Vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Phòng, chống tham nhũng.
Việc phê chuẩn Công ước quốc tế về Phòng, chống tham nhũng được xem là quyết định quan trọng thể hiện những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong hoạt động phòng, chống tham nhũng.
Nội dung Quyết định phê chuẩn Công ước cũng đưa ra Tuyên bố của Việt Nam trong việc không bị ràng buộc và không áp dụng trực tiếp các quy định về hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp tại điều 20 của công ước này.
Việc thực hiện các quy định hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam trên cơ sở các thỏa thuận song phương hoặc đa phương với nước khác và các nguyên tắc có đi có lại.
Ngoài ra trong tuyên bố của nước CHXHCN Việt Nam kèm theo Quyết định số 950 cũng không coi công ước là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ. Nước CHXHCN Việt Nam thực hiện dẫn độ theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở các hiệp định về dẫn độ và nguyên tắc có đi có lại.
Pháp luật Việt Nam về cơ bản đã phù hợp với nội dung Công ước và đáp ứng được 135/135 quy định mang tính bắt buộc; 61/64 quy định mang tính tuỳ nghi; 37/38 quy định mang tính khuyến nghị của Công ước. Mục tiêu của Công ước không trái với nguyên tắc Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và đường lối, chính sách của Đảng.
Nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện có hiệu quả tại Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định tại Công ước như: tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các lực lượng chuyên trách phòng, chống tham nhũng...
L.H