Có thể khám bảo hiểm y tế ngoài giờ hành chính

07/09/2009
Tại những cơ sở y tế quá tải, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có thể đi khám vào ngày nghỉ, ngày lễ mà vẫn được thanh toán như bình thường, theo Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHYT được Bộ Y tế công bố sáng ngày 04/9/2009

Luật Bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 với nhiều điểm mới như: mở rộng đối tượng tham gia, được quyền lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, đi khám trái tuyến cũng được quỹ bảo hiểm chi trả... Bắt đầu từ ngày 01/10/2009, những quy định này chính thức được áp dụng theo nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế.

Cụ thể, khi đi khám đúng tuyến, tùy theo từng trường hợp mà quỹ bảo hiểm sẽ chi trả với những mức khác nhau, chẳng hạn miễn phí hoàn toàn khi khám, chữa bệnh tại tuyến xã hay 80% với các trường hợp không được ưu tiên khác.

Còn khi đi khám trái tuyến, người dân (kể cả trẻ dưới 6 tuổi) sẽ được chi trả với các mức 30, 50 và 70% chi phí tùy theo bệnh viện hạng 1, 2 hay 3.

Ngoài ra, tại những bệnh viện vì quá tải phải tổ chức khám, chữa bệnh ngoài giờ, sẽ không có sự phân biệt về mức thanh toán giữa khám, chữa bệnh trong và ngoài giờ hành chính.

Với trẻ dưới 6 tuổi, nếu khám đúng tuyến, chi phí khám chữa bệnh, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao sẽ được miễn phí hoàn toàn. Khi phải sử dụng các thuốc điều trị ưng thư và chống thải ngoài danh mục thì quỹ sẽ thanh toán 50% theo mức hưởng khi khám chữa bệnh đúng quy định và không đúng quy định. Từ ngày 01/10/2009, bảo hiểm xã hội cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc đổi thẻ cho trẻ dưới 6 tuổi.

Khi đi khám chữa bệnh, người dân phải mang theo thẻ BHYT có ảnh (nếu thẻ chưa có ảnh thì mang thêm giấy tờ tùy thân khác có ảnh), cùng với hồ sơ chuyển viện (nếu chuyển tuyến điều trị), giấy hẹn khám lại (nếu đến khám lại theo yêu cầu). Với trẻ dưới 6 tuổi, cha mẹ khi đưa con đi khám cần mang theo thẻ BHYT (hoặc thẻ khám chữa bệnh miễn phí) và giấy khai sinh hoặc chứng sinh.

Trong trường hợp cấp cứu, người bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi. Nếu cấp cứu tại những cơ sở không đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thì cơ sở y tế phải xác nhận tình trạng bệnh, chứng từ hợp lệ để người bệnh thanh toán với bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện những quy định trong luật. Đó là quy định người dân cùng chi trả với nhiều mức, nhiều nhóm và tuyến bệnh viện khác nhau, phải xác định đúng đối tượng nào được hưởng mức nào. Hay như với quy định người bị tai nạn giao thông được thanh toán nếu không vi phạm pháp luật về giao thông, người bệnh sẽ gặp khó trong việc xác định khi bị tai nạn họ có vi phạm pháp luật hay không.

L.H