Luật THADS quy định một trong các điều kiện bắt buộc để được bổ nhiệm làm CHV sơ cấp, CHV trung cấp, CHV cao cấp đó là phải qua kì thi và trúng tuyển kì thi tuyển CHV ở các ngạch tương ứng. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức làm công tác thi hành án tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 24/2008/NQ-QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật THADS đã giao cho Chính phủ quy định những cơ quan THADS cụ thể ở các địa bàn này được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm CHV không qua thi tuyển trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày 01/7/2009. Việc tuyển chọn và bổ nhiệm CHV trong trường hợp không qua thi tuyển được quy định tại Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, cụ thể như sau:
1. Việc tuyển chọn và bổ nhiệm CHV trong trường hợp không qua thi tuyển
Điều 48 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định việc tuyển chọn, bổ nhiệm CHV không qua thi tuyển được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Cơ quan THADS cấp huyện, không phải là đơn vị thủ phủ của tỉnh, có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên, thuộc vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Căn cứ vào điều kiện này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định danh sách các cơ quan THADS được tuyển chọn và bổ nhiệm CHV trong trường hợp không qua thi tuyển.
+ Người được tuyển chọn để bổ nhiệm CHV có đơn cam kết tình nguyện công tác tại cơ quan THADS nêu trên từ 05 năm trở lên.
+ Thời gian áp dụng quy định trên kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2014.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm CHV đối với các trường hợp không qua thi tuyển do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn CHV.
Điều 49 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định Hội đồng tuyển chọn CHV cơ quan THADS địa phương được thành lập ở cấp tỉnh. Hội đồng tuyển chọn CHV làm việc theo chế độ tập thể và quyết định của Hội đồng phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn CHV cơ quan THADS địa phương.
2. Thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn CHV cơ quan THADS địa phương
Điều 50 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng tuyển chọn CHV cơ quan THADS địa phương trong trường hợp không qua thi tuyển như sau:
- Thành phần của Hội đồng tuyển chọn CHV cơ quan THADS địa phương gồm có:
+ Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch hoặc 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Phó Chủ tịch Hội đồng: Cục trưởng Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Ủy viên: đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện thường trực Ban Chấp hành Hội Luật gia tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ thuộc Cục THADS tỉnh làm thư ký giúp việc Hội đồng;
Danh sách Ủy viên Hội đồng tuyển chọn CHV cơ quan THADS địa phương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Hội đồng tuyển chọn CHV cơ quan THADS địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 18 Luật THADS và của Nghị định số 74/2009/NĐ-CP làm CHV sơ cấp, CHV trung cấp, CHV cao cấp và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.
+ Xem xét và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm CHV cơ quan THADS địa phương đối với những trường hợp quy định tại Điều 19 Luật THADS. (Còn nữa).
Th.s Nguyễn Văn Nghĩa - Cục THADS
Điều 18. Tiêu chuẩn bổ nhiệm CHV
1. Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, trung thực, liêm khiết, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ cử nhân luật trở lên, có sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể được bổ nhiệm làm CHV.
2. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm CHV sơ cấp:
a) Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên;
b) Đã được đào tạo nghiệp vụ THADS;
c) Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV sơ cấp.
3. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm CHV trung cấp:
a) Có thời gian làm CHV sơ cấp từ 05 năm trở lên;
b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV trung cấp.
4. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này và có đủ các điều kiện sau thì được bổ nhiệm làm CHV cao cấp:
a) Có thời gian làm CHV trung cấp từ 05 năm trở lên;
b) Trúng tuyển kỳ thi tuyển CHV cao cấp.
5. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này, là sỹ quan quân đội tại ngũ thì được bổ nhiệm làm CHV trong quân đội.
Tiêu chuẩn để được bổ nhiệm CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp trong quân đội được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
6. Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên chuyển công tác đến cơ quan THADS có thể được bổ nhiệm làm CHV ở ngạch tương đương mà không qua thi tuyển.
7. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm CHV trung cấp hoặc đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên thì có thể được bổ nhiệm CHV cao cấp.
Điều 19. Miễn nhiệm CHV
1. CHV đương nhiên được miễn nhiệm trong trường hợp nghỉ hưu hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm CHV trong các trường hợp sau đây:
a) Do hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ CHV;
b) Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ CHV hoặc vì lý do khác mà không còn đủ tiêu chuẩn để làm CHV.
3. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục miễn nhiệm CHV.
________________________________________
Bài viết có liên quan:
Giới thiệu những quy định mới về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống tổ chức thi hành án dân sự (Phần I)
Quy định mới về trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp trong công tác thi hành án dân sự (Phần II)
Quy định mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự (Phần III)
Trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, biệt phái Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự (Phần IV)
Quy định mới về bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm tra viên THADS và nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thẩm tra viên THADS (Phần V)
Quy định mới về tiêu chuẩn; nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, cách chức Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS (Phần VI)
Quy định mới về việc sử dụng công cụ hỗ trợ trong thi hành án dân sự (Phần VII)
Quy định mới về thẻ, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu của Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức THADS (Phần VIII)