Hướng dẫn Quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý

10/11/2008

Việc ban hành Thông tư số 05/2008/TT-BTP ngày 23/9/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý là rất thiết thực, các nội dung trong Thông tư số 05/2008/TT-BTP không chỉ kịp thời khắc phục được những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư số 07/1998/TT-BTP ngày 05/12/1998 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về công tác quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý mà còn giúp các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và người được trợ giúp pháp lý thực hiện hiệu quả hơn trong việc áp dụng, bảo đảm tính công khai, minh bạch các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý. Đồng thời, Thông tư số 05/2008/TT-BTP cũng làm rõ phạm vi quản lý, nội dung quản lý và các vấn đề có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Theo đó: 

Đối với Cơ quan quản lý công tác trợ giúp pháp lý: Thông tư số 05/2008/TT-BTP hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao quản lý công tác trợ giúp pháp lý, bao gồm Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý), Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Tư pháp) trên cơ sở các quy định về cơ quan quản lý nhà nước và nội dung quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP. Cụ thể:

Quản lý của Bộ Tư pháp: Cục Trợ giúp pháp lý giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý, có các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Cục Trợ giúp pháp lý thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Cục Trợ giúp pháp lý.

Quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:

- Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý ở địa phương, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 46 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP. Sở Tư pháp chủ động và phối hợp với các Sở, ban ngành thực hiện quản lý nhà nước, các chế độ thống kê, báo cáo, lưu trữ về trợ giúp pháp lý ở địa phương.

- Sở Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phối hợp với Phòng Tư pháp trong việc giúp Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động trợ giúp pháp lý; chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm trong việc xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên của Trung tâm, Chi nhánh; chỉ đạo việc hướng dẫn về thành lập và chuyên môn nghiệp vụ sinh hoạt của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở địa phương. 

Đối với Chế độ thống kê, báo cáo, lưu trữ: Thông tư số 05/2008/TT-BTP quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến chế độ thống kê, báo cáo, lưu trữ trong hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến việc thống kê số liệu vụ việc trợ giúp pháp lý, chế độ báo cáo của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tư pháp cũng như thời gian gửi báo cáo. Các vấn đề cụ thể sẽ do Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý hướng dẫn chi tiết. Cụ thể:

Chế độ thống kê: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện việc thống kê số liệu vụ việc trợ giúp pháp lý theo định kỳ hằng tháng, 6 tháng và một năm. Các hoạt động thống kê, chế độ và nghiệp vụ thống kê được thực hiện theo quy định của pháp luật về thống kê.

Chế độ báo cáo:

- Các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện chế độ báo cáo định kỳ sáu tháng và một năm với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; báo cáo tháng, sáu tháng và một năm, báo cáo đột xuất hoặc báo cáo chuyên đề theo chỉ đạo, hướng dẫn và yêu cầu của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp. Báo cáo được thực hiện theo các Mẫu số 17-TP-TGPL, Mẫu số 18-TP-TGPL và Mẫu số 19-TP-TGPL ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTP.

- Tuỳ theo các nội dung cần báo cáo, về tổ chức, hoạt động hoặc kinh phí hoạt động, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước báo cáo theo định kỳ hoặc đột xuất; hoặc báo cáo chuyên đề theo chỉ đạo, hướng dẫn và yêu cầu của Sở Tư pháp; các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý báo cáo về tổ chức và hoạt động cho Sở Tư pháp định kỳ hằng năm theo quy định.

Báo cáo tháng được gửi trước ngày 25 của tháng; báo cáo 6 tháng được gửi trước ngày 25/6; báo cáo năm được gửi trước ngày 25/12 năm báo cáo.

- Chế độ thống kê, báo cáo, các nội dung và hình thức báo cáo nghiệp vụ được thực hiện theo hướng dẫn của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý.

Chế độ lưu trữ: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện việc lưu trữ hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 44 Luật Trợ giúp pháp lý và quy định của pháp luật về văn thư, lưu trữ. 

Đối với Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thông tư số 05/2008/TT-BTP quy định cụ thể về chủ thể có thẩm quyền, đối tượng, nội dung, thời gian và cơ chế kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý. Cụ thể:

Đối tượng, nội dung và thời gian kiểm tra:

- Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý (Văn phòng luật sư, Công ty luật, Trung tâm tư vấn pháp luật) tại địa phương.

- Kiểm tra về tổ chức và hoạt động của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Kiểm tra về tình hình sử dụng nguồn lực của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý ở địa phương.

- Thời gian và nội dung kiểm tra định kỳ phải được thông báo cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 07 ngày làm việc trước khi tiến hành kiểm tra.

Cơ quan, tổ chức thực hiện kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo:

- Cục Trợ giúp pháp lý giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý trong phạm vi toàn quốc; kiểm tra định kỳ, đột xuất về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền.

- Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý ở địa phương, kiểm tra, báo cáo định kỳ, đột xuất theo thẩm quyền hoặc theo yêu cầu của Bộ Tư pháp hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương.

- Tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật thực hiện việc kiểm tra, báo cáo việc thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với tổ chức tư vấn pháp luật trực thuộc; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thực hiện việc giám sát việc tuân thủ và thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý đối với tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý; phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tham gia trợ giúp pháp lý.

- Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý, Thanh tra Bộ), Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Thanh tra tỉnh), Sở Tư pháp (Thanh tra Sở) thực hiện thanh tra về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về thanh tra; thực hiện việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Nguyễn Tuệ