Chính phủ thống nhất xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 khoảng 6,5%

10/11/2008
Ngày 05/11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2008.

          Theo Nghị quyết, căn cứ vào tình hình hiện nay và triển vọng 2 tháng cuối năm, Chính phủ thống nhất đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 có thể đạt khoảng 6,7%, trong đó, nông nghiệp tăng 3,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%, dịch vụ tăng 7,3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 64 tỷ USD, nhập siêu cả năm 19 tỷ USD, bằng khoảng 29,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng cả năm tăng khoảng 22%.

          Từ giữa tháng 9 đến nay, tình hình kinh tế thế giới có những biến động rất nhanh và nhiều biểu hiện mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định. Từ bối cảnh đó, căn cứ mục tiêu kế hoạch năm 2006-2010 đã được Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết của Quốc hội đề ra, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2008 và triển vọng sắp tới, Chính phủ thống nhất điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ và một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 cũng như một số giải pháp trong tổ chức thực hiện như sau: Mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 là tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động ngăn ngừa suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và có hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010. Chính phủ thống nhất xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 khoảng 6,5%.

          Để đạt được mục tiêu trên, trên cơ sở tiếp tục quán triệt tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 22-KL/TW, Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khoá X) về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Nghị quyết  số 10/2008/NQ-CP, Nghị quyết số 20/2008/NQ-CP của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu, trong các tháng còn lại của năm 2008 và năm 2009, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

          Thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt

          Thực hiện chính trên, một mặt đảm bảo kiểm soát được lạm phát, mặt khác chủ động ngăn ngừa khả năng suy giảm kinh tế, đồng thời thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý. Trước mắt, cần tiếp tục tiến hành giảm lãi suất tín dụng hợp lý theo nguyên tắc vừa đảm bảo mục tiêu chống lạm phát, vừa bảo đảm nguồn vốn, lợi ích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp tạo nhiều việc làm. Có biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định hiện hành cho doanh nghiệp, cho nông dân, nhằm khắc phục khó khăn, khôi phục và duy trì sản xuất kinh doanh. Điều hành tỷ giá ngoại tệ linh hoạt, bảo đảm vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa khuyến khích xuất khẩu. Kiên quyết thực hiện điều hành giá cả theo cơ chế thị trường, cân nhắc thời điểm hợp lý để thực hiện cơ chế giá thị trường đối với mặt hàng than và điện trong năm 2009, hoàn thiện thích hợp cơ chế điều hành giá.

          Thực hiện chính sách thuế phù hợp

          Thực hiện chính sách thuế phù hợp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu. Kiến nghị với Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2009 theo các hướng sau: giảm thuế có thời hạn; giãn thời gian nộp; chưa thực hiện nộp thuế đối với một số đối tượng. Các biện pháp trên chủ yếu áp dụng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực đang gặp khó khăn, ở khu vực nông thôn, các doanh nghiệp tạo nhiều việc làm...

          Tăng cường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá

           Các Bộ, ngành, địa phương phải chú ý khai thác, phát triển cả thị trường bên ngoài và thị trường trong nước nhằm tăng cường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá. Cần kết hợp các chính sách về thuế, tiền tệ và thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu; thực hiện biện pháp cụ thể để mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó, chú ý đến những nước, khu vực ít chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng như Trung Quốc, ASEAN, Trung Đông, Nga, châu Phi... Cân nhắc, tính toán các giải pháp tăng sức cầu trong nước thông qua đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, điện theo hướng đầu tư đúng, có hiệu quả nhằm tiêu thụ vật tư hàng hoá đang tồn đọng; triển khai chương trình làm nhà ở, nâng giá thu mua lúa, nông sản cho nông dân, tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác nhằm nâng cao thu nhập của người nghèo, khu vực nông thôn...

          Tháo gỡ các vướng về thủ tục, cơ chế

          Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, cơ chế trong đầu tư xây dựng cơ bản để thúc đẩy nhanh tiến độ và tốc độ giải ngân các công trình lớn sử dụng trái phiếu Chính phủ và ngân sách nhà nước, khắc phục tình trạng chậm trễ, gây lãng phí trong đầu tư. Thực hiện chỉ định thầu các công trình đầu tư đối với những doanh nghiệp đã được chứng minh có năng lực trong thực tế.

          Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội

          Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác, giữ vững mức sống của nhân dân. Sớm ban hành và đưa vào thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao, chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009. Chính phủ thống nhất lùi thời điểm thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu chung (mức 650.000/đồng/tháng) khoảng một tháng so với dự kiến đã trình Quốc hội, đồng thời chưa thực hiện chế độ phụ cấp công vụ.

          Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin đúng, chính xác

          Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, thông tin và tuyên truyền. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn dân, bảo đảm giữ ổn định xã hội. Các Bộ, cơ quan, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, kịp thời cung cấp thông tin định hướng dư luận và báo chí đưa tin đúng, chính xác về các vấn đề kinh tế-xã hội, tránh đưa tin sai, không có lợi cho đất nước và cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm liên quan đến các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ./.

V.D