Nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP về phí công chứng

23/10/2008
Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư liên tịch số 91/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 10 năm 2008 Hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng như sau:

Phí công chứng được áp dụng đối với việc công chứng các hợp đồng, giao dịch, nhận lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng theo quy định của Luật công chứng và Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng.

Đối tượng nộp phí công chứng là: cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, lưu giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng.

Đơn vị thu phí công chứng là: Phòng công chứng và Văn phòng công chứng.

Mức thu phí công chứng:

Mức thu phí công chứng quy định tại Thông tư này được áp dụng thống nhất đối với Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Trường hợp đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng thì mức thu phí theo quy định tại Thông tư này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (nếu có) theo quy định của Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trường hợp đối tượng nộp phí có nhu cầu nộp phí bằng ngoại tệ thì thu bằng ngoại tệ trên cơ sở quy đổi đồng Việt Nam ra ngoại tệ theo tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thu phí.

Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch được tính như sau:

- Dưới 100.000.000 đồng    mức thu:    100.000đồng/trường hợp; 

- Từ 100.000.000đồng đến 1.000.000.000đồng mức thu: 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch; 

- Từ trên 1.000.000.000đồng đến 5.000.000.000đồng mức thu: 1.000.000 + 0,07% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 1.000.000.000 đồng; 

- Từ trên 5.000.000.000đồng mức thu: 3.800.000 đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 5.000.000.000 đồng (mức thu tối đa không quá 10.000.000đồng/trường hợp). 

Mức thu này được áp dụng đối với các việc: 

-  Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (tính trên giá trị quyền sử dụng đất); 

-  Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất (tính trên tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản gắn liền với đất); 

-  Công chứng hợp đồng mua bán, tặng cho tài sản khác, góp vốn bằng tài sản khác (tính trên giá trị tài sản); 

-  Công chứng hợp đồng thuê quyền sử dụng đất, thuê tài sản  (tính trên tổng số tiền thuê); 

-  Công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản ( tính trên giá trị di sản); 

-  Công chứng hợp đồng vay tiền (tính trên giá trị khoản vay); 

-  Công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản khác (tính trên giá trị tài sản; trường hợp trong hợp đồng thế chấp tài sản, cầm cố tài sản có ghi giá trị khoản vay thì tính trên giá trị khoản vay); 

-  Công chứng hợp đồng kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh doanh ( tính trên giá trị hợp đồng). 

Các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất, tài sản có giá quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản tính phí công chứng được xác định theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng, giao dịch đó; trường hợp giá đất, giá tài sản do các bên thoả thuận thấp hơn mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định áp dụng tại thời điểm công chứng thì giá trị tính phí công chứng được tính như sau: Giá trị quyền sử dụng đất, giá trị tài sản tính phí công chứng = Diện tích đất, số lượng tài sản ghi trong hợp đồng, giao dịch  (x)  Giá đất, giá tài sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. 

Ngoài ra Thông tư còn quy định cụ thể đối với: 

Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch không theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch cho 10 loại việc;  

Mức thu phí nhận lưu giữ di chúc;   Mức thu phí cấp bản sao văn bản công chứng. 

Chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng 

           Đơn vị thu phí là Văn phòng công chứng phải thực hiện lập và giao hoá đơn cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng hoá đơn. 

           Đơn vị thu phí là Phòng công chứng phải thực hiện lập và giao biên lai thu cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế. 

Về quản lý, sử dụng phí công chứng: 

           Thông tư quy định Phòng công chứng được trích 50% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc quản lý và thu phí theo chế độ quy định. Phòng công chứng có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước 50% tiền phí thu được theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước hiện hành. 

           Đối với Văn phòng công chứng: Phí công chứng thu được là khoản thu không thuộc ngân sách nhà nước. Tiền phí thu được là doanh thu của đơn vị thu phí. Đơn vị thu phí có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền thu phí sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật. Hàng năm phải thực hiện quyết toán thuế đối với số tiền phí thu được với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.

 Phan Thuỷ- Vụ Hành chính tư pháp