Quy định mới về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng thương mại

21/07/2009
Ngày 16/7/2009 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của các Ngân hàng thương mại (NHTM) được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.

Đối tượng điều chỉnh của Nghị định là NHTM Nhà nước; NHTM cổ phần; NHTM liên doanh; NHTM 100% vốn nước ngoài và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng, đồng thời có quyền từ chối cấp Giấy phép nếu tổ chức, cá nhân xin cấp phép không đáp ứng được các quy định hiện hành.

Quy định chặt chẽ về tổ chức quản lý ngân hàng

Ngân hàng phải có trụ sở chính và được mở sở giao dịch, chi nhánh, Văn phòng đại diện. Ngân hàng được thành lập công ty trực thuộc để hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...

NHTM cổ phần, NHTM do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ có cơ cấu: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc và bộ máy giúp việc.

Cơ cấu quản lý của NHTM Nhà nước do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, NHTM liên doanh, NHTM 100% vốn nước ngoài gồm: Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc và bộ máy giúp việc.

Cần lưu ý là những người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã từng bị kết án về các tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên; cán bộ, công chức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ theo quy định về pháp luật cán bộ, công chức và  tại các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu của nhà nước; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam không được nắm các chức vụ Kế toán trưởng, Giám đốc Sở Giao dịch, Giám đốc Chi nhánh, Giám đốc công ty trực thuộc của ngân hàng.

Nghị định cũng quy định rõ những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ hoặc không được là thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc của ngân hàng.

Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị và một số chức danh khác của ngân hàng sau khi bị miễn nhiệm, bãi nhiệm vẫn phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các quyết định làm trái với quy định của pháp luật hoặc các quyết định cố ý làm sai của mình trong thời gian đương nhiệm.

Quy định chi tiết về các Ngân hàng thương mại

Đối với NHTM cổ phần, ngân hàng có thể có cổ phần ưu đãi (người sở hữu gọi là cổ đông ưu đãi). Tổng giá trị mệnh giá của cổ phần ưu đãi cổ tức tối đa bằng 20% vốn điều lệ của ngân hàng. NHTM cổ phần phải có tối thiểu 100 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa. Nhưng 1 cổ đông cá nhân chỉ được sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ; cổ đông là tổ chức được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ và cổ đông cùng những người có liên quan của cổ đông đó được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của 1 ngân hàng.

Riêng việc tổ chức quản lý của NHTM cổ phần do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ được thực hiện theo các quy định áp dụng đối với NHTM cổ phần.

Đối với NHTM Nhà nước do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (NHTM 100% vốn nước ngoài được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên cũng được áp dụng theo quy định này), chủ sở hữu được quyết định mức vốn điều lệ ban đầu và việc thay đổi vốn điều lệ của ngân hàng; quyết định cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng... nhưng chỉ được rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác khi được Ngân hàng Nhà nước đồng ý.

Nghị định cũng quy định quyền của thành viên góp vốn đối với NHTM liên doanh (NHTM 100% vốn nước ngoài được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hai thành viên trở lên cũng được áp dụng theo quy định này), theo đó thành viên góp vốn có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin, báo cáo tài chính hàng năm; được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp... nhưng thành viên góp vốn không được rút vốn đã góp ra khỏi ngân hàng dưới mọi hình thức, trừ trường hợp chuyển nhượng, mua lại vốn góp theo quy định.

Quy trình, chính sách cần thiết trong hoạt động của Ngân hàng thương mại

NHTM cần xây dựng và triển khai 11 quy trình, chính sách trong quá trình hoạt động ngân hàng, điển hình như: Quy trình quản lý hoạt động đầu tư, mua lại và kiểm soát các khoản đầu tư lớn; quy trình cấp tín dụng nhắm duy trì hệ thống quản trị tín dụng phù hợp; hệ thống cho phép đo lường, giám sát và kiểm soát toàn diện rủi ro... Theo đó, ngân hàng phải thực hiện chế độ thông tin, bảo mật thông tin, kiểm toán độc lập theo đúng quy định hiện hành.

Ngân hàng phải công bố công khai tại nơi giao dịch các thông tin về lãi suất tiền gửi, tiền vay, các mức phí, tỷ giá, thời gian giao dịch...

Muốn thay đổi vốn điều lệ thì ngân hàng phải được sự chấp thuận bằng văn bản từ Ngân hàng Nhà nước và chấp hành chế độ tài chính theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trong thời hạn 120 ngày, kể từ khi kết thúc năm tài chính, ngân hàng phải công khai các báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2009.

L.H