắc, các vấn đề vượt thẩm quyền.
Về chế độ kiểm tra dự án đầu tư, chủ đầu tư tự tổ chức kiểm tra thường xuyên; người có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức kiểm tra ít nhất 1 lần đối với các dự án có thời gian thực hiện dài hơn 12 tháng, kiểm tra khi điều chỉnh dự án làm thay đổi địa điểm, quy mô, mục tiêu, vượt tổng mức đầu tư từ 30% trở lên và các trường hợp khác cần thiết kiểm tra; cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tổ chức kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Bên cạnh đó, phải thực hiện đánh giá đầu tư đối với các dự án: Các dự án nhóm B trở lên phải thực hiện đánh giá ban đầu và đánh giá kết thúc dự án; các dự án có phân kỳ đầu tư theo giai đoạn phải thực hiện đánh giá giữa kỳ khi kết thúc từng giai đoạn thực hiện. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định thực hiện các loại đánh giá khác khi cần thiết, phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng dự án.
Đối với các dự án sử dụng nguốn vốn khác, các nội dung theo dõi chỉ được chia thành 2 cấp là chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư. Về nội dung kiểm tra, người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận (GCN) đầu tư sẽ kiểm tra tiến độ thực hiện dự án; việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản; việc thực hiện các nội dung quy định tại GCN đầu tư; phát hiện và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án, giám sát việc xử lý và chấp hành các biện pháp xử lý các vấn đề đã phát hiện. Còn cơ quan quản lý nhà nước, ngoài các nội dung trên sẽ kiểm tra sự phù hợp của dự án với các quy hoạch liên quan; việc chấp hành các chính sách, chế độ quy định của nhà nước, của ngành và địa phương áp dụng cho dự án. Về đánh giá dự án, đây không phải là nội dung bắt buộc mà chỉ khuyến khích chủ đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác thực hiện các đánh giá đầu tư. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chỉ quyết định việc tổ chức đánh giá khi cần thiết và phù hợp với yêu cầu về quản lý hoạt động đầu tư.
Không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo sẽ bị xử lý
Nghị định quy định cụ thể chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư cũng như quy định chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm quy định về giám sát, đánh giá đầu tư. Theo đó, các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư báo cáo kịp thời các cấp có thẩm quyền những trường hợp vi phạm về quản lý đầu tư thuộc cấp mình quản lý để xử lý đúng quy định. Các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư cố tình che giấu các trường hợp vi phạm về quản lý đầu tư sẽ chịu trách nhiệm liên đới trước pháp luật về các sai phạm và hậu quả gây ra.
Trong thời hạn quy định mà các Bộ, ngành, địa phương không gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị các hình thức xử lý thích hợp. Đối với các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên, chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo thì cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư cần báo cáo cấp có thẩm quyền và kiến nghị các hình thức xử lý về hành chính (2 kỳ liền không có báo cáo hoặc 3 kỳ không báo cáo, đề nghị hình thức cảnh cáo; 3 kỳ liền không có báo cáo hoặc 6 kỳ không báo cáo, đề nghị chuyển công tác những người liên quan). Các dự án không thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư 2 kỳ liền hoặc 3 kỳ trở lên trong năm trước sẽ không được ghi vốn kế hoạch năm sau. Các cấp có thẩm quyền không được phép điều chỉnh dự án đầu tư/GCN đầu tư đối với các dự án không thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư thường kỳ.
Có thể nói, Nghị định 113 được ban hành sẽ khắc phục những tồn tại của công tác giám sát, đánh giá đầu tư và thống nhất cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức giám sát, đánh giá toàn bộ hoạt động đầu tư thuộc phạm vi quản lý của mình. Việc giám sát và đánh giá này có ý nghĩa rất quan trọng để đồng vốn, nhất là đồng vốn nhà nước, được sử dụng đúng mục tiêu và đảm bảo sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Cẩm Vân
Chi phí giám sát, đánh giá đầu tư bao gồm các chi phí liên quan đến công tác giám sát, đánh giá đầu tư ở các cấp. Cụ thể là, chi phí cho công tác giám sát, đánh giá đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm của cơ quan thực hiện nhiệm vụ này. Chi phí cho công tác giám sát, đánh giá dự án đầu tư do chủ đầu tư tự thực hiện hoặc thuê tư vấn thực hiện được tính trong tổng mức đầu tư của dự án. Định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng chi phí giám sát, đánh giá đầu tư sẽ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính quy định. |