Hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng

21/10/2009
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng (Nghị định 85/2009/NĐ-CP). Nghị định quy định chi tiết về kế hoạch đấu thầu; sơ tuyển nhà thầu; đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp; quy trình chỉ định thầu; phân cấp trách nhiệm thẩm định, phê duyệt trong đấu thầu; giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu...

Theo Nghị định, căn cứ tính chất, quy mô của gói thầu, có thể thực hiện việc sơ tuyển nhà thầu nhằm lựa chọn được các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu. Chủ đầu tư có thể lựa chọn nhà thầu tư vấn cá nhân nếu xét thấy tư vấn cá nhân có thể đảm nhiệm được công việc một cách độc lập mà không cần phải nhiều chuyên gia hoặc sự hỗ trợ chuyên môn từ cá nhân hay tổ chức khác hoặc việc sử dụng tư vấn cá nhân là có lợi. Mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu (bao gồm cả thuế) do chủ đầu tư quyết định căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu nhưng tối đa là 01 triệu đồng đối với đấu thầu trong nước; chi phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu kể cả trường hợp không lựa chọn được nhà thầu được tính bằng 0,01% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 01 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng; chi phí cho Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị của nhà thầu về kết quả lựa chọn nhà thầu là 0,01% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị nhưng tối thiểu là 02 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng. Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu phải được quy định cụ thể trong hồ sơ mời thầu song tối đa là 180 ngày kể từ ngày đóng thầu. Trường hợp cần gia hạn thời gian hiệu lực của hồ sơ dự thầu thì có thể yêu cầu nhà thầu gia hạn một hoặc nhiều lần nhưng bảo đảm tổng thời gian của tất cả các lần yêu cầu nhà thầu gia hạn không quá 30 ngày.

Cũng theo Nghị định này, các trường hợp được chỉ định thầu gồm có: gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 03 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa có giá gói thầu không quá 02 tỷ đồng, gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng (trừ lựa chọn tổng thầu thiết kế) có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu và dự án cải tạo sửa chữa lớn của doanh nghiệp nhà nước, gói thầu mua sắm tài sản có giá không quá 100 triệu đồng để duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức có sử dụng vốn nhà nước.

Để bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, Nghị định nêu rõ các điều kiện về tính độc lập giữa các nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư. Cụ thể, các nhà thầu được coi là độc lập với nhau nếu đáp ứng 2 điều kiện: Nhà thầu là doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp hoặc không cùng thuộc một cơ quan, đơn vị trực tiếp ra quyết định thành lập; không có cổ phần hoặc vốn góp trên 30% của nhau.

Về quản lý nhà thầu nước ngoài, theo Nghị định, trường hợp nhà thầu nước ngoài được lựa chọn để thực hiện các gói thầu trên lãnh thổ Việt Nam, trong vòng 15 ngày, kể từ ngày hợp đồng ký kết với nhà thầu nước ngoài có hiệu lực, chủ đầu tư các dự án có trách nhiệm gửi báo cáo bằng văn bản, bằng thư điện tử về Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng thời gửi Bộ quản lý ngành (đối với dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ hoặc do Bộ trưởng quyết định đầu tư), Bộ Xây dựng (đối với các gói thầu trong hoạt động xây dựng) và gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư ở địa phương (đối với dự án thuộc phạm vi quản lý của địa phương) để tổng hợp và theo dõi.

Về xử phạt vi phạm pháp luật về đấu thầu, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo 1 hoặc các hình thức: Cảnh cáo; phạt tiền; cấm tham gia hoạt động đấu thầu; hủy, đình chỉ cuộc thầu hoặc không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu.

Về hình thức phạt tiền, khác với các quy định tại Nghị định 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, Nghị định 85/2009/NĐ-CP sẽ áp dụng theo các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2009. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ và Quyết định số 49/2007/QĐ-TTg ngày 11/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ sẽ hết hiệu lực thi hành./.

Minh Đức