Ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật Thi hành án dân sự

16/07/2009
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 58/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự.

Về thời hiệu yêu cầu thi hành án (THA), đương  sự có quyền yêu cầu THA trong thời hiệu yêu cầu THA. Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể gửi đơn theo đúng thời hạn quy định thì đương sự có quyền gửi đơn đề nghị Thủ trưởng cơ quan THA dân sự có thẩm quyền xem xét. Việc cấp hoặc gửi bằng đường bưu điện giấy biên nhận cho người nộp đơn phải được thực hiện ngay sau khi nhận được đơn.

Áp dụng các biện pháp THA kịp thời, đúng pháp luật

Trường hợp đã ra quyết định THA mà thời hiệu yêu cầu THA đã hết thì Thủ trưởng cơ quan THA dân sự có quyền ra quyết định thu hồi quyết định THA đã ban hành. Người có lỗi trong việc ra quyết định THA đối với bản án, quyết định đã hết thời hiệu yêu cầu THA phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Về xác minh điều kiện THA, người được THA có quyền  tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện THA. Kết quả xác minh được công nhận và làm căn cứ để tổ chức việc THA.

Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ, nghĩa vụ THA; điều kiện của người THA; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế THA thích hợp.

Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên có thể yêu cầu lực lượng cảnh sát hoặc tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ việc tạm giữ giấy tờ, tài sản của đương sự. Các biện pháp khác như tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản; phong tỏa tiền, khấu trừ tiền trong tài khoản; thu tiền từ hoạt động kinh doanh của người phải THA... được thực hiện theo đúng trình tự và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan THA dân sự cũng được phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như: Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định; buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng; kê biên tài sản đang tranh chấp...

Miễn, giảm THA và chi phí, phí THA

Người phải thi hành nghĩ vụ đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước đã thi hành được ít nhất bằng 1/20 khoản phải thi hành, nhưng giá trị không được thấp hơn mức án phí không có giá ngạch thì được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành.

Đối với khoản THA còn lại có giá trị từ 10-100 triệu đồng, mỗi lần giảm không quá 1/3 số tiền còn lại phải THA. Nếu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, mối lần giảm không quá 1/5 số tiền còn lại phải THA.

Đương sự là cá nhân có thể được xét giảm, miễn chi phí cưỡng chế THA khi có thu nhập  mức không đảm bảo sinh hoạt tối thiểu; thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng; neo đơn, tàn tật... Mức miễn, giảm này không vượt quá 50% tổng số chi phí cưỡng chế THA.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/8/2009. Đối với các việc THA đã thi hành một phần hoặc thi hành chưa xong trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng đã thực hiện các thủ tục về THA theo đúng quy định thì kết quả THA được công nhận. Các thủ tục THA tiếp theo được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định này.

L.H